Với động thái trên, Mỹ đang tiến gần đến cuộc chiến toàn diện với Nga, có điều ủy quyền cho lực lượng nổi dậy Syria trực tiếp chiến đấu.
“Chúng tôi có cái mình yêu cầu trong thời gian cực nhanh”, lãnh đạo một lực lượng nổi dậy ở Syria, ông Ahmad al-Saud hồ hởi tuyên bố. Ông này khoe thêm với tên lửa chống tăng TOW sản xuất tại Mỹ, chỉ trong 2 ngày, đơn vị của ông ta, sư đoàn 13 đã tiêu diệt 7 xe tăng và xe bọc thép.
Tên lửa TOW của Mỹ đã được đưa tới khu vực từ năm 2013. Đó là một phần của chương trình mật mà Mỹ phối hợp với Ả Rập Xê Út và các đồng minh khác để hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy được CIA hậu thuẫn chống chính quyền Syria. Lực lượng nổi dậy tại Syria luôn cần sự chuẩn thuận của Mỹ mỗi khi đưa các tên lửa này ra chiến trường.
Tờ The New York Times nhận định việc triển khai TOW lần này hẳn cũng là chiến lược của Mỹ, ít nhất là sự chuẩn thuận ngầm.
Lực lượng nổi dậy từng được Mỹ huấn luyện ở Syria - Ảnh: AFP |
TOW “dí” xe tăng Nga
Những ngày qua, trên mạng bắt đầu xuất hiện những clip ghi cảnh tên lửa TOW của Mỹ “dí theo” những chiếc xe bọc thép do Nga sản xuất trên các chiến trường ở tỉnh Hama và Idlib. Quân đội chính phủ Syria đang sử dụng những xe bọc thép này.
Một lãnh đạo của lực lượng nổi dậy đang tham chiến ở Hama hồ hởi khoe với New York Times: “Chúng tôi muốn bao nhiêu (tên lửa TOW) cũng được và muốn lúc nào cũng có. Chỉ việc điền con số là xong”.
Tuy vậy, cũng có thông tin rằng các chỉ huy nổi dậy đã yêu cầu 500 tên lửa TOW do chính quyền Ả Rập Xê Út quản lý nhưng đã bị từ chối vì đòi hỏi quá nhiều.
Một nhóm binh lính của chính phủ Syria tại tỉnh Hama - Ảnh: AFP |
Tự do tung tẩy
Ở bên kia chiến tuyến, một quan chức nằm trong liên minh Nga, Iran và Hezbollah - lực lượng nổi dậy Shiite ở Lebanon ủng hộ chính quyền Syria - nói rằng cả vũ khí và nhuệ khí của lực lượng này đang “ở một tầm cao mới”. Quan chức này nói rằng liên minh kể trên đang tiến tới rất gần chiến thắng.
Tương tự như chiêu tung clip TOW, các “fan” của Nga và Syria cũng tung các clip ghi cảnh trực thăng tấn công của Nga hạ thấp xuống sát các mục tiêu ở Syria đến độ có cảm giác như bụng trực thăng sắp chạm đất. Rồi bất ngờ, máy bay vút lên, nhả súng máy ầm ầm, bắn tên lửa vun vút.
Những tiếng nổ chát chúa vang lên. Những cột khói đen sì bốc cao từ những mục tiêu được Nga khoanh vùng là khủng bố.
Đến đây, xin nhắc lại rằng với Mỹ, khủng bố là IS; còn với Nga, khủng bố là hàng loạt thành phần nổi dậy, gồm cả những lực lượng được Mỹ huấn luyện và tài trợ vũ khí.
Xe bọc thép do Nga sản xuất có mặt khắp Syria - Ảnh: AFP |
Dường như Nga đang dùng lại chiêu thức cũ từng sử dụng trên chiến trường Afghanistan xưa kia, nơi quân đội Liên Xô chống lại lực lượng nổi dậy ở đất nước bạt ngàn cánh đồng anh túc. Mỹ lập tức ra tay giúp ngay những thành phần chống Liên Xô này, tài trợ cả tên lửa phòng không cho họ. Thế là không ít những “người bạn thân” của Mỹ sau đó “lột xác” thành al-Qaeda, biến thành kẻ thù số 1 của Mỹ suốt nhiều năm dài, tấn công cả vào nước Mỹ trong sự kiện 11.9.
Nỗi ám ảnh đó hẳn vẫn còn đang đeo bám dai dẳng trong đầu người Mỹ, khiến “những người bạn nổi dậy ôn hòa” của Mỹ hiện nay ở Syria vẫn chưa có thứ mà họ khao khát nhất: tên lửa phòng không hòng ngăn máy bay Nga và chính quyền Syria hết dám tung tẩy lượn lên lượn xuống như thời gian qua.
Giữa bối cảnh chiến tranh đang leo thang trên mọi mặt trận như thế, viễn cảnh các bên ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp ngoại giao càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Theo Thanh Niên