Hiện nay đối đầu giữa Mỹ và Nga ngày càng gay gắt, gây chú ý cho toàn thế giới. Mỹ và Nga liên tục căng thẳng trong vấn đề Syria.
Ngoài ra, các vấn đề như Ukraine, phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, giải trừ vũ khí hạt nhân và an ninh mạng cũng đều trở thành điểm bùng nổ giữa hai nước.
Đến nỗi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố "quan hệ Mỹ-Nga đã có sự thay đổi căn bản, Mỹ không chỉ đưa ra các phát biểu thù địch với Nga, mà còn áp dụng các hành động mang tính đe dọa cho an ninh của Nga".
Đúng như ông Sergei Lavrov nói, quan hệ Mỹ-Nga thực sự đã thay đổi. Có chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ-Nga thực sự đi vào "thung lũng lịch sử mới", hai bên đối đầu toàn diện trên các lĩnh vực.
Có tờ báo cho rằng đối đầu giữa Mỹ và Nga càng giống như một "cuộc chiến thần kinh" gây sức ép với nhau, mỗi bên đều đang thăm dò giới hạn của đối phương, nhưng luôn duy trì trạng thái "đấu nhau nhưng không phá".
Đối đầu Mỹ-Nga ngày càng gay gắt, đối đầu toàn diện leo thang
Gần đây, quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây khác chuyển biến đột ngột. Do mâu thuẫn giữa Mỹ-Nga trong vấn đề Syria leo thang, Mỹ tuyên bố chấm dứt tiếp xúc với Nga trong vấn đề Syria.
Hai bên lập tức triển khai đấu đá lẫn nhau ở các cấp độ, bảo vệ chặt chẽ lợi ích tự thân.
Đối đầu ở Syria
Ngày 3/10, Mỹ tuyên bố tạm dừng tiến hành đàm phán với Nga về vấn đề ngừng bắn ở Syria, đồng thời gác lại kế hoạch quân sự cùng Nga tấn công các phần tử khủng bố.
Ngay sau đó, Nga tăng thêm lực lượng quân sự ở Syria, Duma quốc gia Nga thông qua quyết định chuyển đổi căn cứ cảng Tartus thành căn cứ hải quân vĩnh cửu, Thượng viện Nga cũng phê chuẩn cho phép lực lượng không quân Nga đồn trú vô thời hạn ở Syria, tàu sân bay Kuznetsov Nga cũng đến vùng biển phía đông Địa Trung Hải, hỗ trợ Quân đội Nga đóng ở Syria và Quân đội chính phủ Syria.
Ở Liên hợp quốc
Ngày 8/10, khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành biểu quyết đối với dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria, dự thảo do Pháp và Tây Ban Nha cùng đưa ra đã bị Nga phủ quyết; trong khi đó dự thảo do Nga đưa ra đã bị Pháp, Anh và Mỹ phủ quyết.
Cuộc chiến tại Liên hợp quốc làm cho mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây tiếp tục công khai hóa. Do giận dữ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ chuyến thăm Pháp.
Đối mặt với vòng bao vây tấn công của phương Tây, ông Vladimir Putin đã đưa ra một "nắm đấm tổng hợp", tìm cách đột phá vòng vây: thiết lập lại trạm nghe lén ở Cu Ba, muốn "quay trở lại" vịnh Cam Ranh (hai căn cứ này đều là trận địa tuyến đầu đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh), thậm chí tiếp tục mạnh mẽ triển khai tên lửa Iskander có thể lắp đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad - khu vực giữa Lithuania và Ba Lan.
Triển khai mạnh mẽ "tấn công mạng"
Đương nhiên, Mỹ cũng không bỏ qua cho Nga, đã đẩy mạnh cuộc "khẩu chiến" với Nga trong không gian mạng.
Bộ An ninh Lãnh thổ và Văn phòng Tình báo quốc gia Mỹ chỉ trích Chính phủ Nga dính dáng đến hoạt động tin tặc, có ý đồ can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Ngày 14/10, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận với báo giới Mỹ về kế hoạch "tấn công mạng" của Nga, sự kiện lần này càng gây xôn xao.
Đối với vấn đề này, quan chức Nga đáp trả mạnh mẽ, cho rằng Mỹ phát động "tấn công mạng" đối với Nga là một hành động chủ nghĩa khủng bố nhà nước, tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga.
Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại?
Có tờ báo Anh cho rằng cùng với các mối đe dọa về ngôn ngữ và hành động giữa Mỹ và Nga leo thang, bức màn sắt mới bắt đầu được thiết lập, độ nóng trong tranh đoạt ưu thế địa-chiến lược giữa Mỹ và Nga không giảm đi mà tăng lên, gây cảm giác Chiến tranh Lạnh quay trở lại.
Nhưng có chuyên gia cho rằng mặc dù hai bên đối đầu toàn diện, nhưng hai nước hoàn toàn không quay trở lại với "Chiến tranh Lạnh". Với quy mô nền kinh tế hiện nay, Nga không thể đối đầu với Mỹ, huống hồ Nga và Mỹ đều không muốn huy động sức mạnh cả nước để khởi động lại Chiến tranh Lạnh.
Đồng thời giữa các nước phương Tây cũng có nhiều mâu thuẫn, hoàn toàn không hình thành một tiếng nói chung đối với bên ngoài, vì vậy cũng không thể hình thành cuộc đối đầu giữa các nhóm quốc gia như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Các chuyên gia phổ biến cho rằng, là nước lớn hạt nhân có thực lực đáng kể, cho dù trong giai đoạn đối đầu gay gắt nhất trong lịch sử, hai nước Nga và Mỹ cũng sẽ tránh để xảy ra "lau súng cướp cò", từ đó dẫn tới xung đột vũ trang trực tiếp.
Đánh mạnh "cuộc chiến thần kinh"
Mặc dù khả năng quay trở lại cục diện Chiến tranh Lạnh không lớn, nhưng có tờ báo cho rằng đối đầu giữa Mỹ và Nga càng giống với một "cuộc chiến thần kinh" gây sức ép lẫn nhau, luôn duy trì một trạng thái "đấu nhau mà không phá".
Tờ Quan điểm Nga ngày 12/10 cho rằng quan hệ Nga-Mỹ nhiều lần xuất hiện xung độ cường độ cao như đối đầu gay gắt sau cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng hai bên mỗi lần đều có thể khôi phục trạng thái tương đối ôn hòa sau khi xảy ra va chạm. Loại giằng co liên tục này thực ra là một "cuộc chiến thần kinh" gây sức ép với nhau.
Căn cứ vào giao tranh của hai nước trên các lĩnh vực thời gian gần đây, bao gồm Mỹ và Nga xảy ra xung đột ở nước khác liên quan đến lợi ích nước mình, gửi công hàm ngoại giao, khẩu chiến, trừng phạt và chống trừng phạt, đóng băng quan hệ trên một số lĩnh vực... nhưng đồng thời hai bên vẫn duy trì quan hệ trên những lĩnh vực quan trọng khác.
Trong cuộc đấu này, hai bên không tiếp tục tranh giành chiến thắng về ý thức hệ, mà là bảo vệ chặt chẽ lợi ích chủ quyền của mỗi bên. Chính vì vậy, hai bên luôn có thể duy trì kiềm chế tương đối, không dám tùy tiện gây chiến.
Vì vậy, có tờ báo Nga cho rằng xung đột mới nhất lần này giữa Nga và Mỹ mặc dù có cường độ lớn, tính nguy hiểm cao, nhưng hai bên cần tìm kiếm biện pháp làm dịu quan hệ.