|
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai |
Phát bệnh vì nắng nóng
Cứ mỗi khi tiết trời chuyển nóng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận hàng chục người bị đột quỵ mỗi ngày, trường hợp như ông Nguyễn Q.T (56 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là một điển hình.
Theo bà Nguyễn T.Đ., vợ ông T., bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và cao huyết áp. Thời tiết đột ngột chuyển nóng đã khiến ông cảm thấy khó chịu trong người. Sau khi vệ sinh cá nhân buổi sáng sớm thì ông bị ngã, liệt một bên tay, một bên chân và méo miệng.
|
Bệnh nhân Nguyễn Q.T. phải cấp cứu do đột quỵ vì thời tiết nắng nóng
|
Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai 3 ngày, hiện ông T. đã hết méo miệng, bớt khó chịu trong người, tuy nhiên chưa thể vận động được như trước nên phải tiếp tục điều trị thêm.
Tuy nhiên, đã có những trường hợp bệnh nhân không may mắn như ông T. để được đưa vào bệnh viện và cứu chữa kịp thời, như trường hợp một bác sĩ trẻ bị đột quỵ rồi tử vong trong lúc đang chơi bóng đá dưới trời nắng nóng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện cho biết, mặc dù bệnh nhân đã được cấp cứu ngay lập tức, nhưng do tổn thương quá lớn nên đã không thể qua khỏi.
Nắng nóng tạo điều kiện cho bệnh phát triển
Chia sẻ về căn bệnh đột quỵ, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi cho biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu… dễ bị đột quỵ khi thời tiết thay đổi. Nếu không được dự phòng tốt, khi trời chuyển nóng, người bệnh căng thẳng, khó kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khiến trở nên bất ổn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi cũng cho hay, nắng nóng chỉ là yếu tố thuận lợi khiến cho căn bệnh xảy đến, không phải nguyên nhân trực tiếp khiến cho bệnh nhân bị đột quỵ. Tương tự như khi trời chuyển lạnh đột ngột hoặc khi thời tiết thay đổi bất thường, người có bệnh dễ bị đột quỵ.
|
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân cao tuổi trong ngày nắng nóng
|
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, trường hợp bác sĩ trẻ bị tử vong, bệnh nhân có thể chất tốt, không mắc các bệnh cao huyết áp, béo phì, song có thể bị bất thường mạch máu não và khi chơi bóng dưới trời nắng nóng đã vận động quá sức, dẫn đến đột quỵ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi cũng khuyến cáo về việc nhiều người trẻ hiện nay đã có các yếu tố nguy cơ, nên tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng cao.
Làm gì để tránh đột quỵ khi nắng nóng? Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, để dự phòng bệnh đột quỵ, cần có cơ chế kiểm soát tốt huyết áp và các yếu tố nguy cơ bằng việc đảm bảo 3 yếu tố: Sử dụng thuốc điều trị; kiểm soát chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao phù hợp. Bên cạnh đó, người dân cần biết tự bảo vệ cơ thể, nếu thời tiết quá nóng, quá nắng không thể làm việc thì phải tạm dừng công việc; tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12h – 16h hàng ngày). Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, tai biến cần hạn chế làm việc, hoạt động trong thời tiết nắng nóng. Người cao tuổi không nên ra ngoài vào thời gian giữa trưa khi ánh nắng gay gắt nhất. Nếu bắt buộc phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần thu xếp để hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất, hoặc chuyển đổi giờ làm việc vào thời gian nhiệt lượng đã hạ xuống mức thấp hơn, đồng thời, trang bị những bộ đồ chống nắng, chống nóng phù hợp và thường xuyên bù nước, bù chất điện giải. Hiện nay, nhiều gia đình, cơ quan, công sở đã có điều hòa nhiệt độ. Việc thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, bị sốc nhiệt, nguy cơ cao dẫn tới các bệnh tim mạch, thậm chí chết người. Vì vậy, người dân không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt quá thấp (nhiệt độ phòng không được thấp hơn 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời) và đột ngột từ phòng rất lạnh bước ra trời nóng hoặc ngược lại. |