Phía Nga cáo buộc Kiev, Mỹ và các nước Phương Tây đang bóp méo thỏa thuận hòa bình Minsk, trong bối cảnh trước khi thỏa thuận này có hiệu lực song giao tranh vẫn diễn ra dữ dội ở miền Đông Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga đưa ra một tuyên bố nêu rõ: "Các đại diện chính thức của Ukraine và một số nước Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cơ bản đã đồng tình với quan điểm của những nhân vật cấp tiến theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), và đã bắt đầu bóp méo nội dung của thỏa thuận Minsk”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin tuyên bố trên kênh truyền hình Rossyia 1 rằng các trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Ông Karasin nói rằng, theo thỏa thuận hòa bình mà bộ tứ Normandie vừa đạt được tại Minsk, Belarus ngày 12/2 vừa qua, các bên xung đột tại miền Đông Ukraine phải ngừng bắn từ 0 giờ ngày 15/2, sau đó là rút vũ khí hạng nặng ngay trong ngày thứ hai sau ngừng bắn. Nếu bên nào bị phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Thỏa thuận hòa bình Minsk quy định binh sỹ Ukraine sẽ phải rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến hiện nay giữa hai bên trong khi lực lượng đòi độc lập rút vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới theo thỏa thuận Minsk ngày 19/9/2014.
Đại diện lực lượng quân đội của Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng ông Eduard Basurin tuyên bố lực lượng đòi độc lập sẽ tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn nhưng sẽ đáp trả nếu bị khiêu khích. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không tấn công binh sỹ Ukraine bị bao vây tại thành phố Debaltsevo nhưng sẽ không để cho họ ra khỏi đó.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai đã bắt đầu có hiệu lực từ lúc nửa đêm giờ Ukraine (22 giờ GMT ngày 14/2). Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch hòa bình mong manh nhằm chấm dứt xung đột kéo dài suốt 10 tháng qua ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, giao tranh vẫn xảy ra trước thời điểm ngừng bắn có hiệu lực làm dấy lên nghi ngờ về việc khả năng thỏa thuận này có được tôn trọng hay không.
Thỏa thuận hòa bình này được kỳ vọng là biện pháp tốt nhất để chấm dứt tình trạng bạo lực đã làm ít nhất 5.480 người thiệt mạng kể từ tháng 4/2014 song thái độ hoài nghi vẫn còn ở mức cao sau sự đổ vỡ của một thỏa thuận tương tự trước đó.
Trong khi đó, về phần mình, Washington cũng lên tiếng cáo buộc việc Nga tiếp tục triển khai vũ khí hạng nặng ở miền đông Ukraine là hành động vi phạm “tinh thần” của thỏa thuận này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki cho biết, nước này nhận được các báo cáo về việc vũ khí hạng nặng được đưa vào đông Ukraine từ Nga trong vòng vài ngày qua, và một số đang trên đường tới nơi.
"Điều này rõ ràng không phải là tinh thần của thoả thuận", bà Psaki nói. Người phát ngôn cho biết quân đội Nga đã triển khai một lượng lớn pháo và giàn phóng rocket, dùng chúng để nã vào các địa điểm ở Ukraine.
"Chúng tôi tin rằng đây là thiết bị của quân đội Nga, không phải của phe ly khai", bà Psaki nói , đồng thời thêm rằng quân đội Nga dọc biên giới đang chuẩn bị một lượng lớn quân nhu cho phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cho biết, những vụ pháo kích của phe ly khai thân Nga vào dân thường ở đông Ukraine đang ảnh hưởng xấu tới kế hoạch hoà bình mới đạt được.
Ông Poroshenko nói trong cuộc họp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng: "Thật không may, sau thoả thuận Minsk, những cuộc nổi dậy của Nga gia tăng đáng kể. Chúng tôi vẫn nghĩ thoả thuận đang bị đe doạ nghiêm trọng”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn ra sức cáo buộc Nga hậu thuẫn cho phe ly khai, cung cấp vũ khí và binh sĩ cho lực lượng này ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã một mực bác bỏ, cho rằng những cáo buộc đó là vô căn cứ.
Theo: VnMedia