Nga "ra chiêu" với Mỹ-NATO thế nào

VietTimes -- Mỗi lần mở rộng từ NATO lại dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga được Mátxcơva coi là hành động bành trướng, nhưng phản ứng của Nga trước sự mở rộng của NATO chưa bao giờ vượt quá những động thái ngoại giao. Đó là trước đây, hiện nay chính sách của Nga đã thay đổi, Stratety Bridge nhận định.
Tổng thống Putin luôn có những nước đi bất ngờ và táo bạo

Đối tác và đối thủ

Từ năm 1992 đến 2014, Mỹ và NATO đã rất nỗ lực để coi Nga như một đối tác. Niềm tin vào nền dân chủ và trật tự tự do quốc tế đã khiến Mỹ nuôi dưỡng một chính sách đối ngoại kiên định hướng tới Nga trong suốt bốn đời tổng thống khác nhau. Về cơ bản, lãnh đạo Mỹ và NATO tin rằng hợp tác quốc tế sẽ có lợi cho tất cả các nước, và Mỹ đã hỗ trợ Nga về tài chính, ngoại giao, công nghệ và quân sự.

Theo Strategy Bridge, kể từ khi Liên Xô sụp đổ cho đến năm 2014, Mỹ đã chi 18,1 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Nga nhằm xây dựng một chính quyền dân chủ, thúc đẩy thị trường tự do, giảm thiểu việc phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và cung cấp cứu trợ nhân đạo. Theo phương Tây, sự hỗ trợ này chứng tỏ Mỹ muốn giúp đỡ và trở thành đối tác với Nga, dù cho Nga có nhìn nhận ra sao.

Tổng thống Putin họp với các tướng lĩnh quân đội Nga

Phương Tây tin vào một trật tự thế giới tự do và mọi quốc gia đều có quyền đưa ra chính sách đối ngoại riêng của mình. Trong khi lãnh đạo Nga lại có xu hướng tin rằng họ cần lên tiếng về sự mở rộng của NATO thì các lãnh đạo phương Tây lại tin rằng quyền quyết định thuộc về NATO và các nước có chủ quyền. Với phương Tây, việc mở rộng NATO sẽ củng cố an ninh tập thể và hỗ trợ mở rộng hợp tác kinh tế và chính trị vì lợi ích của các bên.

Mỗi lần mở rộng từ NATO lại dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga được Mátxcơva coi là hành động bành trướng, nhưng phản ứng của Nga trước sự mở rộng của NATO chưa bao giờ vượt quá những động thái ngoại giao. Nếu Nga không có sự phản đối ngoại giao sau mỗi đợt mở rộng, NATO sẽ không còn lo sợ về những hậu quả của hành động này nữa.

Strategy Bridge nhận xét, lần mở rộng năm 2004 là mối đe dọa lớn nhất đến Nga vì đã động đến các nước Baltic có chung biên giới với Nga và là cầu nối đến vùng Kaliningrad- lãnh thổ của Nga ngay giữa lòng NATO và là căn cứ quân sự của Nga ở biển Baltic. Lần mở rộng này đã buộc Nga phải tái vũ trang.

Tuy nhiên phương Tây lại chỉ nhìn thấy mối đe dọa rất nhỏ từ phía Nga. Việc Nga sẵn sàng nhận viện trợ từ phương Tây, hợp tác với NATO trong các lĩnh vực liên quan đến lợi ích chung và tham gia vào các diễn đàn của NATO đã củng cố niềm tin của phương Tây vào việc Nga không phải là mối đe dọa nghiêm trọng.

Hải quân NATO tập trận ở Biển Đen gần lãnh thổ Nga
Hạm đội NATO bám theo cụm tác chiến hải quân Nga trên đường qua eo biển Anh sang Syria tham chiến

Quan trọng hơn là phương Tây đã chủ động giảm tính răn đe trong hành động của mình đối với Nga. Mỹ tin rằng Nga là một đối tác tiềm năng trong một số vấn đề và sẽ là nước đóng góp cho mạng lưới an ninh. Từ năm 1990 đến 2011, Hà Lan đã hoàn toàn xóa bỏ các xe tăng, xe bọc thép và giảm số lượng máy bay chiến đấu từ 181 chiếc F-16 xuống còn 68 chiếc. Từ năm 1990 đến 2014, Quân đội Anh đã giảm từ 4 trung đoàn với 800 xe tăng xuống còn 1 trung đoàn và 156 xe tăng, Đức còn mạnh tay hơn khi cắt giảm số lượng xe tăng từ 2.125 chiếc xuống chỉ còn vỏn vẹn 225 xe tăng. Ý cũng cắt giảm một nửa số lượng xe tăng, pháo binh trong khoảng thời gian 2001-2012…

Còn Mỹ, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, lực lượng Mỹ tại châu Âu đã giảm 80% bằng việc giảm các phi đội máy bay, các hoạt động hải quân và lực lượng bộ binh. Tuy nhiên giảm số lượng không có nghĩa là khả năng chiến đấu của Mỹ ở NATO giảm đi đáng kể vì Mỹ vẫn sở hữu những đơn vị mạnh nhất ở châu Âu.

Cao thủ Putin

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Nga như tổng thống Vladimir Putin hay tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov lại có thế giới quan khác với các lãnh đạo phương Tây. Các chính trị gia phương Tây coi hợp tác kinh tế và chính trị với các nước thành viên của Hiệp ước Varsaw trước đây với châu Âu giúp làm ổn định khu vực. Nga lại coi đây là mối đe dọa đến sự ảnh hưởng và thịnh vượng của mình.

Hơn nữa Nga tin rằng phương Tây đạt được sự hội nhập sâu rộng nhờ sự kết hợp các hành động quân sự và phi quân sự, điều này nuôi dưỡng các cuộc Cách mạng màu và gây ra bất ổn trong khu vực. Chính vì lẽ đó, Nga nhìn phương Tây như một đối thủ và một mối đe dọa tiềm tàng. Điều này khiến cho hợp tác Nga-phương Tây vẫn nằm trong phép toán chi phí-lợi ích.

Theo Strategy Bridge, Nga chọn cách không hành động cứng rắn chống lại sự mở rộng của NATO năm 1992 và 2004 vì Nga lúc đó không có khả năng để chống đối lại sự bành trướng này và còn nhiều mối lo an ninh khác quan trọng hơn như vấn đề Chechnya. Lộ trình mở rộng tới Albania và Croatia cũng ít đe dọa hơn và Nga lúc đó vẫn chưa đủ phương tiện để ngăn chặn NATO.

Phi đội chiến đấu cơ Nga trình diễn kỹ năng chiến đấu
Tầm bắn của tên lửa đạn đạo Iskander Nga triển khai ở vùng lãnh thổ Kalingrad có thể với tới lãnh thổ một số quốc gia NATO

Vì thiếu các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, lựa chọn duy nhất của Nga là hợp tác. Hội đồng hợp tác Bắc Đại Tây Dương cho phép Nga hiểu hơn những hành động của NATO, thu thập tin tức tình báo và cố gắng gây ảnh hưởng lên việc đưa ra quyết định của NATO.

Các hợp tác của Nga đối với các vấn đề quan trọng đối với NATO cũng khiến Nga có thêm lợi ích. Chẳng hạn, Mạng lưới phân phối phía bắc, đặc biệt quan trọng đối với hoạt động NATO ở Afganistan đã mang lại cho Nga lợi ích kinh tế đáng kể và mức độ ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và NATO. Sự hợp tác của Nga vượt trên cả các hoạt động đem lại lợi nhuận về kinh tế tới các hoạt động huấn luyện chung với các thành viên NATO và các hoạt động chống cướp biển do NATO ủng hộ.

Trong khi phương Tây coi những hành động này là biểu hiện của một nước sẵn sàng trở thành đối tác thì Nga chỉ coi sự hợp tác này là một khía cạnh của nền chính trị hiện thực trên thế giới vào lúc họ đang suy yếu. Sự hợp tác của Nga với NATO bắt đầu với vị thế yếu hơn và điều đó khiến các lãnh đạo ở Mátxcơva cảm thấy không hài lòng.

Strategy Bridge đánh giá, sự yếu kém của Nga bắt nguồn từ những khó khăn về kinh tế do sự sụp đổ của Liên Xô và một quân đội rỗng tuếch thừa hưởng từ Liên Xô. Các lãnh đạo Nga coi điều này là hệ quả của việc phương Tây phá hoại Nga thông qua các biện pháp phi quân sự như chiến tranh kinh tế và gây bất hòa thông qua các hoạt động thông tin. Sự suy yếu về kinh tế buộc các lãnh đạo Nga phải lùi bước về quân sự. Tuy nhiên sự khôi phục về kinh tế đã cho phép Nga đầu tư vào quân sự và khắc phục các điểm yếu của quân đội mà nước này nhận ra sau cuộc chiến với Georgia năm 2008.

Mong muốn cải tổ đã tạo ra tình thế là Nga ưu tiên tài trợ cho quân sự cao hơn cả các nước NATO, trong khi những nước này lại không coi Nga là một mối nguy hiểm lớn. Trong số các nước NATO, chỉ có Ba Lan là tăng chi tiêu quân sự từ sau năm 2008. Năm 2014, đầu tư quân sự của Nga đã gặt hái được thành quả. Cho dù quân đội Nga chỉ duy trì quy mô nhỏ bằng 1/3 so với trước đây, nhưng những đầu tư của Nga trong việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa các thiết bị quân sự đã tạo ra một lực lượng tinh nhuệ hơn.

(còn tiếp)