Trong những ngày gần đây, cuộc chiến tranh ở Syria bắt đầu có mùi vị nguy hiểm giống như sự kiện khủng hoảng Caribe tháng 10/1962. Hồi đó, Liên Xô và Mỹ đã suýt mở các cuộc tấn công hạt nhân hủy diệt lẫn nhau.
Bản tin mà kênh truyền hình Fox News của Mỹ phát ngày 3/10/2016 khiến người ta nghĩ đến một điều gì đó giống như vậy. Dẫn nguồn ba quan chức Mỹ giấu tên, kênh tryền hình này tuyên bố rằng, Nga đã đưa đến Syria hệ thống tên lửa phòng không tối tân SA-23 Gladiator (tên do Mỹ đặt cho hệ thống S-300V4 Antei-2500, biến thể tiên tiến nhất của hệ thống phòng không S-300V). Theo tin tức của các nhà báo Mỹ, vũ khí mới vừa được bốc dỡ xuống cảng Tartus và hiện vẫn nằm trong các container. Theo các nguồn tin của Fox News, tình báo Mỹ đã theo dõi sự di chuyển của Antei-2500 trong vòng mấy tuần lễ.
Như thường lệ, Mátxcơva không vội xác nhận hay bác bỏ thông tin này. Nhưng việc đó cũng chẳng có nghĩa gì. Bởi lẽ, điều tương tự đã xảy ra từ mùa thu 2015, khi mà hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf được lẳng lặng đưa từ Novorossyisk đến căn cứ không quân Hmeimim sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Nga ở gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó đã cho phép Nga tức thì kiểm soát gần như toàn bộ không phận Syria và làm thay đổi đột biến cục diện chính trị-quân sự. Kết hợp với các biện pháp khác, nó đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ cầu xin Mátxcơva tha thứ.
Nếu xem việc tăng cường phòng không của Nga ở Syria hôm nay cũng đang diễn tiến theo cùng kịch bản như thế, điều đó có thể có ý nghĩa gì? Báo chí Mỹ đồng thanh nhận định bước đi quyết liệt của Nga với việc tung hệ thống S-300V4 sang Syria chẳng có liên quan gì đến việc chiến đấu chống khủng bố Hồi giáo mà chỉ nhằm chống lại Mỹ. Đơn giản là vì các phần tử khủng bố Hồi giáo ở Cận Đông hiện nay và trước đây đều chưa bao giờ có các phương tiện tiến công đường không. Bởi vậy, rõ ràng là Nga không phải là định bắn hạ bọn khủng bố bằng Antei-2500.
Chẳng có gì để phản bác lập luận logic vững như thép đó. Nhưng nếu như Nga đã buộc phải vội vã đưa Antei-2500 vượt qua trùng dương biển cả thì điều gì đã buộc Nga phải làm như thế?
Ở đây, người Mỹ chỉ có thể tự trách mình chứ chẳng thể trách ai. Ngày 3/10/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo tạm dừng đàm phán với Nga nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng: “Mỹ đã hết sạch kiên nhẫn”. Sau đổ vỡ mới đây của thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria, ngoại trường John Kerry đã kích động tuyên bố rằng người Nga đã lừa ông.
Kết quả là Washington đang công khai tính toán các phương án của kịch bản vũ lực hầu giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột giằng dai này. Chẳng hạn, điều này đã được tạp chí Mỹ The National Interest loan tin hôm 4/10/2016. Khả năng lựa chọn các phương án của Mỹ, theo các nhà phân tích Mỹ là hạn chế bao gồm: đơn phương áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria, thiết lập các vùng an ninh, tấn công không quân của chế độ Assad và gia tăng cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria. Tuy nhiên, mỗi một phương án đều tiềm ẩn nguy cơ phản ứng đáp trả khó lường, The National Interest nhận định.
Sáng kiến áp đặt vùng cấm bay của Mỹ là gì? Nếu như phía đối địch không chịu thì sao? Lúc đó thì sẽ bắn hạ máy bay và trực thăng chiến đấu của cả Nga và Syria, điều có nguy cơ vi phạm lệnh cấm của Washington và tất cả đều tung lên trời ư?
Về chuyện sẽ có xác suất cao xảy ra trong trường hợp đó, The National Interest nhận định: “Các chính trị gia Mỹ rất muốn trông cậy vào việc Mátxcơva có lẽ không muốn đánh nhau với Mỹ, mà sẽ lùi bước và chấp nhận việc áp đặt vùng cấm bay. Nhưng Washington cũng không muốn khai chiến với Nga, quốc gia tuy chỉ giữ lại được phần nhỏ sức mạnh quân sự của Liên Xô trước đây, nhưng dù sao vẫn là quốc gia duy nhất trên hành tinh có khả năng biến nước Mỹ thành bãi phóng xạ cháy thui”.
Tóm lại, vùng cấm bay ở Syria - đó gần như là chiến tranh thế giới mới! Và cả Mỹ và Nga trước mắt toàn nhân lại đã bắt đầu tăng cường đánh cược ở Cận Đông. Đó giống như cú lao máy bay trên không: các tiêm kích lao vun vút vào đầu nhau. Ai run sợ và tránh đi trong giây cuối cùng sẽ giơ bụng bất lực cho kẻ thù. Và chắc chắn sẽ bị bắn hạ.
Như vậy, khi đọc những kịch bản tận thế đó, hôm nay, nhiều người có cảm tưởng cơ hội tránh một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa quân đội Nga và Mỹ trên đất Syria đang tan chảy trước mắt. hai bên có lẽ không hết hy vong vào thỏa hiệp chính trị, nhưng rõ ràng vẫn cố gắng sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Và chính trong bối cảnh đó, cần xem xét việc khẩn cấp đưa các vũ khí phòng không hùng mạnh của Nga đến căn cứ không quân Hmeimim.
Tiếp theo The National Interest, hãy luận bàn về điều mà hôm qua còn là không thể. Hãy tưởng tượng rằng, người Mỹ quả thực bất ngờ tấn công quân đội Nga ở Hmeimim. Toàn bộ kinh nghiệm các cuộc xung đột vũ trang trong những thập kỷ gần đây cho thấy rằng, tất cả sẽ bắt đầu bằng cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình chính xác cao vào các trận địa của quân đội Nga. Từ lâu, Mỹ không đánh nhau theo cách khác.
Mục tiêu đầu tiên và chủ yếu của người Mỹ trong trường hợp đó là trong vài giờ đồng hồ, đánh sập hệ thống phòng không của Nga bảo vệ căn cứ Hmeimim và không để máy bay chiến đấu Nga cất cánh đánh trả từ đây. Theo nhà phân tích quân sự Nga, TS KHQS, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov, ở phương án diễn biến đó và căn cứ vào khả năng chiến đấu hiện tại của Hạm đội 6 Mỹ tại Địa Trung Hải, hiện nay, trong cuộc tấn công đầu tiên vào căn cứ không quân Nga, Mỹ có thể sử dụng đến 200 tên lửa hành trình phóng từ biển BGM-109 Tomahawk.
(Còn tiếp)
Theo VND