Nam thanh niên 22 tuổi “cầu cứu” bác sĩ vì mụn mọc kín mặt

VietTimes -- Bệnh viện Da Liễu Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp nam thanh niên 22 tuổi, nhập viện trong tình trạng mụn mủ, mụn bọc gần như kín hết vùng mặt.
Sử dụng thuốc nam, nam thanh niên bị mụn chi chít. (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Sử dụng thuốc nam, nam thanh niên bị mụn chi chít. (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Bệnh nhân cho biết có tiền sử trứng cá xuất hiện từ tuổi dậy thì với các tổn thương mụn viêm vùng mặt. Được biết, bệnh nhân đã khám 1 đợt tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương cách đây 2 năm, bác sĩ chẩn đoán bị trứng cá và tổn thương đã khỏi hoàn toàn sau đợt điều trị.

Tuy nhiên, 6 tháng gần đây, tổn thương mụn bắt đầu xuất hiện trở lại ở vùng mặt của bệnh nhân. Tin vào lời quảng cáo trên Facebook, bệnh nhân đã đặt mua và sử dụng bộ sản phẩm điều trị mụn gồm thuốc nam dạng viên hoàn uống và thuốc bôi rửa không rõ nguồn gốc.

Sau hơn 1 tháng dùng thuốc nam, tổn thương trứng cá của bệnh nhân biến mất nhanh chóng, nhưng chỉ trong 2 tuần, mụn bắt đầu mọc ồ ạt ở vùng mặt, xuất hiện thêm nhiều sẩn mụn mủ vùng thân mình, cánh tay 2 bên.

Sau hơn 1 tháng sử dụng thuốc nam, bệnh nhân xuất hiện thêm nhiều tổn thương sẩn mụn mủ kích thước đồng đều, rải rác vùng thân mình, cánh tay 2 bên.

Sau hơn 1 tháng sử dụng thuốc nam, bệnh nhân xuất hiện thêm nhiều tổn thương sẩn mụn mủ kích thước đồng đều, rải rác vùng thân mình, cánh tay 2 bên.

Chính vì thế, bệnh nhân đã đến cầu cứu các bác sĩ tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương trong tình trạng sẩn, mụn mủ nghiêm trọng vùng mặt, thân mình, không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mĩ và còn gây cảm giác ngứa, nóng rát khó chịu.

Qua thăm khám và hỏi bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân là một trường hợp điển hình của trứng cá do thuốc. Đây không phải là trường hợp hiếm tại các phòng khám da liễu.

Trứng cá do thuốc là trường hợp mụn trứng cá xuất hiện sau khi sử dụng thuốc dạng bôi tại chỗ hay dạng uống hay tiêm truyền. Người bệnh có thể có tiền sử trứng cá hoặc không trước khi sử dụng thuốc, ngoài mặt có thể gặp ở ngực, lưng, cánh tay.

Theo các bác sĩ, các thuốc có thể gây trứng cá do thuốc bao gồm: corticoid, hormone sinh dục testosterone, isoniazid, lithium, halogen,... trong đó, corticoid là nguyên nhân lâm sàng thường gặp nhất ở cả dạng thuốc uống và thuốc bôi.

Trứng cá là một bệnh lí da liễu thông thường nhưng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị không đúng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn liệu trình điều trị thích hợp. Ngoài ra, không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc, xuất xứ.