Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

VietTimes -- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tăng vốn điều lệ từ hơn 3.890 tỷ đồng lên mức 5.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chủ trương tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng đã được Đại hội đồng cổ đông Nam A Bank thông qua trong phiên họp thường niên ngày 23/3/2019.

Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 536,55 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phần để trả cổ tức. Tiếp đó, Nam A Bank sẽ tăng vốn thêm 1.109,9 tỷ đồng thông qua 3 phương án chào bán cổ phần.

Cụ thể, Nam A Bank sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu hơn 43,9 triệu cổ phần; chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phần; phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động 16,76 triệu cổ phần.

Hồi tháng 9/2019, sau khi được NHNN chấp thuận việc tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng, Nam A Bank đã hoàn thành việc chia cổ tức tỷ lệ 16% thông qua việc phát hành 53,65 triệu cổ phiếu.

Ngày 2/12/2019, Nam A Bank tiếp tục có công văn đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2/2019, nâng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng và được NHNN chấp thuận.

Trong thông báo phát đi, NHNN yêu cầu Nam A Bank thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, cổ đông và người có liên quan của những cổ đông này theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.

Chưa rõ việc tăng vốn đợt 2 này của Nam A Bank sẽ hướng đến đối tượng phát hành nào. Nhưng chiểu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào đầu năm 2019 thì sau đợt phát hàng cho cổ đông hiện hữu, Nam A Bank sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ và phát hành Esop cho người lao động.

Ít tháng trước, chia sẻ với VietTimes, một lãnh đạo Nam A Bank cho biết ngân hàng đã làm việc với nhiều nhà đầu tư quốc tế uy tín, đặc biệt là các quỹ đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư này đều rất hào hứng với triển vọng đầu tư vào NAB.

Sẵn sàng “lên sàn”

Năm 2019 vừa qua, Nam A Bank đã tập trung phát huy nội lực và huy động thêm nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng đầy đủ tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định, hướng tới mục tiêu đảm bảo mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đồng thời, thực hiện theo lộ trình của phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.

Những kết quả đạt được trong năm 2019 đã phần nào được thể hiện rõ.

Cụ thể, theo đánh giá xếp hạng gần nhất của Moody’s, Nam A Bank tiếp tục được duy trì mức tín nhiệm B2 đối với hạng mục tiền gửi dài hạn. Đáng chú ý, hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đánh giá triển vọng ổn định lâu dài trong hoạt động của ngân hàng này.

Tới tháng 12/2019, Nam A Bank chính thức được NHNN phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Tuân thủ theo các chuẩn mực Basel II sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn.

Về kết quả kinh doanh, sau 9 tháng đầu năm 2019, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 574 tỷ đồng (hoàn thành 71,75% kế hoạch năm). Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Nam A Bank đạt 87.820 tỷ đồng (tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm); huy động từ cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 69.145 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 63.024 tỷ đồng.

Việc nguồn vốn điều lệ tiếp tục được cải thiện cùng kết quả kinh doanh tích cực sẽ là nền tảng tích cực giúp Nam A Bank đẩy nhanh quá trình niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Đầu năm 2019, Đại hội cổ đông của Nam A Bank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE). Với việc vừa được chấp thuận tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng cùng màn chạy “rốt-đa” ấn tượng trong năm 2019, ngày “lên sàn” của cổ phiếu NAB có lẽ không còn xa./.