Nga tung chưởng tại Syria, Mỹ và NATO toát mồ hôi

Mặc dù quy mô tương đối nhỏ, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã làm nổi bật sự cải thiện lớn về năng lực quân sự của Nga, chuyên gia Dmiitry Gotenburg nhận xét trên Interpreter của Viện Lowy.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr

Theo Gorenburg, so với cuộc chiến Georgia năm 2008, trình độ tác chiến của không quân Nga  đã có bước tiến lớn trong việc tăng cường độ tác chiến cũng như hiệu quả chiến đấu. Nó cũng đánh dấu những tiến bộ về khả năng tiến hành các chiến dịch ở bên ngoài nước Nga, đồng thời thể hiện năng lực tác chiến đáng gờm.

Giai đoạn đầu chiến dịch không kích đã thành công trong việc phá hủy các mục tiêu và trang thiết bị các lực lượng đối lập chiếm được của quân chính phủ hồi đầu cuộc xung đột. Một khi các mục tiêu trên bị tiêu diệt, không quân Nga sau đó chuyển sang phối hợp với lực lượng Syria và Iran tiến hành các chiến dịch trên mặt đất chống phiến quân ở khu vực tây bắc đất nước.

Chiến dịch quân sự làm nổi bật tiến bộ về công nghệ vũ khí Nga, nhưng cũng cho  thấy những giới hạn trong năng lực mới đó. Trong chiến dịch không kích, chiến đấu cơ Nga đã lần đầu tiên sử dụng các loại vũ khí chính xác. Nhưng chỉ 20% các cuộc không kích sử dụng các loại vũ khí hiện đại như vậy, trong khi phần còn lại vẫn sử dụng các loại bom thông thường.

Chiến dịch còn cho phép không quân Nga thử nghiệm các năng lực mới bao gồm các vũ khí chính xác và khả năng tiến hành xuất kích đánh đêm và nhấn mạnh sự tồn tại của các vũ khí và năng lực mới với các đối thủ tiềm tàng.

Đồng thời, quân đội Nga tìm cách giới hạn dùng nhiều các vũ khí mới bởi lẽ chúng rất đắt đỏ khi so với các loại bom thông thường và vì  rằng không quân hạn chế sử dụng các vũ khí chính xác và không muốn lạm dụng chúng để đánh các mục tiêu bình thường vì không cần thiết.

Một tính toán tương tự được minh chứng qua đòn đánh bằng tên lửa hành trình tầm xa, phóng từ các chiến hạm cỡ nhỏ từ biển Caspian đánh các mục tiêu tại Syria trước hết cũng nhằm thể hiện năng lực quân sự với các kẻ địch tiềm năng. Các tên lửa này khong cần thiết cho sự thành công của chiến dịch, vốn hoàn toàn có thể được thực hiện tốt bởi các chiến đấu cơ Nga có mặt tại Syria.

Mục đích thật sự của đòn đánh tên lửa Kalibr là nhằm cho các nhà hoạch định quân sự của các nước NATO cũng như các nước láng giềng của Nga thấy Nga có thể gây uy hiếp từ các chiến hạm không dễ cho kẻ thù tiêu diệt.

Tần suất xuất kích trong chiến dịch không kích của Nga tại Syria khá cao, trung bình tới 45 đợt xuất kích hàng ngày trong tháng 10 được 34 chiến đấu cơ cánh cố định và 16 trực thăng chiến đấu thực hiện. Hơn nữa, nhịp độ chiến dịch cũng tăng theo thời gian lên tới khoảng 60 lượt xuất kích/ngày vào cuối tháng 10. Số lần xuất kích cao đặc biệt gây kinh ngạc khi xét tình trạng rơi máy bay quân sự Nga hồi đầu năm 2015 ngày càng tăng mà nhiều chuyên gia cho rằng do đội máy bay đã cũ.

Phi đội Su-25 và máy bay cường kích Su-34 Fullback của Nga xuất kích từ sân bay Latakia thực hiện chiến dịch không kích chống khủng bố

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria nêu bật những tiến bộ về tính phối hợp đồng bộ quân sự Nga. Đây là một trong những mục tiêu cải tổ quân sự được tiến hành sau những thất bại ê chề trong lĩnh vực này được hé lộ trong cuộc chiến Georgia. Trong lúc không quân xuất kích chiến đấu, cũng đã thể hiện khả năng phối hợp với lực lượng hỗ trợ cũng như các lực lượng nước ngoài.

Chẳng hạn hải quân Nga không chỉ chịu trách nhiệm trên biển cho chiến dịch, mà còn đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không tầm xa với hệ thống S-300 đặt trên tàu tuần dương tên lửa Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen. Có tàu phòng không hạm đội tầm xa cho phép Nga đối phó với các cuộc tấn công đường không tiềm tàng của phương Tây tại khu vực, trong khi tránh được căng thẳng với Israel vốn không hài lòng nếu Nga chuyển giao các hệ thống tương tự cho Syria.

Mặc dù lực lượng bộ binh Nga đóng vai trò tương đối hạn chế trong chiến dịch, họ vẫn rất quan trọng trong việc bảo vệ căn cứ không quân. Quan trọng hơn, không quân Nga thể hiện khả năng phối hợp tác chiến nhịp nhàng với các đơn vị mặt đất của Syria và Iran, đã bắt đầu tổ chức phản công lớn đẩy lui các nhóm phiến quân đối lập với sự yểm trợ của không quân Nga.

Mãi cho tới tháng 9/2015, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng Nga không có khả năng thực hiện một chiến dịch quân sự cách xa các nước láng giềng vì quân đội Nga thiếu năng lực vận chuyển một số lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị tới một môi trường tác chiến xa xôi. Tuy nhiên, quân đội Nga đã thể hiện khả năng chuyên chở vũ khí, trang bị cũng như quân số cần thiết bằng cách điều động phần lớn các máy bay vận tải hạng nặng và tàu vận tải biển tại châu Âu.

Hơn thế, Nga còn đổi cờ hiệu của nhiều tàu thương mại Thổ Nhĩ Kỳ và đưa chúng vào làm nhiệm vụ chuyên chở thiết bị, vũ khí. Trong khi trước đây Nga gần như hoàn toàn phụ thuộc vào mạng lưới đường sắt để vận chuyển quân sự, chiến dịch tại Syria cho thấy khả năng hỗ trợ đường biển và hỗ trợ đường không thực hiện một chiến dịch quy mô nhỏ cách xa biên giới Nga. Và Moscow hoàn toàn có khả năng tăng cường năng lực này theo những cách sáng tạo khi tình hình thực tế đòi hỏi làm vậy.

Theo Gotenburg, vượt lên trên các mục tiêu địa chính trị thuần túy, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria được thiết kế nhằm thử nghiệm sự cải thiện trong năng lực quân sự của Nga, kết quả của quá trình hiện đại hóa quân đội đã được thực hiện từ ít nhất 7 năm qua, đồng thời nêu bật những tiến bộ đó đối với các kẻ địch tiềm tàng.

Trong khi vẫn chưa thể đánh giá chiến dịch quân sự của Nga hỗ trợ chính quyền Syria thành công ra sao trong việc đảo ngược cục diện chiến trường chống các nhóm phiến quân, nó đã chứng minh quá trình cải tổ quân sự đã đem lại quả ngọt trong việc tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội Nga.

Theo QPAN