Dự án này sẽ cho phép Hải quân Nga có khả năng vươn rộng ảnh hưởng và sức mạnh ra toàn cầu, Tư lệnh Hải quân Nga - ông Viktor Chirkov đã tuyên bố như vậy.
Hãng tin Itar-Tass của Nga hồi đầu tuần này đưa tin, vị chỉ huy hải quân cấp cao nhất của họ đã thông báo về kế hoạch đóng một tàu sân bay mới với kích cỡ lớn hơn cả những chiếc siêu tàu sân bay lớn nhất thế giới mà siêu cường số 1 thế giới đang sở hữu hiện nay.
"Thời kỳ trì trệ trong sự phát triển tiềm năng và năng lực của chúng tôi đã qua đi từ lâu. Nga sẽ đóng một tàu sân bay mới như một phần của chương trình tăng cường sức mạnh quân sự”, ông Viktor Chirkov cho hay.
"Sẽ có thêm một tàu sân bay cho Hải quân. Công việc đang được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu có liên quan”, hãng tin Itar Tass dẫn lời Tư lệnh Hải quân Chirkov cho biết. Ông này không công bố cụ thể lịch trình đóng tàu sân bay mới của Nga.
Nga hiện tại chỉ sở hữu một tàu sân bay mang tên Đô đốc Admiral Kuznetsov. Con tàu này được đưa vào sử dụng năm 1991. Tuy nhiên, nó được xem là đã lỗi thời và có một số lỗi kỹ thuật gây hạn chế khả năng chiến đấu của con tàu.
"Hải quân Nga cần một tàu sân bay mới có những đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật thích ứng cho ngày nay và cho tương lai”, ông Chirkov cho hay.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Phó Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Bursuk cũng từng tiết lộ với hãng tin RIA Novosti rằng, một tàu sân bay mới của Nga sẽ được trình làng sau năm 2030.
Khi được hoàn thành, tàu sân bay mới của Nga được cho là có thể chứa tới 100 máy bay trên boong tàu. Như vậy, tàu sân bay của Nga sẽ lớn hơn siêu tàu sân bay lớn nhất thế giới của Mỹ là 10%. Những chiếc tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay của Mỹ là những chiếc tàu sân bay lớn nhất thế giới và chúng có thể chứa khoảng 90 chiếc máy bay.
Đóng tàu sân bay cực kỳ tốn kém. Trong khi những chiếc siêu tàu sân bay của Mỹ có thể có giá trị lên tới 13 tỉ USD thì hầu hết các tàu sân bay hiện đại nhất như của Anh và Pháp có giá trị khoảng 5 tỉ USD.
Các tàu sân bay đóng vai trò then chốt để các nước vươn sức mạnh ra toàn cầu bởi chúng giúp một nước có thể phát động những cuộc không kích vào bất kỳ mục tiêu nào mà không cần phải sử dụng đến các căn cứ không quân địa phương.
Nga đang đầu tư hàng trăm tỉ USD vào chương trình trang bị vũ khí trong thập kỷ này. Hải quân Nga đang theo đuổi một chương trình đóng tàu toàn diện từ giờ đến năm 2050. Mục tiêu của chương trình trên là nhằm khôi phục lại sức mạnh quân sự mà Moscow đã đánh mất sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Mỹ là nước có số lượng tàu sân bay nhiều nhất thế giới và cũng là nước sở hữu những chiếc tàu sân bay tối tân nhất thế giới. Mỹ đang có trong tay 11 chiếc tàu sân bay. Tất cả những chiếc tàu này đều là siêu tàu sân bay chạy bằng năng luợng hạt nhân với trọng lượng nước rẽ đều từ hơn 90.000 tấn trở lên. USS Enterprise là chiếc tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của thế giới và 10 chiếc tàu sân bay khác của Mỹ thuộc lớp Nimitz. Những chiếc pháo đài nổi này đã trở thành xương sống của sức mạnh Hải quân Mỹ từ sau thế chiến II, thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ trên khắp thế giới.
Siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz là thế hệ tàu sân bay hạt nhân thứ hai của Mỹ. Tàu sân bay lớp Nimitz được đánh giá là tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất thế giới với lượng choán nước vượt 100.000 tấn, dài hơn 330 m, tốc độ trên 30 hải lý/giờ. Loại tàu sân bay lớp này có thể mang theo tối đa gần 100 máy bay, trong điều kiện bình thường mang theo 60-70 máy bay và trực thăng.
Nổi bật nhất và tối tân nhất trong các loại hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz là tàu sân bay hạt nhân George H.W.Bush. Đây là con tàu lớp Nimitz cuối cùng của Mỹ. Do được chế tạo muộn, tàu George H.W.Bush sử dụng công nghệ năng lượng nguyên tử tiên tiến hơn, mức độ hiện đại hóa cao hơn. Con tàu này có thể mang nhiều nhất là gần 100 máy bay và có nhiều hệ thống phóng tên lửa đối không và pháo phòng thủ gần.
Dù đang sở hữu số lượng tàu sân bay nhiều hơn của tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại nhưng Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi việc sản xuất thêm những chiếc tàu sân bay tối tân để củng cố sức mạnh vượt trội của Hải quân nước này. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ “trình làng” tàu Gerald R. Ford, tàu chỉ huy thuộc nhóm 3 siêu tàu sân bay lớp mới, vào năm 2015.
Trong khi đó, là một trong hai cường quốc vũ khí hàng đầu thế giới, Nga không thể không có trong tay loại tàu chiến được mệnh danh là bá chủ của đại dương. Thừa hưởng hầu hết di sản vũ khí quân sự từ thời Liên Xô, Nga đang sở hữu một chiếc tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov với trọng tải lên tới hơn 67.000 tấn. Tàu Đô đốc Kuznetsov được hạ thủy từ đầu những năm 1990, hiện được triển khai trong Hạm đội Biển Bắc. Chiếc Kuznetsov có chiều dài 300m, chở được 26 chiến đấu cơ và 24 trực thăng. Tuy nhiên, tàu sân bay của Nga kém hiện đại hơn tàu sân bay Mỹ rất nhiều. Trong khi tàu sân bay của Nga vẫn còn chạy bằng động cơ hơi nước thì các tàu của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước đây, Nga đã từng từ bỏ ý định đóng tàu sân bay vì thiếu kinh phí. Tuy nhiên, gần đây Nga bất ngờ tuyên bố sẽ theo đuổi kế hoạch đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo: VnMedia