Các nguồn tin từ Nga cho biết gần đây máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga đã tiến hành bay thử thành công, đánh dấu không quân Nga có thể biên chế loại máy bay này vào năm 2019. Đây là một tin rất tốt cho Nga và bên hợp tác Ấn Độ cũng rất vui vì có hy vọng được biên chế.
Trước vấn đề này, theo trang tin Sina Trung Quốc, có dư luận Trung Quốc cho rằng Su-57 sắp đi vào hoạt động không phải là việc vui đối với Trung Quốc, vì nó đã tạo ra mối đe dọa mới cho nước này. Tuy nhiên, có chuyên gia Trung Quốc đã lên tiếng trấn an dư luận.
Su-57 thực ra chính là máy bay chiến đấu T-50 trước đây, chỉ là hiện đã đổi tên. Nga muốn loại máy bay chiến đấu này hội đủ các đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như tính tàng hình, siêu cơ động và tốc độ siêu âm, đồng thời có khả năng đánh giáp lá cà trên không xuất sắc và tấn công đối đất nhất định. Nhưng, thực hiện việc này sẽ gặp khó khăn.
Su-57 được bắt đầu thiết kế từ năm 2000, mãi đến năm 2010 chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên mới xuất hiện. Sau đó, trải qua gần 700 thử nghiệm mới cơ bản hoàn thành công tác định hình, kết quả cũng làm cho Nga rất hài lòng.
Cộng với trang bị động cơ mới nhất Izdeliye-30, máy bay chiến đấu Su-57 sẽ bay nhanh hơn, linh hoạt hơn, xa hơn. Ngoài ra, hệ thống điện tử hàng không và tính tàng hình của Su-57 cũng đã được nâng cấp tương đối lớn, làm cho Su-57 thực sự là một loại máy bay chiến đấu xuất sắc, có khả năng đối kháng với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung Quốc, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga sẽ không tạo ra mối đe dọa gì cho Trung Quốc, bởi vì:
Trước hết, quan hệ Trung - Nga hiện nay có thể được ví như “tuần trăng mật”, là tốt nhất trong lịch sử. Do đó, Nga sẽ không sử dụng Su-57 để chống lại Trung Quốc. Trong khi đó, kẻ địch mạnh hiện nay của Nga là Mỹ. Trong ngắn hạn, sẽ không diễn ra trường hợp Nga “không hữu nghị” với Trung Quốc. Thực lực hiện có của Nga sẽ không thể đối đầu với cả Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, Nga sắp trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vẫn sẽ không tạo ra mối đe dọa nào mang tính “chết chóc” cho Trung Quốc.
Thứ hai, mặc dù Ấn Độ đã bỏ vốn phát triển máy bay chiến đấu Su-57, nhưng điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẽ có tiếng nói. Tức là Nga không thể bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nguyên bản cho Ấn Độ. Máy bay Nga cung cấp cho Ấn Độ có thể bị hạn chế về động cơ, thiết bị điện tử hàng không hay vũ khí…
Sina coi loại máy bay không nguyên bản này sẽ không thể đối phó được với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc. Cho dù Nga có bán máy bay chiến đấu Su-57 cho Ấn Độ thì Trung Quốc cũng không phải lo ngại. Sina cho rằng Ấn Độ đã vui mừng quá sớm.
Cuối cùng, cho dù tình hình có thay đổi thì Trung Quốc cũng không phải lo ngại. Bởi vì, máy bay chiến đấu J-20 đã đi vào hoạt động và tiến hành sản xuất hàng loạt theo kế hoạch. Trong khi đó, Su-57 Nga đến năm 2019 mới có thể bắt đầu biên chế, khi đó Trung Quốc đã sở hữu khoảng 30 máy bay chiến đấu J-20, đã chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng.
Cho dù máy bay Trung Quốc có thể thất bại trong đối đầu giáp lá cà thì Su-57 cũng không thể chọc thủng được mạng lưới phòng không của Trung Quốc với các hệ thống tên lửa phòng không như HQ-9, HQ-16. Như vậy, cho dù Ấn Độ trang bị máy bay chiến đấu Su-57 trong tương lai thì Trung Quốc cũng không cần phải lo ngại – Sina tự tin kết luận.