|
Hình minh họa |
Tăng liên tục
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh nước ngoài là hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Đáng chú ý, riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã có sự “bùng nổ” về bảo lãnh các khoản vay.
Giai đoạn này, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Hầu hết là vay nước ngoài với 14 tỷ USD.
Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010. Trong đó năm 2012 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh chính phủ (4,35 tỷ USD).
“Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai”, Bộ Tài chính đánh giá.
Tình hình này khiến Bộ Tài chính phải có phương án ứng phó. Trong vòng 5 năm tới (2016-2020), Bộ Tài chính đang trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn ròng hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD và trong nước là 5.000 tỷ đồng.
Mục tiêu là để kiểm soát nợ công, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP theo kịch bản đã trình Quốc hội (với giả định GDP dự kiến tăng 6,5-7%/năm và lạm phát khoảng 5%/năm).
Để thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Đặc biệt, từ năm 2017 Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới “để đảm bảo an toàn nợ công”.
Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định của Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Vốn bảo lãnh vào “ông lớn” nhà nước
Các khoản bảo lãnh của Chính phủ chủ yếu dành cho các “ông lớn” Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Các dự án thuộc ngành điện được bảo lãnh nhiều nhất. Số cam kết bảo lãnh lũy kế đến 31/12/2015 của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực điện là hơn 15,9 tỷ USD.
Trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (công ty mẹ) được bảo lãnh nhiều nhất với hơn 9,7 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí VN - PVN là hơn 2,4 tỷ USD, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN là hơn 647 triệu USD…
Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 4 dự án nguồn điện (2 dự án nhiệt điện và 2 dự án thủy điện) được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng trị giá gần 2,1 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh).
|
Bộ Tài chính cho hay trong lĩnh vực điện chưa có trường hợp nào bị chậm trả nợ dẫn đến Bộ phải hỗ trợ. Tuy vậy, giai đoạn tới, Bộ Tài chính cũng đề nghị trong trường hợp EVN và PVN tiếp tục có nhu cầu được Chính phủ bảo lãnh huy động vốn, Quốc hội cần xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh chính phủ cho lĩnh vực này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính lưu ý, trong quá trình quản lý danh mục đầu tư của mình và theo xu hướng cổ phần hóa các DN nhà nước, EVN cần có sự hoạch định chiến lược về quản lý tài sản và nghĩa vụ nợ sau đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ.
Bộ Tài chính cũng không quên chỉ ra một loạt hạn chế trong các dự án được Chính phủ bảo lãnh, nhất là ở các dự án xi măng vì đây là lĩnh vực có nhiều dự án gặp khó khăn nhất.
Theo Bộ Tài chính, việc tái cơ cấu tài chính khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của một số DN như Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Sông Thao, Nhà máy giấy Phương Nam chưa được các cơ quan có liên quan thực hiện rốt ráo, dẫn đến việc chậm trả nợ cho bên cho vay.
Các dự án xi măng như Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Sông Thao, Bộ Tài chính vẫn đang phải đôn đốc tái cơ cấu và thường xuyên báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của các DN này.
Theo VNN