Nga không yêu cầu ông Zelensky từ chức, nhưng nghi ngờ tính hợp pháp

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không đưa ra điều kiện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải từ chức để nối lại đàm phán hòa bình, nhưng cảnh báo mọi thỏa thuận ký kết với ông có thể bị thách thức về mặt pháp lý.
Điện Kremlin khẳng định Nga không đặt điều kiện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải từ chức. Ảnh: Sputnik.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Pháp Le Point công bố ngày 24/4, ông Peskov nhấn mạnh rằng Moscow xem ông Zelensky là nhà lãnh đạo không còn tính chính danh sau khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho biết Nga không xem đây là rào cản để khởi động lại đàm phán hòa bình.

"Đó không phải là một trong những yêu cầu của chúng tôi, nhưng nếu một thỏa thuận được ký với ông Zelensky hôm nay, thì người dân Ukraine hoàn toàn có thể đứng lên phản đối về tính hợp pháp của ông ấy", Peskov nói.

Ông viện dẫn luật thiết quân luật và một số điều khoản trong Hiến pháp Ukraine để lý giải quan điểm của Nga. "Theo hiến pháp Ukraine, vai trò của Quốc hội – tức Rada – được quy định rõ ràng, chứ không phải là quyền gia hạn vô hạn của tổng thống", ông Peskov nói thêm.

Từ tháng 5/2023, ông Zelensky liên tục gia hạn tình trạng thiết quân luật, qua đó hoãn tổ chức bầu cử Tổng thống. Quốc hội Ukraine mới đây tiếp tục thông qua đợt gia hạn thêm 3 tháng nữa.

Nga lập luận rằng hiến pháp Ukraine cho phép ông Zelensky chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch Quốc hội, người có thể đại diện hợp pháp để ký kết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng ông không yêu cầu ông Zelensky phải rời chức, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ văn kiện chính thức nào chỉ có thể được ký với đại diện hợp pháp của chính quyền Ukraine.

“Một khi tiến tới ký kết, nó phải được thực hiện với những người có tư cách pháp lý đại diện cho chính quyền Ukraine – đó là điều kiện tiên quyết”, ông Putin nói.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa Kiev và Moscow kể từ khi tiến trình hòa đàm tại Istanbul sụp đổ vào năm 2022. Khi đó, theo lời ông David Arakhamia – trưởng đoàn đàm phán Ukraine – cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thuyết phục Kiev ngừng đối thoại và tiếp tục chiến đấu.

Ngoài ra, một sắc lệnh do chính ông Zelensky ký cấm mọi cuộc đàm phán với Tổng thống Putin cũng là một rào cản lớn cho khả năng tái khởi động hòa đàm trong tương lai gần.