|
Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt hợp tác trong vấn đề Triều Tiên (Ảnh: Foreign Policy) |
Trong hôm đầu tuần này, Trung Quốc và Nga đã đề xuất với Hội đồng Bảo an LHQ dỡ bỏ một lệnh cấm ngăn Triều Tiên xuất khẩu tượng, hải sản và hàng dệt may; đồng thời loại bớt hạn chế đối với các dự án cơ sở hạ tầng và công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài - theo bản dự thảo nghị quyết mà Reuters dẫn lại.
Dự thảo nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm - chỉ vài tuần trước khi thời hạn chót mà Triều Tiên đặt cho Washington để có thêm các bước nhượng bộ đến gần - và là tín hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của các nước trong hướng tiếp cận với Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc - đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ - là hai nước có lá phiếu cực kỳ quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trong những năm gần đây, theo chiến dịch "sức ép cực đại" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ cho rằng còn quá sớm để LHQ cân nhắc về việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đồng thời kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Kể từ khi Triều Tiên và Mỹ nối lại hoạt động ngoại giao vào năm 2018, cả Moscow và Bắc Kinh đều lên tiếng kêu gọi gỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên. Và hiện tại, dự thảo nghị quyết mà họ đưa ra cho thấy hai nước này đang tăng cường sức ép buộc Mỹ phải gỡ bỏ bớt cấm vận với Triều Tiên.
Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ nói rằng nguyên nhân lớn khiến các vòng đàm phán hạt nhân bế tắc và khiến căng thẳng gia tăng chính là do Mỹ thiếu phản ứng trước "các bước đi tích cực" của Triều Tiên trong giải giáp hạt nhân.
"Sáng kiến của Nga-Trung tại Hội đồng Bảo an dường như có phối hợp với Bình Nhưỡng, bởi đề xuất này phản ánh đúng các yêu sách của Triều Tiên, đó là họ cần được tưởng thưởng vì đã có các bước nhượng bộ" - ông Artyom Lukin, Giáo sư thuộc ĐH Viễn Đông, Vladivostok (Nga), nhận định.
Trung Quốc và Nga giờ đang chặn chiến lược của Mỹ với Triều Tiên một cách hiệu quả, theo ông Lukin. "Bình Nhưỡng một lần nữa đã thể hiện khả năng của họ trong việc tận dụng sự đối đầu giữa các siêu cường" - ông Lukin nhận định.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 17/12 nói, Trung Quốc hy vọng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ đạt sự đồng thuận về dự thảo nghị quyến, đồng thời hối thúc Mỹ và Triều Tiên duy trì đối thoại.
|
Một du khách Trung Quốc quan sát khu vực biên giới giữa Nga-Trung-Triều Tiên bằng ống nhòm (Ảnh: Reuters)
|
Giới phân tích nhấn mạnh rằng Bắc Kinh và Moscow ngày càng thể hiện rõ sự đoàn kết của họ trong vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Việc gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên mang ý nghĩa quan trọng đối với Kế hoạch Hồi sinh khu vực Đông Bắc của Trung Quốc cũng như các lợi ích kinh tế của Nga ở vùng Viễn Đông - theo Anthony Rinna, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Nga-Triều Tiên làm việc tại Sino-NK, một website chuyên phân tích tình hình trong khu vực.
"Việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt này là một phần trong kế hoạch hành động chung Nga-Trung về vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" - ông Rinna nhận định.
Triều Tiên đã đặt ra thời hạn chót vào cuối năm nay để Washington phải có thêm sự nhượng bộ với họ, như gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nếu Mỹ không có động thái, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ lựa chọn "con đường mới".
Trung Quốc và Nga dường như rất quan ngại về động thái tiếp theo của Triều Tiên nên đã kêu gọi gỡ bỏ bớt các đòn trừng phạt, tránh để Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - theo giới phân tích.
"Moscow cảm thấy rằng việc gây sức ép là hướng đi sai lầm khi đối phó với Triều Tiên, và nếu Bình Nhưỡng đưa ra thêm các hành động khiêu khích trong năm tới, đó sẽ là một phép thử ghê gớm đối với sự nhân nhượng có hạn của Trung Quốc và Nga trong vấn đề Triều Tiên" - ông Rinna nói.
Ông Daniel DePetris, chuyên gia nghiên cứu thuộc Defense Priorities (Các ưu tiên Quốc phòng), một hãng phân tích có trụ sở tại Washington, nói ông hy vọng rằng Nga và Trung Quốc hợp tác có thể giữ cho Triều Tiên kiềm chế trong thời điểm hiện tại.
"Chúng tôi không rõ lằn ranh đỏ của Nga và Trung Quốc là gì, nhưng sẽ là hợp lý khi kết luận rằng, một vụ thử ICBM hay thử hạt nhân chắc chắn sẽ khiến cả hai nước này cân nhắc lại quan điểm của họ với Triều Tiên" - ông DePetris nói.