|
Hình ảnh chụp từ vệ tinh tại Phú Lâm trước và sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa - Ảnh: Fox News/Đồ họa: |
Gần đây, báo chí Mỹ đặc biệt quan tâm đến sự kiện Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trong mắt các phương tiện truyền thông Mỹ, hành vi quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc trở thành “căn nguyên gây ra xung đột trên biển Đông”.
Ngày 22/2, Defense News của Mỹ đã đăng tải bài viết tuyên bố, nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng lắp đặt hệ thống vũ khí tân tiến trên biển Đông, sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ. Defense News kêu gọi các nước trên biển Đông cần tăng cường hệ thống máy bay tuần tra trên biển để đối phó với Trung Quốc.
Tên lửa hành trình Tomhawk của Mỹ có thể áp đảo tên lửa HQ-9 của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ còn được đà lấn tới
Theo Defense News, cách đây không lâu, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter đệ trình lên Lầu Năm Góc bản dự toán ngân sách năm 2017, bản dự toán này nhấn mạnh Trung Quốc là “một trong những đối thủ cần coi trọng nhất”, đồng thời cho biết quân đội Mỹ đang dùng một khoản ngân sách riêng biệt để “nhằm vào sức mạnh quân sự của Trung Quốc”.
Hai tuần sau, Trung Quốc đưa 2 hệ thống tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Defense News chỉ ra rằng, hành động này là một trong những động thái mới nhất trong rất nhiều kế hoạch nhằm bảo đảm cho ưu thế của quốc gia này trong khu vực.
Ông Ben FitzGerald – chuyên gia của Trung tâm an ninh mới của Mỹ cho rằng, mặc dù việc lắp đặt HQ-9 không “gây trở ngại cho thực lực của quân đội Mỹ tại khu vực này”, tuy nhiên đã chứng thực cho mối lo ngại của Mỹ rằng “hành động này của Trung Quốc sẽ được nhân bản sang cả khu vực”, đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với Mỹ.
Đồng thời nó phản ánh một điều rằng, chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập mà Mỹ quan tâm là hoàn toàn đúng đắn. Tạp chí National Interest (Mỹ) cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cho rằng đây là hành động mang tính thăm dò của chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc đối với biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai “gần 10 máy bay chiến đấu” gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 đến đảo Phú Lâm, theo đài Fox News ngày 23.2 dẫn lời 2 quan chức Mỹ.
Cựu Phó tư lệnh hải quân Mỹ Robert Martinage cho biết: “Đối với lực lượng không quân Mỹ, việc bố trí HQ-9 ở Hoàng Sa không mang tính hủy diệt, tuy nhiên hành động này “dự báo tương lai sẽ xảy ra điều gì”. Nếu Trung Quốc mở rộng lắp đặt các hệ thống phòng ngự tiên tiến theo kiểu đó, sẽ tạo ra “đòn chấn động mạnh đối với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ”.
Ông Robert Martinage cũng chỉ ra rằng, trong thời bình, Trung Quốc có thể dùng radar theo dõi chiến cơ của Mỹ, gia tăng nguy cơ xảy ra những sự kiện ngoài ý muốn; Đến khi xảy ra chiến tranh, họ sẽ đưa cả khu vực lân cận nằm dưới sự đe dọa trực tiếp của họ”.
Trước những lời chỉ trích của báo Mỹ, một số chuyên gia quân sự của Trung Quốc thì biện minh rằng, nếu đứng trên góc độ đơn thuần về chiến thuật, do diện tích quần đảo Hoàng Sa nhỏ, cho dù là tên lửa phòng không hay tên lửa chống tàu đều không thể giấu diếm hành tung của mình thông qua cơ động, khả năng sinh tồn dưới sự tấn công cường độ cao không lớn.
Nếu ý đồ thật của Trung Quốc là thực hiện uy hiếp về quân sự ở biển Đông, cử tàu khu trục được trang bị tên lửa phòng không với tính năng cao và tên lửa chống tàu, hiệu quả thực tế cũng cao hơn nhiều so với việc bố trí tên lửa trên đảo. Do đó, mối “lo ngại” của tờ Defense News là quá thừa, chỉ nhằm mục đích tìm cớ cho Mỹ nhúng tay vào các sự vụ ở biển Đông, giới quân sự Trung Quốc cáo buộc.
Tranh thủ thời cơ thúc đẩy “chiến lược phản đòn thứ ba”
Trước thực tế Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự ở biển Đông, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường đầu cư ngân sách cho hoạt động nghiên cứu chiến lược đối đầu chống tiếp cận. Bài báo viết, năm 2017, Mỹ chi khoảng 3 tỉ USD cho sách lược đối đầu chống tiếp cận/chống xâm nhập - tức “chiến lược phản đòn thứ ba” lần thứ ba mà Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter và thứ trưởng quốc phòng Bob Walker cực lực ủng hộ.
Ngày 7/11/2014, trong bản báo cáo dẫn tại Diễn đàn quốc phòng Reagn tổ chức tại California, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi ấy là Chuck Hagel đã đưa ra lời đề nghị mới về “kế hoạch đổi mới quốc phòng” bằng cách đầu tư công nghệ và hệ thống hiện đại nhất”, ông Hagel gọi kế hoạch là là “chiến lược phản đòn thứ ba” của Mỹ.
Theo tạp chí The Week,chiến lược Phản đòn thứ nhất ra đời từ thập niên 1950 nhằm đối phó với thế mạnh của Liên Xô trong mảng bộ binh quy ước bằng những dòng vũ khí hạt nhân chi phí thấp. Chiến lược Phản đòn thứ hai được thai nghén vào thập niên 1980 bao gồm các kế hoạch đẩy mạnh phát triển công nghệ mới đột phá để bù đắp sự thua sút về quân số so với Liên Xô. Với chiến lược Phản đòn thứ ba, Lầu Năm Góc tìm cách duy trì ưu thế quân sự toàn cầu với ngân sách eo hẹp hơn trước sự vươn lên của các bên khác.
Lầu Năm Góc cho rằng, trước chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc, nếu dựa vào các biện pháp truyền thống sẽ không thể duy trì thế mạnh về kỹ thuật của quân đội Mỹ, do đó cần tập trung phát triển kênh tấn công từ xa phản ứng thần tốc. Mỹ cần tăng cường cải tiến các loại vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa hành trình Tomahawk, chúng sẽ phát huy vai trò hết sức quan trọng đánh bại các hệ thống phòng thủ như HQ-9 của Trung Quốc trong các cuộc xung đột trực tiếp, có thể quân đội Mỹ cần sử dụng vũ khí tấn công ở ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không, hoặc huy động máy bay chiến cơ tảng hình F-35 để xuyên thấu không phận mà tên lửa Trung Quốc bảo vệ.
Tàu chiến đấu ven biển USS Independent (LCS-2) của Mỹ do tập đoàn Austal đóng mới.
Một bài phân tích khác có tên Tư lệnh hải quân: Thái Bình Dương thật sự cần tàu chiến đấu ven biển, bài viết dẫn lời của tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Joseph P. Aucoin nhấn mạnh: “Đối với khu vực này, tàu chiến đấu ven biển là loại tàu chiến lý tưởng. Tôi thích tính năng kích thước, năng lực đa nhiệm vụ của chúng, và chúng vẫn còn không gian để phát triển”. Mỹ đã bố trí thay phiên nhiều tàu chiến đấu ven biển ở Singapore, các tàu chiến này liên tiếp đi vào biển Đông tuần tra và tập trận.
Trong bài phỏng vấn, ông Joseph P. Aucoin ám thị rằng, tàu chiến đấu ven biển có thể dùng để đối phó với các tàu loại nhỏ của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Joseph P. Aucoin cho biết, ngoài việc tăng cường bố trí tàu cảnh sát biển lớn mới, Trung Quốc còn có rất nhiều tàu nhỏ, “đã quen với việc sử dụng các chiến thuật cấp tiến, thậm chí là phá hoại tàu thuyền của các quốc gia khác”.
Với kế hoạch mà Mỹ vừa mới tuyên bố, dù là bố trí tên lửa hành trình Tomhawk cải tiến, vũ khítấn công liên hợp ngoài khu vực phòng không, hay gia tăng số lượng tàu chiến đấu ven biển ở châu Á – Thái Bình Dương đều là kế hoạch Mỹ đã tiến hành từ lâu. Chắc chắn các chương trình này của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng.
Liên kết các nước đối đầu với Trung Quốc
Ngoài việc sử dụng cây gậy quân sự, Mỹ còn tăng cường liên kết các nước trên biển Đông chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Defense News nhấn mạnh, trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp trái phép đảo nhân tạo và tăng cường quân sự hóa biển Đông như hiện nay, máy bay tuần tra tại cuộc triển lãm hàng không ở Singapore đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận.
Các hành động gần đây của Bắc Kinh đã khiến mối quan hệ căng thẳng trong khu vực leo thang rõ rệt. Vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong cuộc triển lãm hàng không ở Singapore là máy bay tuần tra và máy bay chống ngầm, rất nhiều công ty phương Tây tranh thủ cơ hội khuyên các nước trong khu vực thay thế hệ thống vũ khí cũ của mình.
Đ.Q