|
Tổng thống Nga Putin |
Thông điệp liên bang là bài phát biểu thường niên của tổng thống Nga, là bản "báo cáo" về những vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển của đất nước, nói về những sự kiện đã xảy ra và những biện pháp mà ban lãnh đạo đất nước sẽ thực hiện trong tương lai gần. Mấy năm gần đây, điểm nhấn trong những "báo cáo" này là các vấn đề nội bộ, chủ yếu những vấn đề kinh tế và xã hội. Điều đó là dễ hiểu bởi vì sức mạnh của nhà nước, sự ủng hộ của người dân dành cho ban lãnh đạo đất nước cũng như khả năng của đất nước hoạt động trên trường quốc tế đều phụ thuộc vào tình trạng công việc trong hai lĩnh vực này.
Theo ông Tsvetov, nếu nói về chính sách đối ngoại, nội dung chính trong bức thông điệp năm nay là như sau: "Chúng ta không tìm kiếm kẻ thù mà cần những người bạn." Tổng thống đã tuyên bố như vậy. Ông Putin nhìn thấy những người bạn và đối tác ở bộ phận nào trên thế giới? Không phải ở Mỹ và Tây Âu mà ở phương Đông. Theo tổng thống Putin, Nga có tiềm năng to lớn trong sự hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khái niệm chính sách đối ngoại mới nói chi tiết về những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Khác với bức thông điệp hàng năm, Khái niệm chính sách đối ngoại không phải là một tài liệu thường niên, mà là một văn bản quy phạm pháp luật, phải được tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt trong hoạt động của các nhà ngoại giao và các quan chức Nga tham gia hoạt động quốc tế.
Khái niệm viết rõ rằng: "Nga xem xét việc tăng cường vị thế của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực là một phương hướng chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại”. Nga cũng chủ trương tăng cường hợp tác với SCO, ASEAN, với APEC, diễn đàn "Á-Âu", chủ trương tạo ra một không gian chung để phát triển cùng với ASEAN, SCO và EAEC.
Về hợp tác song phương, một định hướng ngoại giao của Nga là phát triển và mở rộng mối quan hệ với các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ và Hàn Quốc.
Một chương riêng nói về mối quan hệ với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. "Nga chủ trương củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga năm 2016 nêu rõ.
Vì sao Nga chuyển hướng sang phương Đông và xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu? Trong bức thông điệp gửi quốc hội Nga, tổng thống Putin trả lời câu hỏi này như sau: "Chính sách hiện tại của Nga hướng về phương Đông không dựa trên những cân nhắc về các cơ hội trước mắt, cũng không phải vì sự nguội lạnh trong quan hệ với Mỹ và Liên minh Châu Âu. Chính sách với châu Á của Nga xuất phát từ lợi ích quốc gia lâu dài và các xu hướng phát triển của thế giới".
Về các xu hướng phát triển của thế giới, thì có một xu hướng rất quan trọng được đề cập đến trong Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga, đó là "sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế toàn cầu sang khu vực châu Á -Thái Bình Dương".
Còn có một yếu tố nữa khiến Nga phát triển hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương: bản thân nước Nga là một bộ phận của khu vực này, vì thế Nga muốn tham gia vào quá trình hội nhập khu vực, để phục vụ lợi ích phát triển vùng Siberia và Viễn Đông. Khi phát biểu tại điện Kremlin, tổng thống Putin đã thông báo rằng, ông đã chỉ thị cho chính phủ bảo đảm thực hiện vô điều kiện của tất cả các quyết định được thông qua trước đây về sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga.
Theo ông Tsvetov, đây là một chi tiết rất quan trọng. Các mối quan hệ của Nga với các nước châu Á phụ thuộc phần nhiều vào nhịp độ phát triển vùngViễn Đông của Nga. Sau khi khu vực rộng lớn này lên mức độ phát triển cao về kinh tế, giao thông liên lạc, khoa học và giáo dục thì sẽ thu hút dòng vốn đầu tư, doanh nhân, khách du lịch, sinh viên nước ngoài. Hãy tin vào những điều tốt đẹp ở ngày mai!