Nga khiến phương Tây choáng tại Syria

VietTimes -- Quân đội chính phủ đã tiến sát thành phố Aleppo, biểu tượng lớn nhất của phong trào nổi dậy. Các tuyến đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cắt đứt, các nhóm phiến quân tại khu vực Aleppo hiện nay cho biết có thể chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bị đè bẹp hoàn toàn.
Ông Putin đã khiến phương Tây bất ngờ với chiến dịch quân sự tại Syria

Cuối tháng 7/2015, tổng thống Syria Bashar al-Assad có vẻ đang thua trận trước các nhóm phiến quân. Phát biểu trước những người ủng hộ tại Damascus, ông Assad thừa nhận quân đội của ông đã tổn thất nặng nề.

Reuteurs ghi nhận, giới chức phương Tây dự đoán thời gian tại vị của nhà lãnh đạo Syria chỉ còn tính bằng ngày và ông Assad sẽ sớm buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Điều đó đã không xảy ra. Nga và Iran đã bí mật chuẩn bị cho một chiến dịch triển khai quân sự lớn nhằm hỗ trợ Assad.

Chiến dịch quân sự đã khiến nhiều người ở phương Tây kinh ngạc, đẩy lùi đà thắng của phiến quân. Nó cũng đẩy nhanh hai thay đổi trong chính sách ngoại giao Mỹ: Washington chào đón Iran tại bàn đàm phán về Syria và không còn nhấn mạnh rằng Assad phải xuống đài ngay lập tức.

Nga, Iran và Syria tuân thủ thỏa thuận triển khai lực lượng quân sự vào tháng 6/2015, nhiều tuần trước bài phát biểu ngày 26/7 của Assad, theo một quan chức cao cấp tại Trung Đông nắm rõ chi tiết vấn đề.

Và các nguồn tin Nga cho biết một số lượng lớn trang bị, vũ khí, hàng trăm binh sĩ đã được điều động trong hàng tuần lễ, che giấu chiến dịch sắp diễn ra. Một quan chức cao cấp Mỹ thừa nhận phải tới trung tuần tháng 9/2015, các cường quốc phương Tây mới nhận thức rõ các ý đồ của Nga.

Nhận thức mới nhất về kế hoạch quân sự của Nga đã không làm thay đổi chính sách quân sự của Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã sớm nói rõ rằng ông không muốn Washington bị cuốn vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga. Và khi phương Tây còn chưa tỉnh giấc trước những ý đồ của tổng thống Nga Vladimir Putin, dĩ nhiên họ thiếu ý tưởng về việc phản ứng như thế nào. Cũng như tại Ukraine năm 2014, phương Tây dường như không xoay sở được gì.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tổng kết tâm trạng của các đồng minh Mỹ tại châu Âu: “Tôi mong muốn Mỹ tích cực hơn. Nhưng kể từ khi Mỹ thoái lui, ai nên là người gánh vác, ai nên hành động?”.

Cuối tháng 7 năm ngoái, một trong những tướng lĩnh hàng đầu Iran là Qassem Soleimani, đã tới Moscow trong một chuyến thăm được thông tin rộng rãi. Một quan chức cao cấp Trung Đông nói với Reuteurs rằng Soleimani cũng đã gặp ông Putin hai lần nhiều tuần trước đó. “Họ đã xác lập thời gian cho máy bay và trang thiết bị của Nga cũng như các phi hành đoàn của Nga và Iran”, vị này cho biết.

Nga bắt đầu điều các tàu hỗ trợ đi qua eo biển Bosphorus vào tháng 8/2015. Nga không cố giấu những chuyến tàu này và vào ngày 9/9 Reuteurs đưa tin Moscow bắt đầu tham gia chiến dịch quân sự tại Syria.

Một đại tá không quân Nga tham gia quá trình chuẩn bị cho biết, hàng trăm phi công Nga và nhân viên mặt đất đã đươc lựa chọn cho chiến dịch quân sự tại Syria từ giữa tháng 8/2015. Các chiến đấu cơ được điều động tới Syria bao gồm các máy bay cường kích Su-24 và Su-25, giới chức Mỹ cho hay. Theo quan chức Mỹ, tổng cộng vào ngày 21/9 Nga đã có 28 máy bay cánh cố định, 16 trực thăng tấn công, các xe tăng T-90 tối tân và nhiều xe bọc thép, các khẩu đội pháo, tên lửa phòng không và hàng trăm lính thủy đánh bộ tại căn cứ gần Latakia.

Bất chấp việc triển khai lực lượng viễn chinh công khai trên, phương Tây đánh giá thấp nguy cơ hoặc thất bại trong việc nhận thức chúng. Ngoại trưởng Mỹ ngày 22/9/2015 còn cho rằng máy bay Nga có mặt tại Syria là để bảo vệ căn cứ quân sự Nga. Đó là “lực lượng bảo vệ” theo quan điểm của các chuyên gia quân sự Mỹ.

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, Pháp thông báo các vụ không kích đầu tiên tại Syria. Ngày hôm sau Nga tuyên bố phát động chiến dịch không kích của minh ở Syria.

Một cựu quan chức Mỹ thời điểm đó vẫn làm việc trong chính phủ nói với Reuteurs rằng một số quan chức Mỹ bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria hai tuần trước khi các cuộc ném bom bắt đầu. Tuy nhiên, lo ngại của họ đã bị đã không được giới chức Nhà Trắng quan tâm, những người đang giải quyết vấn đề Trung Đông nhưng thiếu trầm trọng thông tin tình báo đáng tin cậy, vị cựu quan chức Mỹ cho hay.

Mãi cho tới giữa tháng 10 và 12, nhận thức của Mỹ mới thay đổi. Vào tháng 12/2015, giới chức Mỹ kết luận rằng Nga đã đạt được mục tiêu chính là ổn định chính quyền Assad và có thể duy trì chiến dịch quân sự tại Syria trong nhiều năm. “Tôi nghĩ điều không thể chối cái là chế độ Assad với sự hỗ trợ quân sự của Nga, có thể ở vị thế an toàn hơn trước kia”, một quan chức cấp cao thừa nhận.

Chỉ với lực lượng viễn chinh quy mô khiêm tốn, Nga đã lật ngược cục diện chiến trường Syria

Ở thế đó, Mỹ đã xoay sang bàn đàm phán với Nga và Iran. Giới chức Mỹ cho biết họ có ít sự lựa chọn khác khi ông Obama không muốn đưa quân vào Syria, bên cạnh việc triển khai một lượng nhỏ đặc nhiệm hoặc cung cấp tên lửa phòng không cho các chiến binh được Mỹ hậu thuẫn.

Ngày 12/2, tại Munich, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thông báo một thỏa thuận về tiếp cận nhân đạo và một thỏa ước “chấm dứt thù địch” tại Syria. “Putin đã tìm cách giải quyết phương Tây.,,Ông ta kết luận về cơ bản, tôi có thể đẩy, đẩy và đẩy và tôi không bao giờ húc phải thép ở bất cứ đâu”, Fred Hof, cựu chuyên gia về Syria của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc, hiện làm việc tại Hội đồng Atlantic nhận xét.

Ngày nay, giới chức Mỹ có vẻ khác xa so với thời điểm những ngày bắt đầu cuộc nổi dậy chống Assad, khi họ quả quyết rằng ông ta phải ra đi ngay lập tức. Hiện giờ, cuộc chiến đang bước vào năm thứ 6, giới chức Mỹ nói họ phải thúc đẩy các khả năng ngoại giao mạnh nhất có thể và nhấn mạnh rằng ông Kerry hoàn toàn biết rõ về những gì Nga đang làm nhằm thay đổi trên thực địa.

Trong phiên điều trần tại quốc hội tuần trước, ông Kerry thừa nhận rằng không có gì bảo đảm lệnh ngừng bắn sẽ hiệu quả, tuy nhiên ông nói thêm: “Nhưng tôi biết nếu nó không hiệu quả, khả năng Syris sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Thực tế là chúng ta cần chắc chắn đang khai thác hết mọi lựa chọn giải pháp ngoại giao”.

Với phiến quân Syria, thực tế thật ảm đạm, theo Reuteurs. Quân đội chính phủ đã tiến sát thành phố Aleppo, biểu tượng lớn nhất của phong trào nổi dậy. Các tuyến đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cắt đứt, các nhóm phiến quân tại khu vực Aleppo hiện nay cho biết có thể chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bị đè bẹp hoàn toàn. Song vẫn có một số phiến quân quyết chiến đấu, nói rằng Assad chỉ đang thắng nhờ không quân Nga và ông ta sẽ không thể tiến một cách bền vững.

Với người Syria sống dưới chính quyền Damascus, chiến dịch can thiệp của Nga đã chứng tỏ độ tin cậy. Họ được hưởng một trong những giai đoạn yên bình nhất kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến. Có số ít du khách nước ngoài trong những ngày này. Bashar al-Seyala chủ một cửa hiệu bán đồ lưu niệm ở Damascus cho biết phần lớn khách hàng của ông là người Nga. Cửa hiệu chỉ bán những chiếc cốc in chân dung Putin.

T.N