|
Siêu tăng Armata của Nga |
Theo Stratfor, trong gần một thập kỷ, Nga đã cố gắng sử dụng Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) để gắn kết với các nước xung quanh, những nước thuộc Liên Xô trước đây. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, khối quân sự do Nga dẫn đầu bắt đầu xuất hiện từ sự hỗn loạn này, liên minh này được thành lập nhằm hoạt động như một NATO của Âu-Á.
Bất chấp những nỗ lực của Nga, CSTO không trở thành một công cụ quá quyền lực như Nga hy vọng. Những rạn nứt lâu dài giữa các nước thành viên tiếp tục hạn chế tính hiệu quả của khối quân sự này, và Kremlin đã lưỡng lự không để khối này tham gia vào các cuộc xung đột ở bên ngoài.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 26/12 đã cho thấy sự chia rẽ trong khối CSTO khi các nước lần thứ hai không thể chỉ định người thay thế cho tổng thư ký sắp mãn nhiệm Nikolai Bordyuzha. Cho dù phó của ông Bordyuzha đã chuẩn bị kế nhiệm chức vụ này cho đến tận hội nghị tiếp theo của CSTO vào tháng 4 khả năng để khối này đạt được đồng thuận, hay tìm ra tiếng nói chung cho các vấn đề khác còn là câu hỏi để ngỏ. Cho đến khi tính đoàn kết và khả năng của tổ chức này được cải thiện, Nga sẽ vẫn phải phụ thuộc vào các biện pháp khác để mở rộng dấu ấn quân sự và ảnh hưởng chính trị ở Âu-Á.
CSTO được thành lập năm 1992 theo Hiệp ước an ninh đồng minh, một hiệp định do các nước mới độc lập từng là thành viên Liên Xô trước đây ký kết để hình thành Khối thịnh vượng các quốc gia độc lập. Hiệp định này được thiết lập để khuyến khích và hỗ trợ hợp tác an ninh giữa các bên ký kết trên cơ sở: tấn công một nước thành viên là tấn công cả khối. Trong hai năm đầu tiên, khối này bao gồm cả Nga, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Nhưng đến năm 1999, ba thành viên là Uzbekistan, Georgia và Azerbaijan đã rút khỏi khối.
Kể cả như vậy, Nga vẫn xem tổ chức này là công cụ để giành được ảnh hưởng ở các nước láng giềng, đặc biệt là khi vị thế quốc tế của Nga đã bắt đầu tăng lên vào giữa những năm 2000. Với hi vọng xây dựng hình ảnh là một nước lớn, Nga đã bắt đầu thể hiện cho thế giới thấy CSTO là một đối trọng của NATO. Các cuộc diễn tập quân sự giữa các nước thành viên ngày càng lớn hơn và diễn ra thường xuyên hơn, và việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (CRRF) vào năm 2009 đã củng cố uy tín và thanh thế của tổ chức này trên toàn cầu.
Nhưng một loạt các sự kiện nhanh chóng phơi bày các hạn chế của CSTO trong vai trò là một thực thể quân sự chủ động và trách nhiệm. Khi làn sóng bạo lực dân tộc giữa Uzbek và Kyrgyz nổ ra ở miền nam Kyrgyzstan vào năm 2010, Bishkek đã yêu cầu các nước thành viên can thiệp. Tuy nhiên Bordyuzha lại từ chối hành động. Vị tổng thư ký của khối giải thích rằng cuộc xung đột này là vấn đề trong nước. Hai năm sau, ông cũng đưa ra lập luận tương tự khi từ chối yêu cầu của tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko khi tổng thống Belarus muốn khối này tham gia dập tắt các cuộc đụng độ giữa phiến quân và quân đội ở miền đông Tajik.
Việc CSTO không sẵn sàng can thiệp quân sự vào Kyrgyzstan và Tajikstan đã dấy lên câu hỏi về nhiệm vụ và khả năng thực sự của khối quân sự này. Những bất ổn ở các nước đã đặt ra thách thức an ninh nghiêm trọng nhất từng thấy giữa các nước thành viên và tổ chức này vẫn chẳng làm gì để giải quyết các thách thức đó.
Tổ chức này phải chịu áp lực lớn hơn từ mối quan hệ bế tắc giữa Nga và phương Tây từ sau cuộc nổi dậy Euromaidan ở Ukraine năm 2014. Matxcơva bị tố dính dáng vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, sau đó là cuộc nội chiến Syria. Trong khi đó, các nước Âu-Á bao gồm các thành viên CSTO như Belarus và Armenia bắt đầu tái đánh giá quan hệ của họ với phương Tây khi Kiev tái định hướng chính sách đối ngoại với Nga. Cho dù Matxcơva vẫn tiếp tục dẫn dắt các cuộc tập trận chung và các buổi huấn luyện với các nước thành viên CSTO, khối này vẫn chưa thể trở thành một liên minh quân sự mạnh.
Vận mệnh của Nga bắt đầu thay đổi vào năm 2016, khi phương Tây sa lầy vào khủng hoảng kinh tế và những biến động chính trị ở các nước này. Từ việc Anh bỏ phiếu rời EU đến cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi của Mỹ, sự xao nhãng và chia rẽ của phương Tây đã tạo cơ hội cho Nga giành lại ảnh hưởng đã đánh mất trong không gian hậu Xô Viết. Có lẽ không gì rõ ràng hơn là ở CSTO. Trong những tháng gần đây, Nga đã ký những thỏa thuận hợp tác quân sự mới với Belarus, Armenia, Kazhakhstan và Tajikistan.
Tuy nhiên, tiến trình này không đồng nghĩa với sự nâng cấp của cả khối CSTO. Điều này có thể nhìn thấy rõ trong việc liên tục trì hoãn tìm ra một người đứng đầu tổ chức, đây là hệ quả của việc thiếu số lượng các đại biểu cần có để bỏ phiếu cho một ứng viên. (tổng thống Kazakhstan đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10/2016, còn đoàn đại biểu Belarus lại không xuất hiện trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2016).
Những sự vắng mặt này có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo một số nguồn tin, Nga đã hứa với một đại diện của Armenia sẽ thay thế vị trí ông Bordyuzha. Động thái này đã khẳng định sự ủng hộ của Nga dành cho Yerevan sau khi điện Kremlin chấp nhận vị thế trung lập trong cuộc xung đột Armenia- Azerbaijan hồi tháng 4 về khu vực ly khai Nagorno-Karabakh.
Theo Stratfor, Nga có thể chọn cách giải quyết vấn đề kế nhiệm ông Bordyuzha bằng cách đề cử một nhân vật ít gây tranh cãi hơn, như một ứng viên người Nga khác chẳng hạn. Matxcơva cũng ủng hộ hội nhập sâu sắc hơn trong các sáng kiến phòng thủ tên lửa chung và hệ thống vũ khí khi khối này tiếp tục tham gia những nỗ lực chống khủng bố và hợp tác quân sự chung.
Nhưng Stratfor cho rằng CSTO sẽ thiếu đi ham muốn trở thành một liên minh quân sự ngang hàng với NATO. Thay vào đó, khối này sẽ hoạt động như một nền tảng của những hợp tác quốc phòng hạn chế, khiến Nga phải giải quyết các vấn đề an ninh xuất hiện trong các nước thành viên. Và khi Nga tập trung vào việc tận dụng những quan hệ song phương hơn là khối CSTO để gia tăng ảnh hưởng lên các nước láng giềng Á-Âu, tổ chức CSTO sẽ tiếp tục là một khối lỏng lẻo, bị cản trở trong việc thực hiện hành động và mức độ hoàn thành các hoạt động.