Nếu thuốc sốt rét Chloroquine thực sự tác dụng trong điều trị COVID-19, thì số tử vong tại các nước đã thay đổi

VietTimes – Giữa cơn hoảng loạn mang tầm thế giới về đại dịch virus Corona chủng mới (COVID-19), phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thử nghiệm Chloroquine trong điều trị bệnh này đã khiến nhiều người đổ xô đi mua. Nhưng ý kiến dùng Chloroquine để điều trị COVID-19 đã gặp phải sự phản bác của nhiều người trong giới chuyên môn. Trước những thông tin trái chiều, VietTimes đã có cuộc trao đổi vấn đề này với TS. Phạm Quang Thái – người được đào tạo về dịch tễ học tại châu Âu nhiều năm, hiện là Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và thành viên Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Tổ thông tin đáp ứng nhanh chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Tổ thông tin đáp ứng nhanh chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

+Thưa ông, nếu Chloroquine điều trị bệnh nhân Covid-19 như nhiều người nghĩ, thì cuộc chiến bệnh COVID-19 đã không còn quá lo lắng khi thuốc này khá sẵn và không hề đắt? Việt Nam có/sẽ dùng thuốc này để điều trị?

TS. Phạm Quang Thái: Hoàn toàn không phải như vậy, cũng giống như câu chuyện xảy ra với bệnh cúm mùa, có một thuốc kháng virus được FDA phê duyệt và thậm chí còn được chứng minh trên lâm sàng về khả năng điều trị, nhưng cuối cùng thì số trường hợp tử vong do cúm mùa vẫn rất cao, kể cả tại Hoa Kỳ. Nếu thực sự thuốc này có tác dụng như vậy thì số tử vong tại Ý, Tây Ban Nha, và nhiều quốc gia khác đã thay đổi bởi vì câu chuyện về Chloroquine không phải là mới.

TS. Phạm Quang Thái –Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
TS. Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Việt Nam cũng theo sát các quốc gia trên thế giới trong điều chỉnh phác đồ điều trị và thực tế là Việt Nam có những giải pháp riêng của Việt Nam để giảm thiểu số tử vong đến mức thấp nhất.

+  Là chuyên gia về dịch tễ, ông có thể cho biết quan điểm trước ý kiến về việc thử nghiệm Chloroquine trong điều trị bệnh nhân COVID-19 đang khiến nhiều người tin vào loại thuốc đó như cứu cánh của căn bệnh nguy hiểm này?

TS. Phạm Quang Thái:  Ngài Trump cũng hay nói tắt đến mức nhiều người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra đã vội nhào đi mua thuốc sốt rét (Chloroquine hay hydroxychloroquine) về để dự phòng điều trị bệnh COVID-19 tại nhà, dẫn đến việc thuốc này đã biến mất khỏi một số hiệu thuốc. Cũng giống như xem những thông tin đưa ra từ một số chính trị gia trên thế giới, chúng tôi chỉ coi đó là một kênh tham khảo và tìm kiếm những thông tin chính thống hơn về khoa học để tìm hiểu và nghiên cứu.

Thực sự là đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã và đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để xác định sự hiệu quả và an toàn của các thuốc nêu trên đối với điều trị COVID-19 nhưng hiện chưa đủ bằng chứng để đưa ra khuyến cáo sử dụng thuốc này.

Thực ra câu của ngài Trump là thuốc sốt rét đã được FDA kiểm chứng và phê duyệt trong điều trị SỐT RÉT thôi, còn điều trị COVID-19 thì chưa đủ cơ sở để điều trị diện rộng, mà vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc, đặc biệt là những tác dụng không mong muốn của thuốc.

Việc thực hành tự điều trị tại nhà như những gì trước giờ vẫn xảy ra tại Việt Nam (như hành vi tự mua kháng sinh về dùng mỗi khi viêm đường hô hấp) sẽ gây rất nhiều hệ lụy, mà nguy hiểm nhất là các tác dụng không mong muốn của thuốc khi dùng sai. Vấn đề thiếu nguồn thuốc trong thời gian tới khi phải chiến đấu với dịch nếu nó lan rộng và cả vấn đề gom hàng đẩy giá vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi có những tin đồn thất thiệt.

+ Vấn đề về sử dụng Chloroquine chưa được 1 cơ quan y tế của 1 quốc gia nào chính thức công nhận và công bố. Tất cả các thông tin chưa đưa ra bất kỳ 1 liều dùng khuyến cáo nào đối với nhiễm COVID-19 về việc sử dụng thuốc này quá liều gây hậu quả rất nghiêm trọng. Việc người dân tự đi mua cháy hàng tại các hiệu thuốc, đây là thuốc bán theo đơn tại sao người dân lại mua được như vậy? Ngoài khuyến cáo cơ quan y tế phải có biện pháp như thế nào?

TS. Phạm Quang Thái:  Việc quản lý thuốc bán theo đơn vẫn là vấn đề chưa giải quyết triệt để. Theo tôi, đây là việc càng sớm càng tốt phải giải quyết, bởi không phải chỉ để đối phó với vấn đề như báo đề cập, mà còn vấn nạn của kháng kháng sinh đang ngày một lớn. Nếu không quản lý tốt, vũ khí cuối cùng của con người trước vi khuẩn, một tác nhân ngay sau vi rút sẽ không còn và loài người sẽ thất bại trước dịch bệnh.

TS. Phạm Quang Thái tìm kiếm những hành khách còn thiếu trên chuyến bay không may có người nhiễm bệnh
TS. Phạm Quang Thái cùng nhóm tìm kiếm những hành khách còn thiếu trên chuyến bay không may có người nhiễm bệnh

+ Ông nghĩ sao về công tác quản lý khi mà thuốc kê đơn dân chả có đơn vẫn mua đc rào rào?

TS. Phạm Quang Thái:  Đây là do công tác quản lý và chế tài. Người dân chỉ muốn tiện lợi chứ không hề nghĩ đến nhưng hậu quả của việc tự điều trị tại nhà. Thói quen này phải thay đổi ngay nếu không muốn tình trạng kháng thuốc lan rộng chưa nói đến những nguy hiểm khác khi tự ý dùng thuốc. Cơ quan quản lý cũng phải vào cuộc mạnh hơn nhằm lập lại trật tự này

+ Là một thành viên trong nhóm phản ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ông có thể cho biết thêm về tình hình ngăn chặn dịch COVID-19 của Việt Nam ra sao?

-Hiện tại Việt Nam vẫn kiên trì biện pháp ngăn dịch từ bên ngoài vào, phát hiện sớm và cô lập cách ly triệt để. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường hợp dương tính là từ các quốc gia khác xâm nhập qua đường hàng không, có một số trường hợp lây bệnh do tiếp xúc trong cộng đồng nhưng nguồn lây xác định được và do phát hiện sớm, cách ly nên số mắc mới ở mức kiềm chế được, chưa có các vụ dịch lớn ở cộng đồng.

+ Ông đánh giá về các phương pháp trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua của Việt Nam?

TS. Phạm Quang Thái:  Các phương pháp phòng chống dịch COVID-19 vừa qua tại Việt Nam thể hiện sự mềm dẻo trong cách tiếp cận tùy theo diễn biến trên thế giới. Cách tiếp cận này trong chừng mực nhất định có thể làm cán bộ tuyến dưới có khó khăn khi thực hiện nhưng tạo ra các bước chuẩn bị cần thiết để xã hội kịp tiếp cận. Nếu tiến hành cách ly tập trung toàn bộ và nhất quán ngay từ đầu sẽ dẫn đến thiếu hụt cơ sở lưu trú trong thời gian ngắn và làm quá tải hệ thống xét nghiệm. Việc điều chỉnh từ từ các biện pháp đáp ứng hướng tới dứt điểm và quyết liệt đi kèm với các giải pháp đồng bộ về tin học hóa trong khai báo y tế,  nghiên cứu giải pháp phòng và điều trị bệnh đã giúp kết quả phòng chống dịch của Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi được cộng đồng thế giới ghi nhận.

2.	Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm việc ngày đêm để “truy tìm” những người mắc COVID-19 trên các chuyến bay vào Việt Nam.
Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm việc ngày đêm để “truy tìm” những người mắc COVID-19 trên các chuyến bay vào Việt Nam.

+ Con số gần 100 bệnh nhân COVID-19 và chưa có ca tử vong, đó là nỗ lực rất lớn của Việt Nam so với các nước khác. Chúng ta liệu có thể duy trì được kết quả này hay không? Mong muốn này phụ thuộc vào điều gì, thưa ông?

TS. Phạm Quang Thái:  Việc duy trì kết quả điều trị không để bệnh nhân tử vong là một thách thức rất lớn cho hệ thống điều trị, các bác sỹ đã phải rất nỗ lực, sử dụng kinh nghiệm cũng như tham khảo nhiều kỹ thuật mới nhằm duy trì và cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Điều này rất đáng ghi nhận.

Tới 0h ngày 21/3/2020 toàn bộ các chuyến bay về Việt Nam đều phải thực hiện cách ly. Đây là bước đi mạnh mẽ dứt điểm cuối cùng mà Việt Nam thực hiện, nhằm ngăn lại bệnh dịch không cho lan ra cộng đồng. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát những nguy cơ tồn tại nếu có, để khư trú và xử lý. Điều này giúp giữ vững trận tuyến phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại việc không trung thực trong khai báo y tế, khai báo tiếp xúc khi không may mắc bệnh dẫn tới việc khó khăn trong khống chế dịch. Đây là vấn đề phải được giải quyết thông qua sự trung thực của người dân và các kỹ thuật trong điều tra và xử lý dịch. Chỉ khi có sự mạch lạc, trung thực trong thông tin dịch bệnh và sự thông suốt giữa các ban ngành chức năng cũng như sự tự giác cao nhất của người dân cả về vấn đề thông tin và vấn đề thực hành dự phòng bệnh thì chúng ta mới có thể tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến này. Tại sao tôi lại nói về vấn đề phòng bệnh thay vì chữa bệnh, bởi vì, thành quả chữa bệnh sẽ tiếp tục duy trì nếu như số mắc mới không quá nhiều, sẽ không thể có được thắng lợi trong điều trị nếu như hệ thống điều trị quá tải, và để điều đó không xảy ra, hãy làm tốt công tác dự phòng như những gì chúng ta đã và đang làm.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)