Cuộc va nhau giữa "bầu" Hiển và "madame" Nga:

Nếu trận thế T12 vẫn “hai hổ chung rừng”...

VietTimes – Thông tin Hapro triệt thoái vốn tại T12 khiến công chúng nghĩ đến kịch bản “Madame” Nga đã chấp nhận buông doanh nghiệp này cho “bầu” Hiển. Nhưng…

Ba cái tên nhận chuyển nhượng hơn 7,2 triệu cổ phần T12 (mã chứng khoán của CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi) của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) đã bước đầu lộ diện.

Dù cho đó mới chỉ trọc là 3 cái tên: Trần Trung Tuân (nhận chuyển nhượng 2,8 triệu cổ phần); Nguyễn Thị Phương Lan (1,9 triệu cp); Hoàng Thị Minh Phượng (2,5 triệu cp).

3 cá nhân này – trước đó không hoặc chỉ sở hữu một lượng cổ phần T12 không đáng kể - đã thay thế Hapro nắm quyền chi phối T12, với tỷ lệ hữu trên 53%.

Thông tin Hapro triệt thoái vốn tại T12 khiến công chúng nghĩ đến kịch bản “Madame” Nga đã chấp nhận buông doanh nghiệp này cho “bầu” Hiển, người đã vào T12 từ trước đó nhiều năm và đầy chủ động.

Bà Nga dù vào sau và qua đường vòng nhưng lại giữ lợi thế, nhờ tỷ lệ sở hữu quá bán (53,33%) của Hapro (hiện đã là một thành viên của hệ sinh thái BRG sau thương vụ thoái vốn Nhà nước) tại T12. Con số tương ứng của nhóm “bầu” Hiển, theo tính toán của VietTimes, chỉ khoảng 46%.

Phiên ĐHĐCĐ thường niên 2019 kéo dài kỷ lục tới trọn ngày 15/8 vừa rồi là một minh chứng hiển dạng cho cái lợi thế ấy của nhóm Hapro. Nhóm “bầu” Hiển dù phản đối kịch liệt nhưng với tỷ lệ sở hữu dưới bán không thể phủ quyết nhiều nội dung quan trọng. Nghị quyết ĐHĐCĐ, dù nhọc nhằn, cuối cùng vẫn được thông qua với ý chí và quyền biểu quyết lấn át của nhóm cổ đông quá bán – mà cụ thể ở đây là nhóm “madame” Nga.

Đồn đoán thế thôi chứ chưa hề có chuyện “Madame” Nga buông T12 cho “bầu” Hiển?
Đồn đoán thế thôi chứ chưa hề có chuyện “Madame” Nga buông T12 cho “bầu” Hiển?

Thực tế, thông tin bà Nga buông T12 thực ra vẫn chỉ dừng lại ở mức đồn đoán. Cần phải xác định được bên mua chính xác là bên nào hay thuộc nhóm nào thì mới có thể đưa ra kết luận chính thức.

“Trần Trung Tuân, Nguyễn Thị Phương Lan, Hoàng Thị Minh Phương” – ba cái tên riêng gọn lỏn mà HNX đã công bố là chưa đủ để để định vị về họ.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của VietTimes, trong hệ sinh thái của “madame” Nga cũng có những cá nhân mang tên trên. Trong đó, có một nhân sự Hoàng Thị Minh Phượng vốn gắn bó với hệ thống BRG nhiều năm, được tin cẩn cho đứng tên cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như AseanSC, Roxy Việt Nam, An Thịnh…

Tương tự, cũng có nhân sự tên Trần Trung Tuân được xem như là một “key employee” của hệ thống, được “madame” Nga tín nhiệm cho đứng tên tại hàng loạt đơn vị thành viên như: Thương mại và Đầu tư Hòa An; Khách sạn Du lịch Trung Anh; Sân Gôn BRG; Khách sạn Hà Nội;...

Còn cái tên Nguyễn Thị Phương Lan thì quá phổ biến. Một hệ sinh thái hàng vạn nhân sự như BRG hay SeABank, hẳn phải có tới nhiều người tên như thế.

Nếu quả thực những cái tên đã mua thỏa thuận hơn 7,2 triệu cổ phần T12 của Hapro là những thành viên chung hệ thống thì câu chuyện thoái vốn của nhóm Hapro tại T12 sẽ chỉ là hình thức. “Madame” Nga mới chỉ đơn giản là thực hiện cấu trúc lại sở hữu, chứ hoàn toàn chưa có chuyện thoái vốn hay bán mua thực chất.

Khi ấy, viễn cảnh T12 hẳn nhiều phần căng thẳng, với trận thế “hai hổ chung rừng”. Câu chuyện phân bổ những thửa đất mặt tiền  - dù không lớn nhưng phong phú – của CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi sẽ vẫn còn phức tạp dài dài.

Dĩ nhiên, còn một giải pháp khác, là hai đại gia tài chính - địa ốc bậc nhất Hà thành, Nguyễn Thị Nga và Đỗ Quang Hiển đều bằng lòng chung sức ở T12, hòa thuận, gắn bó phát triển và chia sẻ lợi ích tại đây..../.