|
Tổng thống Nga Putin cùng Tổng thống Ai Cập al-Sisi trong lần thăm tàu Matxcơva năm 2014 - Ảnh: Reuters |
Đây là một “sự lạ” trong cung cách “khép kín” trước nay của Nga với truyền thông quốc tế ở những khu vực nhạy cảm tương tự.
Neo cách bờ biển Syria nhiều hải lý là chiến hạm Matxcơva được trang bị rất nhiều tên lửa dẫn đường, biểu trưng cho uy lực đáng gờm của hải quân Nga trong sứ mệnh tại khu vực đông Địa Trung Hải.
Phóng viên CNN được tạo cơ hội hiếm hoi lên thăm con tàu dài 186m này để tận mắt thấy vai trò chủ chốt của chiến hạm Matxcơva trong chiến dịch không kích của Nga tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Uy lực “gấu Nga”
Được trang bị hệ thống phòng không mạnh mẽ, chiến hạm Matxcơva đậu ngoài khơi gần thành phố Latakia của Syria có nhiệm vụ hỗ trợ các chiến đấu cơ của Nga xuất kích từ căn cứ không quân Hmeymim tham chiến trên bầu trời Syria.
Trong hai ngày 16 và 17-12, phóng viên Matthew Chance đã tận mắt chứng kiến các hoạt động quân sự Nga đang triển khai tại Syria. Tại căn cứ Hmeymim ở Latakia, nhà báo người London đã ghi nhận tần suất hoạt động không ngừng nghỉ của các chiến đấu cơ.
Trong một giờ đồng hồ, rất nhiều lần căn cứ không quân vang rền bởi tiếng gầm động cơ khi máy bay cất cánh. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã xuất kích hơn 100 chuyến, phá hủy 287 mục tiêu của lực lượng khủng bố và các cơ sở sản xuất dầu mỏ, tiêu diệt hơn 400 tên.
Chiến hạm Matxcơva được điều tới Syria, đậu tại khu vực không xa so với biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi xảy ra vụ việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 của Nga tháng trước.
Hoạt động của chiến hạm Matxcơva đã trang bị thêm một lớp phòng vệ trên không cho không quân Nga trong cuộc chiến tại Syria. Nga cũng đã phóng tên lửa từ biển vào tiêu diệt IS, tuy nhiên chưa phóng quả nào từ chiến hạm Matxcơva.
Trước đó không lâu, theo phóng viên CNN, Nga cũng từng cho một nhà báo nước ngoài được quyền tiếp cận một tàu chiến của Nga đang hoạt động, đó được xem là một động thái thậm chí còn hiếm hoi hơn nữa.
CNN cho rằng sự cởi mở gần đây với truyền thông của điện Kremlin về các hoạt động quân sự của Nga cho thấy phía Nga đang rất tự tin về quá trình can thiệp quân sự của họ tại Syria. Thậm chí những ngày qua, Bộ Quốc phòng Nga còn mở một trang Facebook và liên tục cập nhật thông tin về các hoạt động.
"Khoe hàng" để giành vị thế
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-12 từ Matxcơva, giáo sư viện sĩ Ngô Xuân Bính nhận định cách nhìn của truyền thông hiện nay về tình hình Syria đang bị chi phối quá nhiều bởi quyền lợi của các bên tham chiến, do đó phía Nga cũng rất cần một cách nhìn nhận khách quan hơn từ dư luận thế giới.
Vì vậy Nga mở cửa cho truyền thông quốc tế, cụ thể ở đây là một phóng viên Đài CNN của Mỹ, được tận mắt quan sát những hoạt động quân sự của Nga đang triển khai tại Syria nhằm để công khai, minh bạch các hoạt động của Nga. Theo ông Bính, “càng minh bạch bao nhiêu thì Nga sẽ càng nhận được nhiều sự ủng hộ bấy nhiêu từ thế giới”.
PGS.TS Phạm Quang Minh - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế - nhìn nhận việc Nga “khoe hàng” là do tự tin trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria.
“Họ muốn chứng tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh quân sự của họ trong các vấn đề quốc tế và không thể không có sự tham gia của Nga. Việc mời phóng viên của CNN cho thấy Nga muốn tận dụng sức mạnh của truyền thông trong chiến dịch Syria bởi vì sức mạnh đó phải được quảng bá, truyền tải gây hiệu ứng rộng rãi” - ông Minh nhận định.
Trong kỷ nguyên thông tin, việc một cơ quan truyền thông lớn như CNN đưa tin trực tiếp về sức mạnh của Nga sẽ làm cho đồng minh của Nga thêm tin tưởng, lạc quan vào thắng lợi, đồng thời cũng làm lung lạc tinh thần của phe đối kháng.
“Nga đã rút ra được bài học từ trong các chiến dịch khác như xung đột với Gruzia trước đây. Sự đóng kín, bưng bít thông tin, bí mật chỉ làm giảm uy tín và sức mạnh của Nga. Trong thời đại toàn cầu hóa, minh bạch và cởi mở là vũ khí lợi hại. Ai biết sử dụng đúng lúc đúng chỗ sẽ tăng thêm sức mạnh. Bài học đó cho đến nay càng thêm ý nghĩa” - ông Minh kết luận.
Theo Tuổi trẻ