Hệ thống tên lửa phòng không mang vác tiên tiến sẽ được nhận vào trang bị của quân đội Nga trong vài năm tới, Tư lệnh Bộ đội Phòng không Lục quân Nga, Trung tướng Aleksandr Leonov cho biết.
“Đã tạo lập được cơ sở để phát triển hệ thống tên lửa phòng không mang vác tương lai mà sau vài năm nữa sẽ bắt đầu được trang bị cho quân đội thay cho hệ thống tên lửa phòng không mang vác Verba. Nó sẽ được bảo vệ trước các hệ thống gây nhiễu mới nhất, kể các hệ thống gây nhiễu laser mà người ta mới dự định đưa vào trang bị cho quân đội các nước hàng đầu thế giới”, Tướng Leonov nói.
Hệ thống tên lửa phòng không mang vác Verba do Viện thiết kế chế tạo máy KBM ở Kolomna, được đưa vào trang bị cho quân đội Nga vào năm 2015. Vùng bắt và tiêu diệt mục tiêu bay của Verba so với hệ thống thế hệ trước Igla đã tăng 2,5 lần.
Hệ thống tên lửa phòng không mang vác Verba |
Ông Leonov cũng tiết lộ, phòng không lục quân Nga trước cuối năm 2016 sẽ nhận vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3. Một tên lửa mới độc đáo đã được phát triển riêng cho Buk-M3. “Trên mỗi xe bệ phóng sẽ lắp 6 tên lửa để trong ống phóng. Các tên lửa đã nhỏ gọn hơn, song lại bay nhanh hơn, xa hơn và chính xác hơn. Nghĩa là đã chế tạo được một tên lửa độc đáo mới, cho phép tiêu diệt các mục tiêu bay với xác suất cao hơn”, Tướng Leonov nói.
Tư lệnh Phòng không Lục quân Nga cũng cho hay, hiện nay, các binh đoàn phòng không của các quân khu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V, cho phép tiêu diệt mục tiêu khí động bay ở cự ly đến 100 km. Từ năm 2014, nó đã được thay thế bằng hệ thống tầm xa S-300V4 với tính năng cao hơn 1,5-2,5 lần.
Ông Leonov cũng cho biết thêm rằng, Lục quân Nga tiếp tục nhận được biến thể hiện đại của hệ thống Buk-M2 với số lượng phương tiện hỏa lực như trước, nhưng có khả năng bắn đồng thời số lượng mục tiêu nhiều gấp 4 lần (từ 6 lên 24) và bảo đảm khả năng tiêu diệt các mục tiêu chiến thuật có tầm bắn đến 150-200 km.
Nay mỗi bệ phóng có 6 kênh bắn, chứ không phải 4, nên hiệu suất tăng 1,5 lần. Dự kiến, Buk-M3 sẽ được nhận vào trang bị trước cuối năm 2015 và bắt đầu chuyển giao cho quân đội từ năm 2016.
Trước đó, ngày 24, ông Leonov khẳng định, quân đội Nga nhờ có các hệ thống phòng không lục quân mới đến năm 2020 sẽ có khả năng ngăn chặn mọi loại tiến công đường không, kể cả vũ khí siêu vượt âm. Nga cũng đang phát triển một hệ thống pháo phòng không mới 57 mm thay thế cho các hệ thống Tunguska và Shilka.
Vào ngày kỷ niệm 100 năm thành lập phòng không lục quân, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/12/2015 đã công bố hình ảnh phóng thử hệ thống tên lửa phòng không chiến thuật Tor-M2U trong hành tiến ở trường thử Kapustin Yar, tỉnh Astrakhan mùa hè năm 2015.
Tor-M2U đã thực hành phóng chiến đấu khi chạy trên địa hình không đường sá ở tốc độ 25 km/h. Bia bay đã bị diệt bằng quả đạn đầu. Đây là lần đầu tiên một hệ thống tên lửa phòng không thực hành kiểu bắn như vậy và là điều chưa từng có trên thế thế giới. Trong tương lai, khả năng bắn mục tiêu bay trong hành tiến sẽ cho phép phòng không lục quân Nga bảo đảm phòng không cho các đoàn xe đang hành quân một cách không hạn chế.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor ở cấp chiến thuật được trang bị cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không của các binh đoàn binh chủng hợp thành. Từ năm 2011, Lục quân Nga bắt đầu nhận được biến thể mới Tor-M2U. Xe chiến đấu của hệ thống này cho phép tiêu diệt mục tiêu bay ở mọi góc độ, kể cả diệt vũ khí chính xác cao.
Xe chiến đấu có thể tiến hành trinh sát trong hành tiến trên mọi địa hình và đồng thời bắn 4 mục tiêu bay ở sector đã định. Khí tài điện tử của hệ thống cho phép tự động hóa các quy trình chiến đấu. Từ năm 2016, quân đội Nga sẽ đưa vào trang bị các hệ thống Tor-M2 có tính năng cao hơn các biến thể trước 1,5-2 lần về vùng tiêu diệt, lượng tên lửa dự trữ chở theo, khả năng chống nhiễu...
Theo VND