Bà Symonds, 31 tuổi, mới đây đã xin thị thực tới Mỹ vì có công chuyện cần giải quyết trong một vài ngày, nhưng chính quyền Mỹ đã không cấp thị thực cho bà, do bà từng có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới quốc gia Đông Phi. Hiện bà Symonds đang cố gắng giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể; tuy nhiên vụ việc đã trở thành một nỗi xấu hổ đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Được biết, bà Symonds từng đến Somaliland cùng với bạn trai cũ là Nimco Ali - một nhà hoạt động chống lại hủ tục cắt âm vật ở Somaliland - quốc gia tách ra khỏi nước láng giềng Somalia từ năm 1991. Cặp đôi này đã có cuộc gặp với Tổng thống tự xưng của Somaliland Muse Bihi Abdi để thảo luận về vấn đề ô nhiễm biển và những hủ tục đối với phụ nữ.
Anh hiện là một trong số ít các quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Somaliland và là 1 trong 8 quốc gia công nhận hộ chiếu của nước này - trong khi Mỹ không nằm trong số đó.
Hiện chưa rõ liệu bà Symonds có nộp đơn xin thị thực thông qua Hệ thống Điện tử Ủy quyền Du lịch (ESTA) của Mỹ hay không, nhưng nếu làm vậy, lịch sử di chuyển của bà chắc chắc sẽ bị nắm rõ. ESTA là một hệ thống tự động sẽ quyết định xem du khách có thể vào nước Mỹ trong khoảng thời gian 90 ngày mà không cần thị thực - miễn là họ không gây rủi ro an ninh.
Mẫu đơn của ESTA còn thêm vào một câu hỏi từ năm 2016: "Bạn đã từng di chuyển tới Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia hay Yemen vào ngày hoặc sau ngày 1/3/2011 hay không?". Nếu trả lời "có" với câu hỏi này, du khách chắc chắn bị ESTA từ chối.
Bà Symonds trong chuyến thăm tới Somaliland hồi năm ngoái (Ảnh: AMP)
|
Bà Symonds xin thị thực tới Mỹ là để thực hiện công việc với Oceana - một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu bảo vệ các đại dương. Hiện bà đang phải chạy đua với thời gian để giải quyết vấn đề, bởi không thể đề nghị Phố Downing can thiệp bởi bà không có đội ngũ nhân viên của mình trong chính phủ.
Trước đây, khi dọn tới Số 10 Phố Downing, giới chức Anh khẳng định rằng việc này "sẽ không tốn thêm tiền thuế của người dân".
Tờ Daily Mail dẫn một nguồn tin ngoại giao nói: "Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết kịp thời để bà Symonds có thể tới Mỹ như kế hoạch". Hiện cả bà Symonds và Phố Downing đều chưa đưa ra bình luận gì về sự việc.
Khu vực Somali từ lâu đã là nơi tràn ngập bạo lực do các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và Al Shabaab. Năm 1993, các lực lượng Somalia đã sát hại 18 binh sỹ đặc nhiệm Mỹ sau khi bắn hạ 2 chiếc trực thăng Black Hawk ở thủ đô Mogadishu. Sự kiện này sau đó còn được chuyển thể thành bộ phim có tên "Black Hawk Down" công chiếu năm 2001.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận sau khi yêu cầu nghị sỹ Ilhan Omar - công dân Mỹ gốc Somalia - "trở về" đất nước của bà.
Thủ tướng Anh Johnson sẽ không đi cùng bạn gái mình tới Mỹ bởi ông còn bận tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp vào cuối tuần này. Ông Johnson sinh trưởng tại thành phố New York, Mỹ nhưng vào năm 2016 ông đã từ bỏ quyền công dân của mình sau khi bị các cấp chính quyền nước này báo khoản thuế lên tới 5 con số.
Theo news.com.au