Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng sẽ không có độc quyền xảy ra và Nhà nước cần mạnh dạn tạo cơ chế cho doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư khai thác cảng cũ, mở rộng, nâng cấp và xây dựng cảng mới…
Mấy ngày hôm nay, dư luận bàn tán xung quanh việc Sun Group trúng thầu xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh, rồi đến việc Bộ GTVT đề xuất bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hơn 500 tỷ đồng cảng Quảng Ninh cho tập đoàn T&T, Vinalines nhượng toàn bộ cổ phần cảng Nha Trang (Khánh Hòa) cho công ty của Tập đoàn Vingroup…
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết về cơ chế cổ phần hóa, đấu thầu, khai thác, quản lý các cảng biển và sân bay theo BT, BOT, BTO và mới nhất là hợp tác công – tư (PPP) đã được cụ thể hóa tại Nghị định 128/2014/NĐ-CP và Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Thứ trưởng Trường khẳng định: Nhà nước sẽ theo dõi sát sao qua các công cụ giá, thuế và cơ chế quản lý. Chính vì vậy, độc quyền không thể diễn ra được.
Ở ý kiến khác, ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải cũng đồng quan điểm: “Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý còn cơ sở hạ tầng, giá cả vẫn do Nhà nước kiểm soát nên chắc chắn sẽ không có chuyện độc quyền. Bên cạnh đó, các cảng hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu anh độc quyền cơ chế thị trường tự nhiên nó sẽ bóp chết anh ngay”.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần cấp thiết phải ban hành Luật: “Vẫn biết có Nghị định, Thông tư nhưng đây là các văn bản dưới luật, có thể thay thế bởi Chính phủ, bộ ngành. Chính vì vậy, ngay lúc này cần Luật hóa các Nghị định, Thông tư để rộng đường dư luận và tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhà đầu tư vàcơ chế ràng buộc người đứng đầu nếu có các vấn đề phát sinh hậu cổ phần, bán cảng”.
Trong phương án tái cơ cấu các cảng biển, sự khác biệt ở chỗ là khi các cảng biển được nhận chủ chương cổ phần hóa, bán không ai mua nhưng khi Bộ GTVT quyết định bán từ 49% cổ phần trở lên, thậm chí “bán đứt” cảng cho tư nhân thì cảng biển, sân bay trở thành hàng đang rất nóng. Theo ông Thứ: “cái yếu nhất của các cảng Việt Nam chính là năng lực quản lý, khai thác quá kém. Cảng Hải Phòng lớn và cơ sở vật chất hiện đại nhưng lỗ triền miên trong khi các cảng nhỏ của tỉnh này lại lãi. Chính vì vậy, bán ít cổ phần vẫn giữ vốn Nhà nước 75% thì ai dám mua? Họ đổ tiền vào rồi kinh doanh vẫn kém thì ai dại gì?”.
Cũng theo ông Thứ, bán 100% hay 49% cổ phần cảng biển không quan trọng, quan trọng là chúng ta bán và giao quyền cho doanh nghiệp như thế nào. Trước đây vai trò của Nhà nước là nhúng tay vào từ quy hoạch, xây dựng và khai thác, mỗi chỗ 1 ít nhưng lại không có kinh nghiệm, không giỏi làm nên rất nhiều cảng chúng ta giao quyền khai thác, xếp dỡ cho doanh nghiệp Nhà nước nên thường xuyên bị lỗ.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, có trong tay cảng biển doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn có lợi thế về cuộc chạy đua cải tổ hoạt động kinh doanh. Họ sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh mới với các cảng của DNNN và “phả hơi nóng” vào các cảng chậm cải tổ, đây sẽ là tín hiệu tích cực.
“Vào tay ai cũng được, miễn là họ biết biến lợi thế này làm giàu cho mình, cho đất nước và xã hội và Nhà nước phải tăng thu được thuế. Có tiền chưa chắc đã khai thác, vận hành được cảng, mà tiền phải đi liền với quy hoạch và chiến lược. Hơn ai hết, các DN đã mua họ đã tính đến việc tổ chức lại bô máy, cách hoạt động, con người và tính phương án thuê chuyên gia đầu ngành giỏi về làm việc…” TS Doanh nhận định.
Nhiều năm làm việc trong ngành, ông Thứ quả quyết: “Giao tư nhân, tôi nghĩ không quá 1 năm họ sẽ có lợi nhuận trên doanh thu. Thứ nhất là khi bỏ tiền, họ sẽ nghiên cứu và cải tổ lại hoàn toàn hoạt động, tình trạng yếu kém quản lý, khai thác vận hành sẽ không còn nên hiệu quả sẽ nhìn thấy được. Thứ hai đó là, tăng trưởng ngành vận tải cảng biển mỗi năm ở mức hai con số từ trên 10%. Đây là mức tăng trưởng cực cao. Họ bảo khủng hoảng ở đâu chứ các cảng biển Việt Nam không hề có khủng hoảng, hàng và tầu cập cảng lúc nào cũng sẵn có nên khi có sự thay đổi, sẽ có sức hút cực lớn đối với các đối tác khác. Bên cạnh đó, ngành cảng biển, hải quan, thuế được xem là liên đới chặt chẽ với nhau. Chính phủ quyết tâm cải cách khu vực này theo chuẩn khu vực và quốc tế nên sắp tới, sẽ có những cuộc cách mạng về thủ tục, chi phí cũng như năng lực bốc, xếp, dỡ. Tôi hy vọng, tương lai không xa, Việt Nam sẽ không còn cảnh: Thừa tiềm năng mà thiếu khả năng về biển nữa”.
Về kinh nghiệm tư nhân hóa các cảng biển, ông Thứ cho rằng trên thế giới rất nhiều quốc gia đã thực hiện trao quyền khai thác cho doanh nghiệp tư nhân. Mỹ có rất nhiều cảng mà Chính phủ liên bang chỉ thu thuế và quản lý theo luật của các bang mà không cần động vào các hoạt động kinh doanh của cảng. Tại Singapore, hệ thống cảng biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thì họ đã tư nhân hóa gần hết các cảng biển nên vận tải cảng biển của Singapore hiện tại đang rất mạnh và được xem là hải cảng trung chuyển đẳng cấp quốc tế.
Theo Dân trí