NATO giải thích lý do Ba Lan không đánh chặn tên lửa Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Jens Stoltenberg tuyên bố khối quân sự do Mỹ đứng đầu không muốn can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã loại trừ khả năng Ba Lan đánh chặn tên lửa của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhấn mạnh rằng khối liên minh quân sự này không muốn trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.

Kiev đã kêu gọi thành viên NATO, Ba Lan, sử dụng khả năng phòng không của mình để bảo vệ miền Tây Ukraine mà không cần di chuyển các hệ thống này ra khỏi lãnh thổ Ba Lan. Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận an ninh song phương giữa Ba Lan và Ukraine và được cho là đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước ở Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện dành cho đài truyền hình nhà nước Ukraine, ông Stoltenberg cho biết quan điểm của NATO không thay đổi và điều tốt nhất mà Kiev có thể mong đợi là sự giúp đỡ trong việc nhắm mục tiêu vào các máy bay chiến đấu của Nga bằng hệ thống vũ khí do lực lượng Ukraine vận hành.

Ý tưởng NATO đánh chặn tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine trước đây đã bị các nước thành viên, trong đó có Ba Lan, bác bỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đã nói rằng Warsaw sẽ không tấn công tên lửa của Nga nếu không có sự ủng hộ của các thành viên khác.

“Nếu NATO không đưa ra quyết định như vậy, Ba Lan sẽ không đưa ra quyết định đó một cách độc lập”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng việc cung cấp hệ thống phòng không cho Kiev là "phương pháp tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của Nga" khi được hỏi về lập trường của Ba Lan vào tuần trước.

Moscow đã mô tả cuộc xung đột Ukraine là một phần của cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu, trong đó các quốc gia NATO tham gia bằng mọi cách ngoại trừ việc trực tiếp chiến đấu với lực lượng Nga trên chiến trường.

Các quan chức Nga lập luận rằng, trên thực tế, việc trở thành các bên tham gia chiến sự có nghĩa là các quốc gia phương Tây phải chia sẻ trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine.