Trong tuần vừa rồi, ngoại trưởng ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận thừa nhận thực tế là ở Syria không thể đạt được "giải pháp bằng quân sự", nhà báo Thomas Guchker viết trên Frankfurter Allgemeine Zeitung. Đồng thời tờ báo Đức nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngồi vào bàn đàm phán vì đã từ bỏ tham vọng của mình ở Syria.
Trong một thời gian dài,ông Erdogan tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với tổng thống Putin: vào tháng 6/2016, ông đã xin lỗi về vụ máy bay Nga bị bắn rơi. Sau cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã chuyển hướng từ phương Tây sang phương Đông, chỉ trích khối NATO. Ankara đã bày tỏ quan tâm tới các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Về phần Matxcơva, đến lượt mình đã hủy bỏ lệnh cấm vận hàng hóa và mở cửa trở lại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cho khách du lịch Nga. Hồi tháng 10/2016, hai nước thông báo về các hoạt động trở lại của đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Ông Erdogan còn nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên gắn kết "cố định" vào EU mà hợp tác với Trung Quốc và Nga.
Như vậy, với ông Putin mọi việc đều trôi chảy "như mỡ" nhà báo Guchker viết. Sau khi "chinh phục Crimea" Nga đã một lần nữa trở thành ông chủ ở Biển Đen, còn Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ con đường ra Biển Địa Trung Hải. Nếu Matxcơva thuyết phục được Ankara rút khỏi NATO, thì đó sẽ là thành công lớn hơn cả ở Ukraine và Syria. Đối với Phương Tây và NATO, sự kiện phát triển theo chiều hướng này là "đáng báo động", tác giả Frankfurter Allgmeine kết luận.