Một quan chức không lực Mỹ đã lần đầu tiên công khai nói về việc lực lượng này đang lên kế hoạch sử dụng chiến đấu cơ tối tân F-35 trong một cuộc chiến với Trung Quốc.
“Nếu các ngài đưa các chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-15 hay F-16 vào cuộc chiến đó, chúng sẽ bị tiêu diệt”, tướng Jeff Harrigian, người đang chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tích hợp các chiến đấu cơ F-35 vào lực lượng không quân nhận xét. Tướng Harrigian và đại tá Max Marosko, phó giám đốc phụ trách tác chiến không quân và không gian mạng thuộc lực lượng không quân Thái Bình Dương tại Hawaii đã nêu chi tiết chiến đấu cơ F-35 tác chiến như thế nào trong một báo cáo mới do Viện Mitchell công bố.
Giới chức Không lực Mỹ thường xuyên thảo luận về việc làm thế nào để những công nghệ tiên tiến của F-35 và các chiến đấu cơ khác sẽ giành được ưu thế trên chiến trường, nhưng bản báo cáo mới này đã nêu ra những chi tiết chưa từng có từ giới chức cao cấp về việc máy bay F-35 có thể được sử dụng ra sao trong chiến tranh.
Trong một cuộc chiến giả định diễn ra vào năm 2026, kẻ địch cố gắng gây nhiễu tín hiệu radar và vô tuyến, Mỹ chỉ có thể cho phép các chiến đấu cơ tàng hình như F-22, F-35 và các máy bay ném bom B-2, B-21 hoạt động an toàn và tấn công các mục tiêu, được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa phòng không di động.
Lầu Năm Góc sẽ tung các chiến đấu cơ phản lực hoạt động theo từng nhóm nhỏ trên Thái Bình Dương tới các sân bay quân sự và dân sự, một số nằm cách xa chiến trường tới 1.000 dặm nhằm đề phòng kẻ địch tấn công hủy diệt căn cứ bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hiện nay, Lầu Năm góc có xu hướng tập trung phần lớn các máy bay của mình các siêu căn cứ khu vực.
Theo hai ông Harrigian và Marosko, trong những ngày đầu xung đột, các chiến đấu cơ F-35 chỉ thỉnh thoảng mới trở lại các căn cứ. Những chiếc F-35 này phải phân tán tới các sân bay dân sự. Khi đó, các chiến đấu cơ F-22 và F-35 sẽ không cần hoa tiêu kiểm soát trong khi chúng được trang bị các siêu máy tính công nghệ cao sẽ dẫn đường tới các đường băng, thậm chí ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Các chiến đấu cơ thế hệ cũ như F-15 và F-16 sẽ dễ bị radar của kẻ địch phát hiện hơn, phải bay ở khoảng cách xa chiến trường, bên ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không tầm xa chết chóc.
Bản báo cáo không nêu tên kẻ địch là Trung Quốc, thay vào đó chỉ nói rằng cuộc chiến giả định xảy ra tại “một vùng then chốt ở nước ngoài”, nơi một kịch bản chi tiết nêu rõ chiến đấu cơ F-35 phải phân tán tới căn cứ tại Úc. Theo DefenseOne, chỉ Trung Quốc và Nga mới sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 5 cũng như hệ thống phòng thủ tiên tiến, máy bay F-35 sẽ được triển khai đối phó, trong khi Nga nằm ngoài tầm chiến đấu (khiến người ta dễ dàng suy luận kẻ địch giả định ở đây chính là Trung Quốc).
Úc được trông đợi sẽ sử dụng các chiến đấu cơ F-35 trong tương lai và có thể sửa chữa bất cứ chiến đấu cơ F-35 Mỹ nào bị hư hại trong chiến đấu. Tuy nhiên, DefenseOne lưu ý các kế hoạch tương tự có thể được áp dụng trong một cuộc chiến với Nga.
Theo Harrigian và Marosko, để giành chiến thắng trong cuộc chiến tương lai này, cần rất nhiều thay đổi trong cách thức Lầu Năm Góc sử dụng các chiến đấu cơ của mình. Các máy bay F-22 và F-35 phải bay làm nhiệm vụ thường xuyên hơn. Không giống như phần lớn các nhiệm vụ hiện nay, chúng sẽ nhận thông tin mục tiêu từ trung tâm chỉ huy thông qua hệ thống máy tính công nghệ cao và thiết bị liên lạc khi bay tới chiến trường. Liên lạc giữa các máy bay cũ và mới cũng sẽ phải cải thiện nhiều.
Không quân Mỹ cần phải triển khai các chiến đấu cơ F-22 và F-35 một cách nhanh chóng hơn từ các căn cứ tại Mỹ kề từ khi kẻ địch có thể di chuyển xung quanh chiến trường. Và khi triển khai, chúng phải thực hiện với ít thiết bị và con người hơn.
Những máy bay thế hệ 5 mới hơn cũng cần thu thập và tải dữ liệu về trung tâm chỉ huy và các máy bay khác một cách mau lẹ hơn. Tướng Harrigian cho biết cơ sở dữ liệu cũng cần được đưa lên đám mây dữ liệu nhanh hơn. Sẽ cần độ tin cậy rất lớn vào tất cả những dữ liệu trên.
Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy sự thảo luận về cách thức sử dụng những chiến đấu cơ phản lực tối tân nhất của Mỹ trên chiến trường trong sự phối hợp với các chiến đấu cơ và lực lượng cũ hơn của Mỹ và các đồng minh. Tướng Harrigian cho biết còn rất nhiều việc cần phải làm.
Các chiến đấu cơ thế hệ 5 nhờ cậy vào việc sở hữu một sự tích hợp khả năng tàng hình, máy tính công nghệ cao và các cảm biến tối tân cho phép hoạt động như một tiền vệ bóng đá trên chiến trường, thu thập dữ liệu và chia sẻ thông tin tình báo cũng như thông tin mục tiêu với các máy bay khác. tTất cả sẽ trở nên tốt hơn khi một chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-22 hay F-35 bay trên chiến trường, tướng Harrigian quả quyết.
Thời gian công bố báo cáo đáng chú ý trong bối cảnh không lực Mỹ được trông đợi sẽ tuyên bố phi đoàn F-35 đầu tiên sẵn sàng lâm chiến vào giai đoạn giữa tháng 8 hoặc tháng 9 tới. Điều đó có nghĩa một tư lệnh quân sự khu vực có thể yêu cầu các máy bay này tham chiến. Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố các máy bay F-35 của họ đã sẵn sàng tham chiến từ năm ngoái, nhưng chúng vẫn chưa được sử dụng trong các chiến dịch không kích chống IS, trong cuộc chiến ở Afghanistan hay tại châu Phi.
Tướng Harrigian vốn là một phi công lái F-22, sẽ sớm nắm giữ trọng trách tổng chỉ huy chịu trách nhiệm các chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria.
Các chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 đã sẵn sàng tham chiến từ năm 2005 nhưng không được triển khai mãi cho tới năm 2014, khi các chiến đấu cơ Mỹ bắt đầu không kích thành trì của IS tại Syria, nơi được cho là có hệ thống phòng không khá tinh vi.