Một nghiên cứu gần đây của RAND Corporation kết luận rằng Nga có thể hạ gục ba nước thành viên NATO (Estonia, Latvia và Lithuania) ở Baltic trong vòng 60 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, theo National Interest, mô hình này đã không tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu quả thực nổ ra cuộc chiến giữa NATO và Nga, vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ được sử dụng, đặc biệt nếu cuộc xung đột có phần bất lợi cho Mátxcơva.
Không giống như Liên Xô từng tuyên bố không bao giờ sử dụng chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nước Nga đã công khai từ bỏ cam kết đó vào năm 1993. Trên thực tế, khi số vũ khí thông thường của Nga trở nên nghèo nàn hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội vào những năm 1990, Nga đã phát triển học thuyết ngừng leo thang vào năm 2000.
Học thuyết này nêu rõ nếu Nga phải đối mặt với cuộc tấn công quy mô lớn có thể hạ gục lực lượng thông thường của nước này, Mátxcơva có thể sẽ viện đến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên đến năm 2010, Nga lại sửa đổi học thuyết này vì lúc đó lực lượng thông thường của Nga đã bắt đầu phục hồi trở lại. Theo đó, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống gây nguy hiểm tới sự tồn vong của nhà nước Liên bang Nga.
Với tình hình sức mạnh hiện nay, nghiên cứu của RAND chỉ ra rằng Nga có thể dễ dàng đánh bại ba nước thành viên NATO vùng Baltic. Tuy nhiên, mô hình này không tính đến khả năng NATO phản công.
Nghiên cứu của RAND nhận định: “Cuộc tấn công nhanh gọn của Nga sẽ khiến NATO chỉ còn một số lựa chọn nhất định, và tất cả các lựa chọn này đều tồi tệ: thứ nhất là một cuộc phản công đẫm máu, đầy rẫy những rủi ro chỉ để giải phóng các nước Baltic; thứ hai là tự leo thang xung đột để tránh thất bại như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh; hoặc trường hợp cuối cùng là nhận thua, tất nhiên là sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho liên minh NATO và người dân các nước Baltic".
Nếu NATO phản công thì cuộc chiến sẽ hết sức đẫm máu và đầy các nguy cơ. Nhưng đó sẽ là hệ quả dễ xảy ra nhất trong trường hợp Nga tấn công các nước Baltic. Trong trường hợp đó, lực lượng thông thường của Nga mới được phục hồi và chỉ một số được huấn luyện và trang bị kỹ lưỡng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề hoặc thậm chí có thể bị tiêu diệt.
Hơn nữa, nếu NATO tấn công các mục tiêu ở nước Nga hoặc tràn vào lãnh thổ Nga thì Nga có thể kết luận rằng điều này đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Liên bang Nga. Bấy lâu nay điện Kremlin vẫn luôn quan ngại về mục tiêu thay đổi chế độ của phương Tây, do đó trong trường hợp này Nga có thể phản công bằng vũ khí hạt nhân.
National Interest cho rằng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không thể so sánh được với của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, rất khó để xác định sức mạnh hạt nhân thật sự của Nga hiện nay ra sao.
Liên Xô được cho là sở hữu khoảng 15.000- 25.000 vũ khí hạt nhân dưới mọi hình thức, từ ngư lôi hạt nhân đến các tên lửa tầm ngắn, bom trọng lực và pháo binh, cũng như là các đầu đạn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, tầm xa.
Theo Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, cho dù Mátxcơva đang dần loại bỏ kho vũ khí phi chiến lược kể từ sau Chiến tranh lạnh, nhưng Nga vẫn còn sở hữu khoảng 4.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Một số phân tích khác lại cho rằng Nga chỉ có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật sử dụng được.
Một nghiên cứu của Viện Royal United Service chỉ ra rằng Nga có nhiều nhất 1.040 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong đó lực lượng bộ binh sở hữu 128-210 đầu đạn, Hải quân Nga có khoảng 330 vũ khí và Không quân Nga sở hữu 334 vũ khí hạt nhân. Ngoài ra còn có từ 68- 166 vũ khí hạt nhân chiến thuật lắp trên các loại tên lửa đất đối không.