Theo đó, trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn các doanh nghiệp này đăng ký đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong năm 2017 là kỷ lục mới cả về số lượng và cả về vốn đăng ký, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.295.911 tỷ đồng, tổng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.869.322 tỷ đồng với 35.276 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn.
Nhờ đó, trong năm 2017, tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp đạt 3.165.233 tỷ đồng.
Tính bình quân, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2017. So sánh giữa năm 2017 và năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tăng 1,5 lần - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.
Về cơ cấu đầu ư vùng, trong năm 2017, khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục chiếm hơn 52% số vốn đăng lý mới, dẫn đầu nước. Tiếp sau là khu vực đồng bằng sông Hồng, bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, các khu vực còn khó khăn của cả nước vẫn thu hút được ít vốn đầu tư. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký mới, Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 4,2% và Tây Nguyên chỉ chiếm 1,9%.
Về cơ cấu vốn, năm 2017 có tới 30% vốn đăng ký với là vào kinh doanh bất động sản. Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 15,3%, xây dựng chiếm 14,7%. Vốn mới vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm 11,2%...
Lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường đó là ngành công nghiệp chế biến với 430.622 lao động, chiếm tới 37% tổng lượng lao động mới. Tiếp đó là ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng…