|
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận |
Năm nay, Latvia đã tổ chức mừng 25 năm giành độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Nhưng thậm chí hiện nay, dù đã là một phần của Liên minh châu Âu, cũng như là một thành viên trong liên minh quân sự NATO, Latvia vẫn không hết lo lắng về Nga.
Kênh CNN dẫn lời đại tá Ilmars Lejins của quân đội Latvia cho biết, ông coi người hàng xóm khổng lồ là mối đe dọa cơ bản. Căng thẳng ở Đông Âu đang tăng lên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực đã tăng lên đáng kể.
Nhưng chiến thắng của ông Trump đã khiến các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuanua rơi vào tình trạng hoang mang vì những nước này dựa chủ yếu vào sự bảo hộ của Mỹ.
Trong suốt chiến dịch, ông Trump đã tạo ra một cú đột phá lớn trong truyền thống chính sách đối ngoại của Mỹ với tuyên bố rằng Mỹ sẽ không bảo vệ đồng minh NATO, bao gồm các nước Baltic trước Nga nếu các nước này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với Mỹ.
Điều này cùng với sự ngưỡng mộ của ông Trump dành cho ông Putin đã khiến nhiều người châu Âu lo sợ một cuộc Chiến tranh lạnh với nước Nga sắp xảy ra.
Các nhà chức trách ở các nước Baltic đang chờ đợi và quan sát. Họ nhấn mạnh rằng họ đang tăng cường các chi phí quốc phòng trong những năm tới trong khi vẫn nhắc nhở Mỹ rằng họ đã góp quân cho các hoạt động quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Afganistan.
Cựu tổng thống Georgian Mikheil Saakashavili, người từng chiến đấu và đã thua trận trong cuộc chiến với Nga năm 2008, đã dự đoán rằng vài tháng tới có thể còn căng thẳng hơn. “Các nước Balitc rất dễ bị tổn thương”, ông Saakashavili trả lời CNN từ thủ đô Kiev của Ukraine, nơi ông đang thành lập một đảng chính trị nhỏ.
Ông Saakashavili nói: “Chúng ta nhận thấy rằng khả năng quân sự của các nước này không thể đấu được với Nga ở mọi phương diện. Và vấn đề là tôi không thấy bất kỳ nước châu Âu nào muốn giúp đỡ".
Quân đội Mỹ đang thực hiện diễn tập quân sự với quân đội Latvia và một đơn vị từ Slovenia trong một chuỗi hoạt động diễn tập chung mang tên “Atlantic Resolve”.
"Cơ bản là để đáp lại hành động của Nga năm 2014, khi tình hình thay đổi”, đại tá Cregory Anderson, người cùng giám sát hoạt động diễn tập với đại tá Lejins cho hay. Ông Anderson muốn nhắc tới vụ Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Năm 2014, Nga đã triển khai lực lượng “những người lịch sự” hết sức quy củ, mặc quân phục nhưng không mang phiên hiệu trong chiến dịch sáp nhập Crimea. Vụ việc được dàn dựng khéo léo này đã gióng lên hồi chuông báo động về quân đội Nga với một sức mạnh mới và năng lực hiện đại.
“Do đó, sự hiện diện của Mỹ ở đây rất quan trọng trong việc ngăn chặn những nỗ lực của Nga hoặc chỉ đơn giản là tránh những tính toán nhầm lẫn”, ông Garison, ngoại trưởng Latvia cho hay.
Quan chức Latvia cho rằng Nga đã tập trung hai quân đoàn với ước tính lên đến 200.000 quân ở phía bên kia biên giới. Năm năm trước, Nga đã tái lập một căn cứ trực thăng với nhiều máy bay tại một địa điểm rất gần biên giới Latvia.
Để bảo vệ mình và gần 2 triệu dân, Latvia chỉ có 5.000 quân chuyên nghiệp cùng với lực lượng Cảnh vệ quốc gia hoạt động tình nguyện.
“Chúng ta cần phải phản công nhanh chóng và đủ lớn để tất cả đều biết đây là một cuộc tấn công quân sự vào một thành viên NATO. Sau đó việc thực hiện hóa Điều 5 sẽ diễn ra,” Đại tá Lejins giải thích.
Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên cũng được coi là tấn công vào tất cả các nước trong liên minh và yêu cầu sự chủ động đáp trả.
Các nước Latvia, Lithuania và một số quốc gia thành viên NATO khác nằm sát Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga kẹp giữa Ba Lan và Baltic, tách rời khỏi Nga.
Vào lúc kết thúc Thế chiến thứ hai, hồng quân Liên Xô đã giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này từ phía phát xít Đức. Trong nhiều thập kỷ, đây là khu vực được quân sự hóa mạnh mẽ, sát ngay cạnh các nước khác.
Khu vực này đã gây bão dư luận vào mùa thu năm ngoái, khi Nga xác nhận các thông tin về việc nước này triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander tới Kaliningrad.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bảo vệ quyền triển khai vũ khí tới lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nga trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 10/2015. “Họ chuyển cơ sở hạ tầng của NATO tới gần biên giới nước tôi. Và đó không phải là lãnh thổ của Mỹ”, ông Lavrov trả lời.
Trên nhiều phương diện, Kaliningrad là một vấn đề đầy duyên nợ lịch sử. Các đường phố trong thành phố này được lát bằng kiến trúc đậm chất cổ của Đức kết hợp cùng những tòa nhà khô cứng thời Liên Xô.
Ở đây, một số người Nga cũng bày tỏ hy vọng về chính quyền Mỹ sắp tới. “Với việc thay đổi sự lãnh đạo ở Mỹ, chúng tôi đang hi vọng tình hình sẽ được cải thiện. Đối đầu không tốt cho bất kỳ ai”, ông Konstantin Smernov, một cựu trung úy 53 tuổi thuộc hải quân Xô viết nói.
Chính phủ các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga sau khi Mátxcơva sáp nhập Crimea năm 2014. Nhiều người Nga cho rằng những biện pháp này đã góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn diễn ra sau khi giá dầu sụt giảm trong những năm gần đây. Dầu lửa và khí đốt là hai nguồn xuất khẩu quan trọng của Nga và là xương sống của nền kinh tế nước này.
Những lệnh trừng phạt kinh tế cùng với động thái bỏ việc đi lại không cần visa đối với dân cư vùng Kaliningrad tới nước hàng xóm Ba Lan vào mùa hè năm ngoái đã dấy lên những quan ngại về sự cô lập ngày càng tăng đối với Nga.
Nhưng một số người Nga lại cho rằng họ đã nhận ra một lợi thế của việc sống trong vùng lãnh thổ dễ dàng tiếp cận với các nước khác như Ba Lan và Lithuania. Khách du lịch có thể mua những sản phẩm nước ngoài hiện bị cấm ở Nga.
Cảng Baltiysk của Nga, cách bờ biển khoảng 45 phút lái xe và một thành phố được đóng quân và quân sự hóa rất mạnh. Những tàu chiến từ Hạm đội biển Baltic của hải quân Nga phải bỏ neo ở lối vào thành phố, trong khi hàng xe tải màu xanh ô liu và xe thiết giáp có thể được nhìn thấy ở những khu lân cận.