Ngã trong nhà vệ sinh, cụ bà 102 tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu Nghị vừa tiếp nhận cụ bà 102 tuổi vào Bệnh viện trong tình trạng đau đớn vì gãy liên mấu chuyển xương đùi sau khi ngã trong nhà vệ sinh.
Bệnh nhân 102 tuổi hồi phục sau khi được thay khớp háng (Ảnh - BVCC)
Bệnh nhân 102 tuổi hồi phục sau khi được thay khớp háng (Ảnh - BVCC)

Đau đớn vì gãy liên mấu chuyển xương đùi

Khoa Ngoại Thần kinh – Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Ngày 30/6, cụ T.T.M.,102 tuổi, sống ở Hải Dương vào viện trong tình trạng khớp háng trái, đùi trái bị sưng lớn, đau nhức không đi lại được do bị trượt chân ngã trong nhà vệ sinh. Gia đình đã đưa cụ lên Bệnh viện Hữu Nghị điều trị vì tin tưởng chuyên môn các bác sĩ ở đây, mặc dù cụ M. không có bảo hiểm đúng tuyến của Bệnh viện.

Ngay sau khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh – Chấn thương chỉnh hình đã khám và chẩn đoán bệnh nhân bị gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi trái. Đây là tổn thương rất nặng, có thể khiến bệnh nhân gặp tình trạng sốc và mất nhiều máu (bệnh nhân có thể mất từ 500 – 1000 ml máu). Hơn nữa, thể trạng bệnh nhân già yếu, có tiền sử bệnh tim mạch. Chính vì thế, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, giảm đau, truyền máu cho bệnh nhân.

Sau 1 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, các bác sĩ khoa Ngoại Thần Kinh – Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã gặp phải không ít khó khăn vì gãy liên mấu chuyển xương đùi là gãy xương phức tạp, phẫu thuật sẽ có nhiều nguy cơ hơn gãy cổ xương đùi. Do bệnh nhân tuổi cao, thể trạng già yếu nên các bác sĩ phải đảm bảo rút ngắn thời gian phẫu thuật để hạn chế các biến chứng liên quan đến gây mê, gây tê, giảm lượng máu mất trong phẫu thuật. Bên cạnh đó, do chất lượng xương của bệnh nhân rất kém, gãy xương phức tạp nhiều mảnh. Nên các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật cực kỳ chính xác hạn chế tổn thương xương, phần mềm quanh khớp cho bệnh nhân, đồng thời, nắn chỉnh tất cả mảnh gãy về vị trí giải phẫu và cố định vững chắc.

Hiện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, giảm các cơn đau, bệnh nhân được tập phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật 10 ngày bệnh nhân đã có thể đi lại bằng khung hỗ trợ.

Làm thế nào để thay khớp háng an toàn, hiệu quả?

Theo BS. Trần Cửu Long Giang – Phụ trách Khoa Ngoại thần kinh – Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Hữu Nghị, đối với bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi cần tầm soát các bệnh lý các bệnh lý phối hợp kèm theo, tiến hành hội chẩn các chuyên khoa để đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh, chuẩn bị tốt nhất trước khi tiến hành phẫu thuật, đồng thời, cần chẩn đoán, phân loại chính xác tổn thương. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị, loại khớp háng phù hợp với bệnh nhân.

Tại bệnh viện Hữu Nghị có đội ngũ bác sỹ phẫu thuật chuyên nghiệp cùng sự tham gia về Gây mê hồi sức của PGS. Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, nên người bệnh cùng gia đình rất yên tâm khi quyết định phẫu thuật ở đây.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật thay khớp háng bán phần

Với bệnh nhân cao tuổi gãy liên mẫu chuyển xương đùi thì phẫu thuật là phương án tối ưu. Đặc biệt là phẫu thuật thay khớp háng bán phần giúp cho bệnh nhân có thể vận động đi lại sớm tránh được biến chứng do nằm lâu, bất động kéo dài như: loét tỳ đè, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu,... Thông thường, với những bệnh nhân thay khớp háng, bệnh nhân có thể ngồi dậy sau 6 tiếng. Sau 3 ngày, nếu sức khỏe ổn định bệnh nhân có thể đi lại được, không phải chịu nhiều đau đớn.

Ngoài ra, bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi trước đây thường được sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương. Nhưng phương pháp này có nhiều hạn chế do chất lượng xương ở người cao tuổi kém, khi kết hợp xương bằng nẹp vít dễ dẫn tới biến chứng lỏng/ bung phương tiên kết xương, khả năng liền xương ở người cao tuổi cũng kém hơn ở người trẻ rất nhiều dễ dẫn tới không liền ổ gãy. Hơn nữa, khi sử dụng phương pháp kết hợp xương, bệnh nhân không thể đi lại sớm được (ít nhất sau 3 tháng bệnh nhân mới có thể đi lại chịu lực được), trong khi đó phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho phép bệnh nhân có thể đi lại sớm hơn ngay trong tuần đầu sau phẫu thuật, hạn chế được những biến chứng nêu trên của phương pháp kết hợp xương.

Với những trường hợp tuổi cao không may bị ngã, chấn thương xương, khớp BS. Giang khuyến cáo gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm để được kiểm tra, thăm khám nhằm phát hiện dấu hiệu gãy xương để được điều trị kịp thời cho người bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc bó lá có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khó lường.