Xuất phát từ bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Chúng ta sẽ được đối xử một cách tôn trọng và được lắng nghe ý kiến trong khi giải quyết các vấn đề nghị sự của thế giới khi và chỉ khi nước Nga mạnh và đứng vững trên đôi chân của mình”. Còn Phó Thủ tướng Nga Dmiry Rogozin thì cho rằng, đồng minh duy nhất của Nga là Quân đội và Hải quân. Do đó, nước Nga cần phải xây dựng các lực lượng vũ trang mạnh.
Vì sao nước Nga cần phải mạnh?
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, V.Putin lúc đó ở cương vị thủ tướng Nga, cho đăng một bài viết mang tính cương lĩnh với tiêu đề: "Chúng ta cần phải mạnh để bảo đảm an ninh quốc gia cho nước Nga". Bài viết này khiến giới phân tích liên tưởng tới tư tưởng của một nhân vật nổi tiếng theo trường phái chủ nghĩa tự do Nga, ông Peter Struve, được đưa ra trong hai công trình nghiên cứu mang tên "Nước Nga vĩ đại" và "Trí thức và nền kinh tế quốc dân".
Tư tưởng của Peter Struve dựa trên 5 luận điểm sau:
(1) Thước đo chính sách của một quốc gia cũng như các chính đảng là phải trả lời cho được câu hỏi: chính sách đó có thể tạo nên sức mạnh để hóa giải nguy cơ từ bên ngoài ở mức độ nào.
(2) Một dân tộc vĩ đại một khi tạm thời lâm vào nguy cơ suy thoái không thể ngồi yên trước một thế giới đang phát triển và đấu tranh không ngừng nghỉ.
(3) Sự xung đột giữa các quốc gia xuất phát từ cơ sở xung đột lợi ích và sự tương quan sức mạnh.
(4) Chính sách quốc gia cần phải bắt đầu từ chỗ lấy tư duy chính trị và nền văn hoá mới để chống lại mọi âm mưu phản quốc ở tất cả các cấp độ đời xã hội.
(5) Quốc gia cần phải phát triển hướng về phía trước và đáp ứng yêu cầu về sức mạnh phòng thủ. Quốc gia sẽ không thể phát triển được khi không có đủ sức mạnh để phòng thủ.
Liên hệ với tình hình nước Nga, có thể thấy, kể từ khi mở đầu thời kỳ “cải tổ” đến khi thực hiện chủ trương “cài đặt lại” quan hệ với Mỹ bị thất bại, Matxcơva đã nỗ lực một cách vô vọng để hội nhập vào thế giới Phương Tây. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô chính là ảo tưởng phát triển khi hội nhập với phương Tây.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, khối Vacsava tan rã, trên thực tế Nga gia nhập vào cái gọi là “sự đồng thuận Washington” theo những điều kiện không công bằng, để mặc cho các dòng vốn tài chính và tiềm năng nhân lực tuôn chảy ra bên ngoài. Đổi lại, Nga “nhận được” những gì? Đó là, sự mở rộng không ngừng nghỉ của NATO về phía đông; hệ thống phòng thủ tên lửa và các căn cứ quân sự của NATO triển khai ngay sát biên giới Nga; các nước phương Tây ủng hộ về mặt tài chính và tinh thần cho các lực lượng ly khai và khủng bố trên lãnh thổ Nga; Mỹ và các nước NATO từ bỏ hệ thống quan hệ quốc tế được thiết lập theo Hiệp định Yalta-Potsdam; các hệ thống luật pháp quốc tế bị thay thế bằng luật pháp của kẻ mạnh; chiến tranh và xung đột bùng nổ ở nhiều nơi.
Hiện nay, nước Nga đang bị bao vây trong “vòng cung bất ổn và xung đột”. Vòng cung đó ngày càng khép chặt bằng cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát từ cuối năm 2013 theo kịch bản của Washington; làn sóng khủng bố và sự mở rộng ảnh hưởng của Mỹ nhằm chiếm đoạt thềm lục địa của Nga ở gần Bắc Cực. Sự bành trướng ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây ngày càng sâu hơn vào không gian hậu Xô-Viết.
Toàn bộ thực tiễn quan hệ giữa Nga và phương Tây diễn ra theo lời tiên tri của nhà văn Nga Valadimir Macsimovdi tản sang nước ngoài đã từng đưa ra vào năm 1995 ở Paris: "Nếu một ngày nào đó nước Nga có thể nói “không” một cách kiên quyết và cứng rắn thì Phương Tây sẽ lắng nghe chúng ta. Họ sẽ mau chóng trở nên những con người biết lắng nghe và lịch sự. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận lùi bước thì không thể trông mong nhận được bất kỳ một sự thương hại nào ở những con người “văn minh” này. Với những ai đã từng chịu lùi bước, họ sẽ chà đạp không thương tiếc, không biết đến lương tâm và sự tự trọng, cho đến khi hoàn toàn bị họ chinh phục".
Trong khi đó, người Nga không ngừng bị “bắn phá dữ dội” bởi các “quả đạn tuyên truyền” rằng “NATO đã hoàn toàn thay đổi bản chất”. Nhận thức của dư luận đang bị “tẩy não” bởi các luận điệu cho rằng NATO ngày nay chỉ còn là một kiểu “câu lạc bộ thảo luận” của giới tinh hoa chính trị quốc tế, đang “miễn cưỡng thực hiện” các chức năng cảnh sát hạn chế nhằm chống lại "chủ nghĩa khủng bố quốc tế", “chống phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt”, “ngăn ngừa nguy cơ tiến công bằng tên lửa” từ Iran và Triều Tiên (!?) v.v. Dường như NATO đang buộc phải thực hiện những chức năng mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc “không thể kham nổi”.
(còn tiếp)