|
Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi WHO, có hiệu lực từ tháng 7/2021 (Ảnh: France24) |
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc đã có cuộc điện đàm trong hôm thứ Ba vừa qua, trong đó nội dung trao đổi tập trung vào các cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen và "các biện pháp chống lại đà lây lan của virus corona chủng mới mà trong đó WHO đóng vai trò trung tâm"; theo Bộ Ngoại giao Nga.
"Hai bên chia sẻ cùng quan điểm rằng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả thành viên của LHQ cần được tôn trọng" - theo tuyên bố chính thức được đưa ra - "Họ cũng nhất trí rằng việc chính trị hóa các vấn đề nhân đạo cùng các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương là không thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch".
Moscow và Bắc Kinh từng chỉ trích Washington vì đóng băng nguồn tài trợ cho WHO vào tháng 4 năm nay, giữa lúc có nhiều cáo buộc cho rằng tổ chức này ủng hộ các quan điểm về dịch của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ đó đã dọa rút khỏi WHO, và trong hôm thứ Ba vừa qua, Thượng nghị sĩ Bob Menendez viết trên Twitter rằng Quốc hội Mỹ đã nhận được thông báo về việc Mỹ rút khỏi WHO.
Phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic cũng xác nhận rằng tổ chức này "đã nhận được các báo cáo rằng Mỹ đã gửi thông báo chính thức tới Tổng Thư ký LHQ về việc họ rút khỏi WHO, có hiệu lực từ ngày 6/7/2021", nhưng thêm rằng ông không thể cung cấp thêm thông tin trong thời điểm này.
WHO từng liên tiếp bảo vệ công tác phòng chống dịch COVID-19 của họ. Tháng 5 vừa qua, tổ chức này thông qua một cuộc điều tra nhằm vào cách phản ứng của toàn cầu trước dịch bệnh, như đề nghị của các nước thành viên đã tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).
Chính quyền Trump từng kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra toàn diện nhằm vào đại dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu WHO phải cải tổ bộ máy. Giới chức Mỹ cho rằng tổ chức này đã không phản ứng đủ nhanh khi virus corona chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc vào thời điểm cuối năm ngoái.
|
Mỹ từng tố WHO là "con rối" của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Ảnh: NBC)
|
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp báo hồi tuần trước cho hay các chuyên gia của tổ chức sẽ sớm cử một đội ngũ tới Trung Quốc, và ông hy vọng rằng chuyến thăm này "sẽ làm rõ về sự khởi nguồn của virus và điều mà chúng ta cần chuẩn bị cho tương lai".
Khi được hỏi về chuyến thăm này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 7/7 nói rằng "Trung Quốc tin rằng việc truy nguồn gốc của virus là vấn đề khoa học, nên được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và chuyên gia y tế".
"Trung Quốc và WHO đã liên lạc và hợp tác chặt chẽ trong việc điều tra nguồn gốc kể từ khi COVID-19 bùng phát, và các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thảo luận về vấn đề này với các nhà khoa học ở nhiều nước khác" - ông Triệu Lập Kiên nói - "Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các nhà khoa học từ tất cả quốc gia trên thế giới trong việc điều tra về khởi nguồn và con đường lây lan của virus corona chủng mới".
Cũng trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với kênh Fox News rằng "Chúng tôi biết nó khởi nguồn từ Vũ Hán. Chúng tôi biết nó đến từ Trung Quốc. Thế nhưng họ vẫn cố gắng che đậy nó trong suốt một thời gian dài".
Washington vẫn luôn tìm cách chứng minh rằng họ là tiên phong trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một thông báo có nội dung rằng họ đã chi tới 12,5 tỷ USD cho chiến dịch quốc tế chống lại đại dịch này.
Cùng lúc, Bắc Kinh cũng ra sức tuyên truyền về các nỗ lực chống dịch của họ trên khắp thế giới. Trung Quốc đã cam kết chi thêm 50 tỷ USD cho WHO, và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ đóng góp 2 tỷ USD cho nỗ lực toàn cầu chống COVID-19 trong bài phát biểu trước WHA tổ chức hồi tháng 5.
Quyết định rút khỏi WHO của chính quyền Trump nằm trong chuỗi sự kiện mà trong đó Mỹ liên tục rút khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế trong vòng 3 năm qua.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm 2017, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, tổ chức giáo dục của LHQ, Tổ chức Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí của LHQ, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran); cùng một số thỏa thuận song phương như Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga.