|
Mỹ vừa tung ra đòn trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga (Ảnh: Reuters) |
Sau quyết định của Mỹ, Anh cũng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay, tuy nhiên các đồng minh châu Âu của Mỹ vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga vẫn tỏ ra do dự về vấn đề này.
Động thái của chính quyền Biden là diễn biến mới nhất trong hàng loạt đòn trừng phạt và hạn chế xuất khẩu mà các nước phương Tây áp đặt đối với ngân hàng, tỉ phú và những ngành công nghiệp chiến lược của Nga, nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine.
“Người Mỹ đã đồng lòng ủng hộ người dân Ukraine và làm rõ rằng chúng ta sẽ không trợ cấp cho cuộc chiến của ông Putin” – Tổng thống Biden nói, thêm rằng động thái mới được đưa ra sau khi tham vấn với các đồng minh châu Âu – “Chúng tôi đoàn kết và mục đích của chúng tôi là duy trì sức ép tăng dần đối với ông Putin cùng cỗ máy chiến tranh của ông ta.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay đất nước ông sẽ giảm dần lượng dầu và các sản phẩm liên quan nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022, để cho ngành công nghiệp này có thời gian điều chỉnh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng châu Âu tạm thời không tham gia cấm dầu của Nga bởi việc tách khỏi nguồn cung từ Moscow “không thể thực hiện trong một đêm”, nhưng Brussels nói rằng họ muốn giảm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập từ Nga trong năm nay.
Đòn cấm vận này phản ánh lại quan điểm cứng rắn của Mỹ. Ban đầu, ông Biden tìm cách “đi trên dây” bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, cùng lúc vẫn cố gắng không gây ra tác động tới người tiêu dùng Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, khi làn sóng phẫn nộ về cuộc xung đột ở Ukraine tăng dần, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cảm thấy rằng họ sức ép với họ đang tăng dần và cần phải làm nhiều hơn để trừng phạt ông Putin. Xuất khẩu năng lượng là một lĩnh vực giúp Moscow thu về nguồn ngoại tệ dồi dào, mặc dù ngành này cũng đã chịu không ít biện pháp trừng phạt hà khắc.
Tổng thống Biden cũng đưa ra lý do mà ông áp dụng các biện pháp cấm vận khắc nghiệt, và dự đoán tác động của chúng đối với Moscow.
“Chúng tôi đang thực thi gói lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất trong lịch sử” – ông nói, thêm rằng 1 đồng Ruble của Nga giờ chỉ có giá bằng 1 xu của Mỹ - “Điều này khiến nền kinh tế Nga khá suy sụp.”
SWIFT – “vũ khí hạt nhân tài chính” phương Tây vừa sử dụng với Nga
Nhằm ngăn chặn tình trạng giá cả gia tăng và tránh cho nguồn cung bị khan hiếm, giới chức Mỹ nói rằng chính quyền đang cân nhắc giảm bớt lệnh cấm vận đối với dầu xuất khẩu của Venezuela, và cố gắng thuyết phục Arab Saudi tăng sản lượng dầu. Washington cũng mở cửa kho dự trữ chiến lược của họ và cảnh báo các công ty không được lợi dụng tình hình hiện nay để thu lợi.
Trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Biden đã tỏ ra rất thận trọng không đi quá xa trước châu Âu để thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo ra sức ép hữu hiệu hơn đối với Nga. Mặc dù Washington đưa ra động thái mới một cách gần như đơn độc, nhưng ông Biden cho rằng các đồng minh châu Âu sẽ sớm tham gia.
“Chúng tôi đưa ra lệnh cấm này với tâm thế rằng nhiều đồng minh và đối tác ở châu Âu có thể không tham gia” – ông Biden nói – “Mỹ sản xuất dầu với khối lượng vượt xa toàn bộ châu Âu. Bởi vậy chúng tôi có thể đi bước này trong khi những nước khác không thể.”
Nhưng ông nói Mỹ đang làm việc chặt chẽ với châu Âu để phát triển một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, thêm rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể tạo động lực cho phương Tây chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái sinh.
Trong năm 2021, Mỹ nhập 672.000 thùng dầu/ngày từ Nga, chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu và sản phẩm năng lượng mà nước này tiêu thụ; theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Ngoài sản lượng trong nước, phần lớn nguồn cung năng lượng của Mỹ đến từ Canada, Mexico và Arab Saudi. Châu Âu nhập khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga.
Trong lúc chính quyền Biden đang cân nhắc về lệnh cấm dầu Nga những ngày gần đây, họ đã phải đối mặt với sức ép lớn từ Quốc hội. Nhiều dự luật được cả hai viện đưa ra nhằm chặn dầu xuất khẩu của Nga. Trong hôm 8/3, ông Biden kêu gọi các nhà lập pháp thông qua khoản ngân sách 12 tỉ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine.
Tổng thống Biden cũng thừa nhận rằng lệnh cấm mới đi kèm với sự hy sinh. Giá khí đốt ở Mỹ đã tăng hơn 40% trong năm vừa qua và lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Ngay trước khi ông Biden công bố đòn cấm vận mới, Moscow đã đe dọa đóng đường ống dẫn dầu tới Đức và thêm rằng phương Tây sẽ phải chịu mức giá lên tới 300 USD/thùng dầu – từ mức 130 USD/thùng hiện tại, nếu như công bố lệnh cấm.