Khi Syria bùng nổ các cuộc nổi dậy, Nga vẫn chỉ giới hạn các hành động của mình tương tự như vai trò trước kia của Liên Xô đã thực hiện như việc cung cấp các chuyên gia quân sự, vũ khí và hậu cần cho đồng minh. Nhưng kể từ khi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lâm nguy, Nga đã tăng cường hỗ trợ quân sự một cách đáng kể.
Gần đây, Nga đã tham gia và nhằm mở rộng vai trò của mình trong Syria bao gồm cả việc can thiệp trực tiếp nhằm chống lại kẻ thù chung. Sự chuyển hướng can thiệp trực tiếp tạo nên một cuộc cách mạng về trong vai trò của Nga ở Trung Đông và báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc hơn trong khu vực.
Nga tuyên bố rằng sự can thiệp tại Syria được lên kế hoạch là để tiêu diệt IS sau khi các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu đã chứng minh là một "thất bại thảm hại", như lời một quan chức giấu tên của quân đội Mỹ cho biết với CBS News. Làm quen với chủ nghĩa khủng bố, người ta có thể lập luận rằng Moscow đang tiến hành một cuộc chiến phủ đầu chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nhưng cuộc chiến này có liên quan đến không chỉ cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà một số ý kiến còn cho rằng Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Tuyên bố của Nga về việc can thiệp trực tiếp vào Syria đã gây nên những hoài nghi về động cơ thực sự của sự việc. Có một luồng quan điểm phổ biến là Nga muốn có một sự hiện diện về quân sự trên vùng biển ấm Địa Trung Hải. Trong khi lý giải này nghe có vẻ hợp lý thì trước kia Nga đã thực sự hiện diện tại nơi này. Các cảng biển nước ấm tại đây là mối quan tâm địa chính trị và kinh tế lớn của Nga và hơn nữa nơi này nước không bị đóng băng vào mùa đông. Những bến cảng tại vùng biển này từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga.
Đế chế Nga trước kia từng có nhiều cuộc chiến tranh với đế quốc Ottoman bởi nỗ lực tìm cách đạt chân trong các cảng ở khu vực này. Sự sụp đổ của đế chế Ottoman với những hậu quả của chiến tranh thế giới thứ nhất đã giúp đế chế Nga kiểm soát khu vực. Liên Xô đã được thừa hưởng quyền tiếp cận các căn cứ hải quân trên khắp Địa Trung Hải, nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô cũng đã chấm dứt các quyền lợi đó, ngoại trừ các cơ sở Tartus ở Syria. Từ năm 1971, hải quân Nga đã có mặt ở Tartus.
Vậy những gì thực sự ẩn giấu phía sau những sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Nga?
Trong thực tế, sự can thiệp trực tiếp gần đây của Nga tại Syria đã tạo nên một “nụ hôn tạm biệt” với trật tự khu vực như thông thường mà Trung Đông đã có trong các thập kỷ qua. Truyền thống của Nga và thậm chí lúc cao trào nhất của Chiến tranh Lạnh, thì vai trò của Nga vẫn chỉ hạn chế ở việc cung cấp vũ khí, hậu cần và chuyên gia quân sự cho đồng minh Ả Rập. Nhưng sự can thiệp trực tiếp của Nga tại Syria đã tạo nên một cuộc cách mạng về vai trò của Nga với một sự can thiệp quân sự mạnh tay bất thường.
Sự can thiệp này của Nga gần đây lại trùng hợp với một số sự kiện quan trọng. Đầu tiên là các thỏa thuận hạt nhân với Iran và đã giúp Iran đóng một vai trò nổi bật hơn trong khu vực, đặc biệt là khi xem xét các tiềm năng kinh tế của thỏa thuận này. Thứ hai là việc Mỹ rút dần dần lực lượng ra khỏi khu vực, như việc rút quân khỏi Iraq, bàn giao số phận của Iraq cho người Iran, nỗ lực làm giảm căng thẳng trong cuộc xung đột Israel và Palestinian, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của các sáng kiến khác như Pháp, New Zealand, và cuối cùng đã quyết định rút các lá chắn phòng thủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù phía Mỹ nói là do kỹ thuật. Từ việc từ bỏ đồng minh lịch sử tại Ai Cập (Mubarak) và Tunisia (Ben Ali), hay việc rời khỏi Saudi Arabia và vùng Vịnh là những dấu hiệu khác của Mỹ cho thấy vai trò ở Trung Đông đang giảm.
Một vài năm trước đây, chủ tịch của Hội đồng quan hệ đối ngoại, Richard N. Haass, đã viết rằng, thời đại thống trị của Mỹ ở Trung Đông đã sắp kết thúc và rằng tương lai của khu vực sẽ được đặc trưng bởi sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Nhiều nhà quan sát không tin rằng Mỹ sẽ tự nguyện từ bỏ vai trò của mình trong khu vực, nhưng những hành động của các quốc gia khác nhau, kết hợp với các kế hoạch của Nga ở Syria, đã khẳng định điều này.
Trong khi đó, dưới khẩu hiệu “chiến đấu chống khủng bố”, Trung Quốc có ý định điều tàu sân bay Liêu Ninh đến Tartus và các nguồn tin tiết lộ rằng Bắc Kinh đang hướng tới việc củng cố lực lượng của mình với các chiến đấu cơ trên hạm J-15 cùng các máy bay chống ngầm Z-18F & Z- 18J, phối hợp với Tehran và Baghdad. Pháp và Anh cũng hành động tương tự và huy động quân tiếp viện và các khả năng quân sự đến Địa Trung Hải và Paris đã cử tàu sân bay Charles de Gaulle đến tham gia vào các hoạt động chống lại tổ chức khủng bố IS...
Về phần mình, Mỹ có tàu sân bay nhưng đã vắng mặt tại khu vực kể từ năm 2007, và phía Mỹ đã chỉ thị chỉ cử các đơn vị đặc biệt tới để giúp và phối hợp các lực lượng "địa phương" ở phía bắc của Syria. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án chiến lược can thiệp trực tiếp quân sự của Nga, và cho rằng sẽ phải "cam chịu thất bại". Và trong một cuộc họp báo vào tháng Tám năm 2014, ông thừa nhận rằng Hoa Kỳ "không có một chiến lược" ở Syria.
Gạt sang một bên các cuộc bàn luận của các phương tiện truyền thông. Washington có thể đã không hề bất ngờ về việc Nga bắt đầu thực hiện các hành động cứng rắn ở Syria, đã có rất nhiều bằng chứng chứng minh Mỹ biết trước về quyết định của Moscow.
Vào tháng 7/2015, Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran thăm Moscow để bàn về việc phối hợp can thiệp quân sự của Nga và dựng lên ảo ảnh về liên minh Iran-Nga ở Syria. Hai tháng sau, Iraq, Nga, Iran và Syria thỏa thuận thành lập một ủy ban chia sẻ thông tin tình báo tại Baghdad nhằm điều hòa những nỗ lực trong cuộc chiến chống IS.
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã xác nhận vào ngày 18/9/2015 rằng đã có hơn 20 các chuyến bay vận tải nhằm vận chuyển các xe tăng, vũ khí, các trang thiết bị khác cùng lính thủy đánh bộ đến trung tâm quân sự mới của Nga gần Latakia ở miền tây Syria, sau đó là 16 máy bay chiến đấu Su-27 cùng với 12 máy bay khác… Rõ ràng là Mỹ đã nhận thức được đường đi nước bước của Nga, nhưng nó lại phù hợp với các kế hoạch lớn của Mỹ trong khu vực và Nga đã gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực.
Những tuyên bố về các động lực cho sự tham gia trực tiếp của Nga tại Syria lại không phù hợp với các điều kiện trên thực địa. Nói cách khác, lực lượng IS không có các máy bay chiến đấu hay các hệ thống phòng thủ tên lửa, không tương xứng với các hệ thống phòng không tinh vi hiện đại mà người Nga đem đến và IS cũng không có các hạm đội ở Địa Trung Hải với các tên lửa dẫn đường chính xác… Vì lý do đó, một số chuyên gia cho rằng sự can thiệp của Nga tại đây là một phần của chiến lược biển mới, được công bố ngày 26/7/2015.
“Một hòn đá ném nhiều chim”
Thứ nhất, quan trọng nhất là dành quyết tâm chính trị của Nga và Iran nhằm đạt được mục đích cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào về tương lai của Syria. Dấu hiệu tốt là bây giờ Ngoại trưởng John Kerry đã thừa nhận rằng đồng minh lâu năm của Nga là Bashar Al-Assad thực sự có thể được phép duy trì quyền lực trong một khoảng thời gian. Trong khi đó Thủ tướng Đức, Angela Merkel nói rằng phương Tây sẽ phải hợp tác với Assad nếu muốn có bất kỳ cơ hội nào trong việc giải quyết cuộc nội chiến Syria và người Anh thay đổi quan điểm tương tự như trên.
Thứ hai, Nga hiện nay đã đảm nhiệm một vai trò lớn hơn trong việc hình thành một chính phủ mới ở Syria, thậm chí nếu Assad ra đi và bất kỳ chế độ mới lên nắm chính quyền thì họ cũng phải nghiêm túc xem xét vai trò và sự hiện diện của Nga ở Syria, bao gồm cả quân sự, đầu tư và lợi ích thương mại (ví dụ như năm 2011 Nga đã đầu tư 19 tỷ USD vào Syria).
Thứ ba, Nga đã và đang tiến hành việc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình, không chỉ ở Syria, mà còn trong khu vực và các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo đã cho thấy mục tiêu này. Như việc Nga cung cấp rất nhiều các trang thiết bị quân sự cho Iraq (chẳng hạn như máy bay trực thăng quân sự vào năm 2013 và máy bay chiến đấu Su-25), trong khi Mỹ đã từ chối bán cho Iraq.
Thứ tư, mặc dù có vẻ như Nga và Iran đang có một mục tiêu chung ở Syria, nhưng sự tham gia mạnh mẽ và thần tốc của Nga đã chấm dứt sự độc quyền của Iran trong vấn đề Syria.
Thứ năm, Nga đang thực hiện một cuộc chiến phủ đầu chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan mà từ lâu Nga đã phải chịu đựng chúng. Nga không thể chịu đựng được sự trở lại của Chechnya hoặc các nhóm chống Nga tương tự, và tránh một kịch bản tương tự như trường hợp Afghanistan.
Thứ sáu, sự can thiệp của Nga đến đúng lúc vào thời điểm mà chính quyền Syria chỉ còn kiểm soát 18% đất nước và quân đội của họ đã cạn kiệt 93% sức mạnh.
Thứ bảy, đây là đòn bẩy nhằm gắn kết Nga với khu vực và sẽ cung cấp cho Nga một lợi thế lớn trên bàn đàm phán về Ukraine.
Thứ tám,cuối cùng, Nga đang nhằm vào mực tiêu là làm sống lại thị trường của ngành công nghiệp quân sự của Nga, Nga đã chứng minh vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề hạt nhân Iran trên trường quốc tế, ngăn chặn Syria sử dụng vũ khí hóa học, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố, và bán công nghệ năng lượng hòa bình cho Trung Đông. Như việc Bộ Quốc phòng Nga đã đạt được thỏa thuận lớn với các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh để phát triển lực lượng thủy quân lục chiến, các hệ thống phòng không, máy bay không người lái, xe bọc thép và các hệ thống thông tin liên lạc.
Nga hiện đang xây dựng hai cơ sở hạt nhân ở miền nam Iran và vào tháng 2/2015, Nga đã đồng ý để xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Ai Cập. Moscow cũng đang đàm phán với Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Jordan để phát triển điện hạt nhân, thương vụ lớn nhất là vào ngày 19/6/2015 khi Moscow đồng ý xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân ở Saudi Arabia.
Nga đã và đang nghiêm túc đóng một vai trò của một tay chơi lớn trên sân khấu Trung Đông. Sự can thiệp của Nga ở Syria không phải là động thái đầu tiên trong phương hướng chiến lược của Nga ở khu vực. Điều đó chứng minh rằng, không phải bất ngờ khi các lãnh đạo Trung Đông đến thăm Moscow với lịch trình dày đặc.
* Bài viết của tác giả Fadi Elhusseini trên tạp chí Á-Âu
H.T.N (chuyển ngữ)