|
Các tàu thuyền, máy móc của Trung Quốc đang hút cát lấp biển để xây dựng đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: CSIS) |
Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông, ngày 27/8, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 24 công ty Trung Quốc như một biện pháp để chống lại hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thông báo về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt thị thực đối với những người có liên quan được xác định là có liên quan đến hoạt động xây dựng và quân sự ở Biển Đông, cấm họ và các thành viên gia đình nhập cảnh Mỹ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty liên quan đến việc hỗ trợ các hành động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm Công ty TNHH Tập đoàn Truyền thông Haige Quảng Châu và một số công ty liên quan của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc, Công ty Truyền thông Huanjia Bắc Kinh, Công ty TNHH Dữ liệu Guoguang Thường Châu, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc, Cục Công trình hàng hải số Hai, Cục Giao thông Đường thủy Thiên Tân, Cục Giao thông Đường thủy Thượng Hải, v.v.
|
Một phần của đảo nhân tạo Chữ Thập hiện được Trung Quốc biến thành căn cứ liên hợp trên Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều).
|
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định trong tuyên bố rằng Mỹ, các nước láng giềng của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đều lên án yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và việc xây dựng các đảo nhân tạo cho PLA trong khu vực. Do đó, quyết định đưa 24 công ty được thêm vào danh sách thực thể bị trừng phạt (Entity List). Ông Ross nói rằng “khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo mang tính thách thức này, 24 công ty trong danh sách thực thể đã đóng vai trò quan trọng, cần phải truy cứu trách nhiệm”.
Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) thuộc Bộ Thương mại đã ngay lập tức đưa 24 công ty Trung Quốc vào Danh sách thực thể (Entity List). Nguyên nhân là do các công ty này đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông và quân sự hóa chúng. Tuyên bố cũng chỉ trích Trung Quốc phớt lờ sự phản đối của Mỹ và các nước khác, nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo kể từ năm 2013 để tăng cường sức mạnh quân sự đối với các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, qua đó phá hoại chủ quyền của các nước đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực.
|
Tàu cuốc Trung Quốc đang hút cát để lấp biển, tạo thành đảo nhân tạo trên Biển Đông (Ảnh: Apolo).
|
Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo cho biết từ năm 2013, Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để san lấp, bồi đắp diện tích hơn 3.000 mẫu Anh ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, xâm hại chủ quyền của các nước láng giềng. Tuyên bố trực tiếp chỉ rõ Tổng công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc không chỉ tham gia vào các công trình phi pháp trên Biển Đông, mà còn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch "Vành đai, Con đường"; đồng thời bản thân công ty này cũng dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, hoạt động tài chính mang tính cướp đoạt, hủy hoại môi trường, v.v. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thị thực đối với những người tham gia xây dựng các cấu trúc quân sự ở Biển Đông và gia đình của họ, cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ ngày 27/8/2020.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố, những người bị cấm nhập cảnh vào Mỹ bao gồm những người phụ trách hoặc tham gia vào việc cải tạo bồi lấp, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn các đảo và rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, cũng như cưỡng ép các nước Đông Nam Á không có được tài nguyên ngoài khơi. Mọi thành viên gia đình trực hệ (cha mẹ, vợ con) của họ cũng có thể bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
|
Đá Vành Khăn Trung Quốc chiếm từ tay Philippines hiện đã trở thành đảo nhân tạo lớn với hệ thống sân bay, cầu cảng, nhà kho...(Ảnh: Đa Chiều).
|
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27, vào tối 26/8 theo giờ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hạn chế thị thực đối với 12 công dân Trung Quốc do tham gia xây dựng các công trình đảo nhân tạo trên Biển Đông (chưa có thông tin cụ thể).
Theo phân tích của ông Drake Long, chuyên gia quân sự Biển Đông của đài BBC, các công ty liên quan đã hỗ trợ Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bao gồm việc đặt cáp ngầm dưới biển và thiết bị thông tin liên lạc ở Biển Đông. Việc một số công ty phục vụ PLA không phải là điều mới mẻ; có cơ quan nghiên cứu ở Australia đã chỉ ra rằng một số công ty này đã sớm nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Các quan chức Trung Quốc hiện chưa có phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Trang web của Thời báo Hoàn cầu – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngay lập tức đưa tin liên quan trên Weibo với chủ đề "Bàn tay đen vung ra đột ngột”.
Một bài báo cáo tiếp theo của Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng “Mỹ có mục đích rõ ràng trong việc kích động tình hình căng thẳng khu vực, nhưng sẽ không thành công”.
|
Đảo nhân tạo Xu Bi Trung Quốc lấp biển, xây dựng trái phép ở Trường Sa (Ảnh: Weibo).
|
Trước đây Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng các đảo trên Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” và rêu rao “việc Trung Quốc tiến hành xây dựng và triển khai các thiết bị quân sự mang tính phòng ngự trên đất của mình là điều hoàn toàn bình thường”.
Vào ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc về cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” ở Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nêu quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Ông Pompeo tuyên bố, Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát Biển Đông bằng cách “bắt nạt” các nước láng giềng và nói “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình”.
Tranh chấp ở Biển Đông xoay quanh chủ quyền của nhiều đảo, bãi đá ngầm và bãi cát trong khu vực. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei đều đã nêu yêu cầu chủ quyền.
Do vị trí chiến lược của Biển Đông, Mỹ cũng coi Biển Đông là một vùng biển quan trọng và có quan hệ đồng minh với nhiều bên tranh chấp.
Tranh chấp chủ quyền các đảo ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và căng thẳng leo thang trong những năm gần đây. Chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu sách lãnh thổ “Đường biên giới 9 đoạn” và lấp biển tạo đảo, xây dựng các cấu trúc quân sự và thành lập các khu vực hành chính trong khu vực lãnh thổ tranh chấp, gây nên phản đối từ các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế.
|
Đảo nhân tạo Châu Viên do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa (Ảnh: WeChat).
|
Danh sách 24 công ty bị đưa vào Entity List: Công ty TNHH Tập đoàn nạo vét truyền thông Trung Quốc (China Communications Dredging (Group) Co., Ltd.) Cục Đường thủy Thiên Tân, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC Tianjin Waterway Bureau Co., Ltd.) Cục Đường thủy Thượng Hải, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC Shanghai Waterway Bureau Co., Ltd.) Cục Đường thủy Quảng Châu, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC Guangzhou Waterway Bureau Co., Ltd.) Cục Công trình hàng hải số Hai, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (China Communications Second Navigation Engineering Bureau) Công ty TNHH Viễn thông Hoàn Giai Bắc Kinh (Beijing Huanjia Telecom Co., Ltd.) Công ty Thông tin dữ liệu Quốc Quang, Thường Châu (Changzhou Guoguang Data Communications Co., Ltd.) Viện Nghiên cứu 7, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, (CETC-7) (China Electronics Technology Group Corporation, 7th Research Institute (CETC-7) Công ty TNHH Công nghệ Hồng Vũ, Quảng Châu, (một viện trực thuộc của CETC-7) (Guangzhou Hongyu Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Đồng Quan Quảng Châu (một viện trực thuộc của CETC-7) Guangzhou Tongguang Communication Technology Co., Ltd. Tổng công ty Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Viện nghiên cứu thứ 30 (CETC-30) (China Electronics Technology Group Corporation, 30th Research Institute (CETC-30) Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc, Viện nghiên cứu thứ 722 China Shipbuilding Group, 722nd Research Institute) Công ty TNHH phát triển công nghệ Sùng Tín Bada (Chongxin Bada Technology Development Co., Ltd.) Công ty TNHH Thiết bị Truyền thông Quảng Hữu, Quảng Châu (Guangzhou Guangyou Communications Equipment Co., Ltd.) Công ty TNHH Tập đoàn truyền thông Haige Quảng Châu (Guangzhou Haige Communication Group Co., Ltd.) Công ty TNHH Phát triển Trường Hải Quế Lâm (Guilin Changhai Development Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Quảng Hưng Hồ Bắc (Hubei Guangxing Communications Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Trường Lĩnh Thiểm Tây (Shaanxi Changling Electronic Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Kỹ thuật cáp hải dương Thượng Hải (Shanghai Cable Offshore Engineering Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Thái Lợi Tín (Telixin Electronics Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Thiết bị Phát thanh Thiên Tân (Tianjin Broadcasting Equipment Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ điện tử Hàng không Thiên Tân 764 (Tianjin 764 Avionics Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Công nghệ Điều hướng và Truyền thông Thiên Tân 764 (Tianjin 764 Communication and Navigation Technology Co., Ltd.) Công ty TNHH Truyền thông Mailite Vũ Hán (Wuhan Mailite Communication Co., Ltd.). Ngoài ra, tối 26/8 theo giờ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hạn chế thị thực đối với 12 công dân Trung Quốc do tham gia xây dựng các công trình đảo nhân tạo trên Biển Đông (chưa có thông tin cụ thể). |