
Chỉ 4 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Khi ấy, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, "giặc dốt" là một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với "giặc đói" và "giặc ngoại xâm".
Thời đó, để thúc giục người dân học chữ, một số nơi dựng "cổng mù" ở đầu chợ. Người muốn vào chợ phải thử đọc chữ, ai đọc được thì được đi cổng chính, ai chưa đọc được thì phải qua "cổng mù" để vào chợ. Trong thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
80 năm sau, phong trào Bình dân học vụ số được phát động và hưởng ứng trên toàn quốc nhằm thúc đẩy người dân không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo (AI)...
Phong trào nhằm kêu gọi mỗi cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, để Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Phải mang tới động lực cho người dân, thay vì nội dung xa xôi, giáo điều
Phong trào Bình dân học vụ số đặt mục tiêu trọng tâm là phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp, cùng kỳ vọng trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng phong trào bình dân học vụ số hiện nay đang dừng lại ở việc hô hào, hiệu quả thực tiễn chưa nhiều. Thay vào đó, hoạt động này cần được cụ thể hoá thành các chương trình, dự án thiết thực phù hợp với từng giai đoạn, rõ mục tiêu, nguồn lực, đối tượng và kết quả thực hiện. Trong đó, cần một chương trình tổng thể, thống nhất toàn quốc về cách triển khai tại các địa phương.

TS Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ với VietTimes rằng nên để địa phương tự quyết định chương trình, nội dung, lựa chọn ứng dụng công nghệ số, hướng dẫn trong Phong trào Bình dân học vụ số.
Lúc này, chính các địa phương sẽ phát huy vai trò ở cơ sở, gần và hiểu người dân để đánh giá các ứng dụng số phù hợp. Từ nhu cầu gắn với thực tế, người dân địa phương được hỗ trợ nâng cao năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị số và ứng dụng số thiết thực.
TS Quang lưu ý rằng, việc tổ chức phong trào bình dân học vụ số phải thực chất, “chạm” tới nhu cầu của người bình dân, từ đó thúc đẩy “xoá mù số” và phổ cập kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực số cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, năng lực số là khái niệm rất "động", bởi một năng lực số cụ thể trong bối cảnh hôm nay là mới, nhưng một thời gian ngắn có thể lạc hậu. Các công nghệ mới ra đời, phát huy hiệu quả và cập nhật rất nhanh. Do đó, muốn đạt tính bền vững, thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phong trào cần chuyển dần thành xây dựng xã hội học tập suốt đời, ngấm vào từng người dân.
"Mỗi người bình dân ý thức việc học, cập nhật các công nghệ mới là liên tục, thay vì tham gia vài buổi hướng dẫn trong khuôn khổ phong trào ‘Bình dân học vụ số’ là tự thấy hoàn thành nhiệm vụ”, ông Quang nói.
Nội dung hướng dẫn phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của người học, ứng dụng được và mang lại lợi ích ngay cho người dân. Cách làm này sẽ mang tới động lực cho người dân, thay vì những nội dung xa xôi, giáo điều. Như những người lớn tuổi chưa biết dùng điện thoại thông minh, các thanh niên cần tổ chức phổ biến cho họ, hướng dẫn họ kinh nghiệm, phân biệt tin thật - tin giả, để họ an toàn trên môi trường mạng, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA dẫn chứng.
Thay đổi nhận thức: Cần một quá trình và không đơn giản
Trao đổi với VietTimes, TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (KHCNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá, việc người dân có đủ năng lực số rất cần thiết để tham gia các hoạt động trên môi trường số, bao gồm cả làm việc và giải trí, góp phần quan trọng vào xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, được xác định là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước, việc phổ cập công nghệ số cho người dân cần có sự vào cuộc của cả hệ thống. Không chỉ riêng ngành GD-ĐT, ngành Khoa học và Công nghệ, mà còn cần sự vào cuộc của cả các ngành khác, các cấp chính quyền, đoàn thể. Chỉ khi có sự phối hợp chung tay, triển khai đồng bộ, thống nhất và toàn diện, mới có thể đạt được mục tiêu này.
Cho rằng thay đổi nhận thức là một quá trình và không hề đơn giản, ông Tô Hồng Nam chia sẻ, làm sao để mỗi người dân tự thấy phải nâng cao năng lực số bản thân, làm thường xuyên, liên tục, tự nhiên và bắt buộc phải làm - là điều quan trọng. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng cơ bản, cảnh báo cho người dân tránh bị lừa đảo trên không gian số, ông Nam nhấn mạnh về việc tạo động lực cho người dân chủ động nâng cao kỹ năng số để khai thác hiệu quả môi trường mạng, đảm bảo an toàn và có trách nhiệm.
“Kinh doanh online và các hoạt động trên môi trường số rất thú vị, ai tận dụng được đều có thể làm giàu. Do đó, chúng ta vừa đưa ra khuyến nghị, cảnh báo về việc an toàn trực tuyến, đồng thời gợi mở những cơ hội mới, thiết thực để người dân có động lực tìm hiểu, học tập. Nhờ vậy, họ thay đổi nhận thức, bản thân họ sẽ ‘muốn thì tìm cách’, thay vì ‘tìm lý do’ để né tránh. Khi đó, sẽ không gì cản được mong muốn học hỏi, nâng cao năng lực số của họ”, TS. Tô Hồng Nam nói.

Ông Nam cũng đề cập tới khung năng lực số đang được sử dụng làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học.
Dẫn Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/1/2025 của Bộ GD-ĐT, TS Nam nhắc tới Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực, gồm: Khai thác dữ liệu và thông tin, Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, Sáng tạo nội dung số, An toàn, Giải quyết vấn đề và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc.
Đặc biệt, miền năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
“Việc triển khai năng lực AI vào trong chương trình giáo dục phổ thông không chỉ giúp học sinh hiểu về trí tuệ nhân tạo, mà còn khuyến khích các em ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng để triển khai Phong trào Bình dân học vụ số trong các nhà trường, làm hạt nhân xây dựng nên thế hệ công dân số cho toàn xã hội, góp phần quan trọng vào triển khai thành công xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, lãnh đạo Cục KHCNTT, Bộ GD-ĐT nói.
Giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội
Trao đổi với VietTimes, TS Đào Quang Thủy, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghiệp (Bộ KH&CN) phân tích, trong bối cảnh hiện nay, mỗi công dân cần nhận thức được rằng, trong thế giới ảo tồn tại một thế giới thực đang xây dựng và phát triển.
Từ thế giới thực, các yếu tố văn hóa được tái tạo và mở rộng, do vậy mỗi cá nhân cần nhận thức được vai trò của một công dân số và thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội.

TS Thủy phân tích, việc tham gia phát triển văn hoá số, gắn với bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Cùng với đó, mỗi công dân không chỉ giới hạn ở việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cá nhân, mà còn phải tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, như góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng số, cung cấp phản hồi cho chính quyền để cải thiện chất lượng dịch vụ công, qua đó góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội số.
TS Đào Quang Thủy góp ý, các tổ chức, địa phương nên làm các nội dung ngắn giới thiệu các kỹ năng trên nền tảng TikTok, Facebook, YouTube… để người dân có thể tranh thủ theo dõi lúc rảnh.
Đại diện Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ gợi ý, các doanh nghiệp xây dựng giải pháp trên các nền tảng mở để các cá nhân, doanh nghiệp khác có thể tiếp tục phát triển giải pháp, với mục tiêu phục vụ người dân, phát triển xã hội số.
