Mỹ - Trung thỏa hiệp, thế giới đã thực sự bình yên?

VietTimes -- Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 về quan hệ thương mại. Kinh tế thế giới đã phản ứng bằng nhiều tín hiệu tích cực, thị trường chứng khoán khởi sắc, dự báo tăng trưởng khả quan hơn. Tuy nhiên thế giới đã thực sự “bình yên” khi bủa vây chung quanh vẫn là rất nhiều điều chưa chắc chắn.
Thỏa thuận Mỹ - Trung vẫn rất "mong manh" (Nguồn: Internet)
Thỏa thuận Mỹ - Trung vẫn rất "mong manh" (Nguồn: Internet)

Trung Quốc hứa…nhưng chưa chắc sẽ thực hiện

Nông nghiệp gần như là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ trong thương chiến. Theo tuyên bố từ Washington, để đạt được thỏa thuận thương mại, Trung Quốc hứa nâng lượng nhập khẩu nông sản Mỹ thêm 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra rất hoài nghi về cam kết này. Bà Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại châu Á nhận định về giá trị nông sản mà Trung Quốc cần nhập khẩu là “crazy amount” (tạm dịch “khối lượng điên rồ”).

“Tôi dám cá là mình sẽ lại quay về đây, và bàn luận tiếp về những vấn đề này trong thời gian ngắn, kể cả khi chúng ta ký kết được thỏa thuận. Bởi lẽ, khả năng của Trung Quốc để đáp ứng được mong muốn của ông Trump là có giới hạn”, bà Deborah Elms nhấn mạnh.

Phía Trung Quốc luôn tỏ ra rất thận trọng với những tuyên bố của mình, khi cho biết họ sẽ mua theo điều kiện thị trường và tuân theo những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bà Deborah Elms cắt nghĩa: “Họ đã giương một tấm cờ đỏ, với nội dung rằng: Chúng tôi có thể đã hứa, tuy nhiên hãy cẩn thận, vì nếu điều kiện thị trường không cho phép, chúng tôi có thể không thực hiện được lời hứa.”

Mỹ vẫn có thể tăng thuế lại

Mặc dù, truyền thông thế giới liên tục nhấn mạnh về sự sốt ruột của Trung Quốc trong việc cần có 1 thỏa thuận thương mại. Và Tổng thống Mỹ cũng cho rằng Mỹ sẽ không “vội vàng”. Tuy nhiên, ngay khi Mỹ đưa ra rất nhiều tin tức về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thì phía Trung Quốc lại tỏ ra khá bình thản.

Cùng ngày Tổng thống Trump thông báo trên Twitter về việc đã có được tiếng nói chung với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một cuộc họp báo tại Bắc Kinh cũng được tổ chức. Tại đây, các quan chức Trung Quốc cũng cho biết đạt được tiến bộ quan trọng của thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ. Tuy nhiên, đều bỏ ngỏ về những nội dung chi tiết của thỏa thuận.

Không chỉ giới chuyên gia lo ngại về việc Trung Quốc sẽ không thực hiện đúng như những gì ông Trump tuyên bố, mà cả giới lãnh đạo Mỹ cũng không loại trừ khả năng này.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer cho biết hai bên sẽ ký kết thỏa thuận vào tháng 1. Mỹ sẽ nới lỏng hàng rào thuế quan lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng cũng không hứa sẽ không tăng thuế trở lại. Ông Robert cho rằng đây là một quyết định khôn ngoan, vì không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra những yêu sách khác.

Trung Quốc suốt thời gian qua đã luôn chứng minh việc là bên “bị hại”, tuy nhiên lý do ông Trump khơi mào cho cuộc chiến thương mại không phải là không hợp lý.

Bản thân Trung Quốc đã có rất nhiều sự bành trướng về kinh tế, chính trị trong thời gian qua, và nhiều chuyên gia đã tỏ ra đồng tình rằng Trung Quốc cần tuân thủ luật chơi toàn cầu.

Chủ nghĩa dân túy vẫn đang dẫn dắt kinh tế toàn cầu?

Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng đang có động thái đánh thuế lên nhiều loại hàng hóa từ các nền kinh tế khác. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết cơ quan này đã ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% đối với một số loại thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Mỹ cho biết đã xác định một số loại thép chống gỉ và thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để né thuế.

Đầu năm nay, Mỹ đã công bố một danh sách dài hàng hóa Châu Âu trị giá hơn 10 tỷ USD, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế lên các sản phẩm này. Mức áp thuế lên đến 100% đối với một số loại hàng hóa.

Trong một động thái mới nhất, đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một danh sách bổ sung những mặt hàng đến từ châu Âu đang được đưa vào tầm ngắm thuế quan, trong đó có các sản phẩm như: dầu ô liu từ Tây Ban Nha, phô mai Pháp, dao thái Đức, cá phile Bồ Đào Nha./.