Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày mai (4/6/2015),
Dựa vào cơ sở nào mà Bộ trưởng tin rằng, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành (Cảng hàng không quốc tế Long Thành)?
Trước hết, nhu cầu vận chuyển hành khách ở nước ta vô cùng lớn và ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết. Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, có khoảng 600.000 thuê bao điện thoại di động chuyển vùng từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… về Thanh Hóa và cũng có khoảng 600.000 thuê bao điện thoại chuyển vùng về Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, trong dịp Tết vừa qua, đã có khoảng 1 triệu người từ di chuyển từ các nơi về Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, chưa kể đến các tỉnh miền Trung khác.
Nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế rất lớn, trong khi các loại hình giao thông về cơ bản chưa đáp ứng được thì việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không bắt buộc phải thực hiện.
Thưa ông, người dân đâu phải chỉ có lựa chọn di chuyển bằng máy bay, mà vẫn chủ yếu di chuyển bằng đường sắt, đường bộ?
Ở các nước phát triển, hệ số sử dụng hàng không gấp 2,5 - 3 lần dân số; bình quân trên thế giới, hệ số sử dụng hàng không hiện nay bằng với dân số; còn Việt Nam, hệ số này mới đạt 0,3 (với 90 triệu dân, hiện tại mỗi năm mới có khoảng 30 triệu lượt người di chuyển bằng máy bay). Nếu vận chuyển hàng không của Việt Nam bằng với mức bình quân trên thế giới, thì mỗi năm có khoảng 90 triệu lượt người sử dụng phương tiện máy bay để di chuyển, chứ không phải 30 triệu như hiện nay.
Thu nhập của người dân ngày một tăng, đời sống ngày được cải thiện, nên nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng tăng. Chỉ tính ở khía cạnh này, tôi cho rằng, việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành là tất yếu vì hiệu quả của Dự án có thể hình dung được.
Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn rất băn khoăn về dự án này?
Có lẽ, vấn đề “lăn tăn” nhất hiện nay là hiệu quả của dự án và tổ chức triển khai thực hiện thế nào. Tôi cho rằng, không phải chỉ có Quốc hội, chuyên gia kinh tế, mà ngay cả người dân cũng “lăn tăn” về điểm này.
Về mặt chủ trương đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành, tôi hy vọng rằng, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội sẽ đồng tình, nhưng ngoài vấn đề tính hiệu quả, tổ chức triển khai thực hiện, tôi cho rằng, nhiều đại biểu sẽ đặt vấn đề quản lý vận hành khai thác ra sao, sử dụng công nghệ nào để đầu tư, nguồn vốn đầu tư bao nhiêu, huy động vốn ở đâu… và một số vấn đề khác nữa.
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ làm rõ nội dung này với Quốc hội?
Hiện tại, chúng tôi chỉ mới trình báo cáo tiền khả thi để xin chủ trương đầu tư, nên mọi số liệu tính toán chỉ là khái toán, còn hết sức sơ lược. Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu báo cáo khả thi. Trong báo cáo khả thi, sẽ làm rõ tất cả những nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng Dự án.
Bao giờ Chính phủ mới có thể trình Quốc hội báo cáo khả thi Dự án Xây dựng Sân bay Long Thành?
Tại kỳ họp này, nếu Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu báo cáo khả thi, nếu nhanh thì cũng phải hơn 2 năm nữa, tức là vào Kỳ họp tháng 10/2017, Chính phủ mới trình Quốc hội khóa XIV báo cáo khả thi, vì chỉ riêng khâu tổ chức đấu thầu làm báo cáo khả thi nhanh nhất cũng phải mất 6 tháng. Báo cáo khả thi phải được Hội đồng Thẩm định nhà nước gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực phản biện độc lập về tính hiệu quả, nguồn vốn đầu tư, khả năng tổ chức khai thác… nếu thấy hiệu quả thì mới trình Quốc hội để đầu tư, nếu không hiệu quả thì tạm dừng lại.
Giả sử dự án này rất khả thi và vào Kỳ họp tháng 10/2017, Quốc hội cho phép đầu tư, theo Bộ trưởng, khi nào Sân bay Long Thành được khởi công và khi nào đi vào sử dụng?
Sớm nhất thì cũng phải đến năm 2019, hoặc năm 2020 mới có thể khởi công và đến 2025 mới đưa vào sử dụng. Trên thế giới, để xây dựng sân bay quy mô như Sân bay Long Thành chỉ mất khoảng 4 năm. Nhưng do tính “đặc thù” của Việt Nam, vì liên quan đến huy động vốn với chủ trương là phải huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, hạn chế tối thiểu phần vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách; đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian, nên thời gian kể từ khi có quyết định đầu tư đến khi đưa dự án vào sử dụng kéo dài hơn.
Cuối cùng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu tại kỳ họp này, Quốc hội cho chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng báo cáo khả thi và trình ra Quốc hội vào tháng 10/2017. Nếu Dự án thực sự có hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, cũng như nhu cầu đi lại của người dân thì mới thực hiện các bước tiếp theo để đầu tư, chứ không phải cứ Quốc hội cho chủ trương là đầu tư ngay như nhiều người suy diễn.
Theo: Báo Đầu tư