|
Dự án Khu nghỉ dưỡng Dara Skor ở Kokong, Campuchia với sân bay khổng lồ bị nghi ngờ dùng cho quân sự do Công ty Youlian thuê đất 99 năm để xây dựng (Ảnh: 168.com). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 16/9, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một tuyên bố cho biết Tập đoàn Phát triển Ưu Liên Thiên Tân (Tianjin Youlian Investment Development Group Company Ltd.) đã bị đưa vào danh sách đen vì tham gia vào Dự án Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor (Thất Tinh Hải). Ngoài khu nghỉ dưỡng, Tập đoàn Youlian cũng đang xây dựng một sân bay quốc tế lớn ở đó. Tuyên bố nêu rõ chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các dự án liên quan của Tập đoàn Youlian để hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới và lo ngại về tuyên bố của người phát ngôn chính phủ Campuchia rằng Dara Sakor có thể được chuyển đổi thành căn cứ quân sự.
Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra rằng sự hiện diện lâu dài của quân đội Trung Quốc ở Campuchia sẽ đe dọa sự ổn định khu vực, phá vỡ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cùng các cơ hội cải thiện an ninh trên biển và duy trì tự do hàng hải và hàng không. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng, dự án mà Tập đoàn Youlian bỏ vốn đầu tư đã xua đuổi người dân Campuchia khỏi đất đai của họ, phá hoại môi trường và hủy hoại sinh kế của cộng đồng địa phương. Bộ Tài chính cho rằng, Tập đoàn Youlian sau khi lấy danh nghĩ thực thể của Campuchia để có được dự án phát triển Dara Sakor, lại là công khai trở lại là một doanh nghiệp Trung Quốc.
Hồi năm 2018, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã viết thư cho chính phủ Campuchia để nêu quan điểm về việc Mỹ lo ngại rằng sân bay này có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự. Chính phủ Campuchia khi đó đã phủ nhận việc họ cho phép PLA đóng quân.
|
Phối cảnh sân bat Dara Sakor (trên) và hoạt động thi công đang triển khai (Ảnh: Đông Phương).
|
Cũng liên quan đến vấn đề này, trang web VOA tiếng Trung ngày 16/9 đưa tin Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/9 cho biết công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Youlian Development Group Co., Ltd. (UDG) đã bị xác định là mục tiêu chịu trừng phạt vì chiếm giữ và phá hủy đất đai của người dân địa phương trong quá trình phát triển dự án Dara Sakor ở Campuchia.
OFAC đã xác định trừng phạt thực thể thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này theo Sắc lệnh hành pháp số 13818 được lập ra và thực hiện trên cơ sở “Đạo luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu”. Sắc lệnh này nhắm vào những thủ phạm và những người ủng hộ họ vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và tham nhũng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng một số hoạt động của Tập đoàn Youlian được thực hiện thông qua Kun Kim, một tướng lĩnh cấp cao của Campuchia. Viên tướng này đã bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là mục tiêu bị trừng phạt vào ngày 9/12/2019 vì liên quan đến tham nhũng.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết trong một tuyên bố: “Sau khi đăng ký giả dối với tư cách là một thực thể thuộc sở hữu của người Campuchia để lấy đất cho dự án phát triển Dara Sakor, Youlian đã khôi phục quyền sở hữu thực sự của họ đối với dự án này và tiếp tục hoạt động mà coi như không có bất kỳ hậu quả nào. Mỹ cam kết sử dụng tất cả quyền hạn của mình để chống lại những cách làm này, bất kể chúng xảy ra ở đâu”.
|
Sân bay Dara Sakor đang được xây dựng rất nhanh (Ảnh: VOA).
|
Bộ Tài chính Mỹ cho biết khu đất được cung cấp cho Youlian kéo dài đến Vườn quốc gia Botum Sakor được bảo vệ của Campuchia. Thông qua tướng Kun Kim, Tập đoàn Youlian đã sử dụng quân đội Campuchia để uy hiếp dân làng địa phương và giải phóng khu đất cần thiết để xây dựng dự án Dara Sakor của Youlian. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cũng nêu rõ tướng Kun Kim đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Youlian và thu được lợi ích tài chính đáng kể từ nó.
Theo VOA, Dara Sakor là một dự án quy mô lớn của Tập đoàn Youlian, Trung Quốc tại tỉnh Kok Kong, Campuchia với kinh phí 3,8 tỷ USD. Ngày 9/5/2008, Youlian ký thỏa thuận với chính phủ Campuchia thuê 36.000 ha đất với thời hạn là 99 năm. Ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thiên Tân, đã tham dự lễ ký chuyển nhượng đất của dự án này. Sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”, dự án này đã dần biến thành “Khu thí điểm đầu tư và phát triển tổng hợp Campuchia-Trung Quốc”, được coi là hình mẫu của hợp tác kinh tế Campuchia-Trung Quốc và được xem là dự án trọng điểm mẫu của sự hợp tác Campuchia – Trung Quốc và sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tuyên bố cũng cho biết, việc người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan nói với truyền thông Dara Sakor có thể được chuyển đổi thành tài sản quân sự là một vấn đề đáng lo ngại khác.
Vào tháng 8 năm 2019, ông Phay Siphan đã kiên quyết phủ nhận dự án này có liên quan đến quân đội Trung Quốc khi được một phóng viên của VOA tiếng Trung phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Phnompenh. Ông nhấn mạnh rằng sân bay quy mô lớn do Tập đoàn Youlian xây dựng ở Dara Sakor được xây dựng cho tương lai và có thể mang lại sự gia tăng khách du lịch Trung Quốc.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Hãy nói cho tôi biết, chúng tôi cần quân đội Trung Quốc để làm gì?”.
Bộ Tài chính Mỹ không nêu rõ nhận xét của Phay Siphan trong tuyên bố của mình hôm thứ Ba. Một bản tin của Bloomberg vào tháng 7/2019 viết, Mỹ lo lắng rằng khu nghỉ dưỡng này sẽ trở thành một căn cứ hải quân của Trung Quốc khi dẫn lời ông Phay Siphan nói: “Dara Sakor là dự án dân sự và không có căn cứ nào cả. Nó có thể được chuyển đổi, nhưng có thể chuyển đổi nó thành bất cứ thứ gì”.
Bộ Tài chính Mỹ nói: “Căn cứ quân sự lâu dài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Campuchia có thể đe dọa sự ổn định của khu vực và phá hoại triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp, an ninh trên biển cũng như tự do hàng hải và hàng không”.
|
Vị trí của sân bay Dara Sakor ở Campuchia (Ảnh: world.fang.com).
|
Tuyên bố nói rằng hành động được thực hiện hôm thứ Ba là để “cho thấy Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và chủ quyền của người dân Campuchia. Mỹ đang tích cực áp dụn các biện pháp để ngăn chặn đầu tư có tính bóc lột của Trung Quốc và sát cánh với các đối tác và đồng minh của chúng ta ở Đông Nam Á”.
Tất cả tài sản và quyền tài sản ở Mỹ hoặc thuộc sở hữu của người Mỹ của một tổ chức được Bộ Tài chính Mỹ xác định là mục tiêu trừng phạt với 50% trở lên thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của tổ chức đó sẽ bị phong tỏa và phải báo cáo với Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính.
Theo quy hoạch tổng thể của Dara Sakor, khu vực cảng và sân bay được quy hoạch 23 km vuông, trong đó sân bay được chia thành 4 giai đoạn phát triển và xây dựng với quy hoạch tổng thể là một đường băng dài 3800m và hai đường băng dài 3200m.