|
Ảnh: The Guardian |
NASA đã tiết lộ kế hoạch thử nghiệm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân với hy vọng có thể đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trong thời gian kỷ lục. Theo đó, NASA đã hợp tác với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (Darpa) của chính phủ Hoa Kỳ để trình diễn một động cơ tên lửa nhiệt hạch trong không gian ngay sau năm 2027.
Dự án nhằm phát triển một hệ thống đẩy tiên phong cho du hành vũ trụ, khác xa so với các hệ thống hóa học phổ biến kể từ khi kỷ nguyên tên lửa hiện đại xuất hiện gần một thế kỷ trước.
“Sử dụng tên lửa nhiệt hạch cho phép thời gian di chuyển nhanh hơn, giảm rủi ro cho các phi hành gia”, NASA cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Giảm thời gian di chuyển là một mục tiêu quan trọng đối với các sứ mệnh của con người lên sao Hỏa, vì các chuyến đi dài hơn đòi hỏi nhiều nguồn cung cấp và các hệ thống mạnh mẽ hơn”.
NASA cho biết, sử dụng công nghệ hiện tại, hành trình đến Sao Hỏa sẽ mất khoảng bảy tháng. Các kỹ sư hiện vẫn chưa biết có thể rút ngắn bao nhiêu thời gian bằng cách sử dụng công nghệ hạt nhân, nhưng Bill Nelson, quản trị viên của NASA, cho biết công nghệ mới sẽ cho phép tàu vũ trụ và con người du hành không gian với tốc độ kỷ lục.
“Với sự trợ giúp của công nghệ mới này, các phi hành gia có thể di chuyển đến và đi từ không gian sâu thẳm nhanh hơn bao giờ hết - một khả năng quan trọng để chuẩn bị cho các sứ mệnh phi hành đoàn lên sao Hỏa”, ông Nelson nói.
Dự án xây dựng tên lửa dùng công nghệ năng lượng nhiệt hạch đã được DARPA lên kế hoạch từ năm 2021. Lúc đó, các công ty hợp tác với cơ quan trong giai đoạn đầu gồm General Atomics, Lockheed Martin và Blue Origin - công ty vũ trụ do tỷ phú Jeff Bezos thành lập.
Tên lửa với năng lượng nhiệt hạch sẽ sử dụng lò phản ứng hạt nhân để đốt nhiên liệu lên nhiệt độ cực cao, trước khi phun chúng qua vòi năng lượng để tạo ra lực đẩy. Công nghệ mới này còn giúp tiết kiệm một lượng lớn nhiên liệu so với hệ thống đẩy cũ.
Trong một tuyên bố, giám đốc của Darpa, Tiến sĩ Stefanie Tompkins, cho biết thỏa thuận này là một phần mở rộng của sự hợp tác hiện có giữa các cơ quan.
“Darpa và NASA có một lịch sử lâu dài về sự hợp tác hiệu quả trong việc cải tiến công nghệ cho các mục tiêu tương ứng của chúng tôi, từ tên lửa Saturn V lần đầu tiên đưa con người lên mặt trăng cho đến việc bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu cho vệ tinh bằng robot”, cô nói.
“Khả năng đạt được những tiến bộ nhảy vọt trong công nghệ vũ trụ… sẽ rất cần thiết để vận chuyển vật chất lên mặt trăng một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn, và cuối cùng là hiện thực hóa ước mơ đưa con người lên sao Hỏa”.
NASA cũng đang hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ để phát triển nhà máy điện hạt nhân, có thể xây dựng trên Mặt Trăng và cả Hỏa tinh. "Hành tinh đỏ" đã là một trong những mục tiêu hàng đầu được NASA hướng đến suốt nhiều năm.
Theo The Guardian