Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn liên doanh với Nhật Bản chống Bắc Triều Tiên

VietTimes -- Lầu Năm Góc thử nghiệm thành cộng đánh chặn một tên lửa đạn đạo bằng tên lửa tiêu chuẩn SM-3 Block IIA trong hệ thống phòng thủ siêu hiện đại Aegis. Đây là lần thứ hai sản phẩm liên doanh Mỹ - Nhật Bản thử nghiệm thành công sau hai lần thử nghiệm liên tiếp thất bại.
Tên lửa đánh chặn SM-3 BlockAII. Ảnh: Raytheon.
Tên lửa đánh chặn SM-3 BlockAII. Ảnh: Raytheon.

SM-3 Block IIA là sản phẩm tên lửa của sự hợp tác nghiên cứu chế tạo Mỹ và Nhật Bản, dự kiến trang bị cho hai trạm phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ ở Romania và Ba Lan, các trạm Aegis Ashore trong tương lai tại Nhật Bản nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung.

Tên lửa SM-3 có thể được phóng từ các phương tiện mang trên biển hoặc đất bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.Theo tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon, các biến thể Block IIA được trang bị động cơ tên lửa mạnh hơn và một đầu đạn có động lực học lớn hơn.

Cuộc thử nghiệm đánh chặn diễn ra ngoài khơi bờ biển phía tây quần đảo Hawaii, tàu khu trục mang tên lửa John Finn, sử dụng hệ thống Aegis phóng 1 tên lửa SM-3 phá hủy tên lửa đạn đạo mục tiêu, bay đến từ căn cứ tên lửa Thái Bình Dương ở Kauai.

"Đây là một thành tựu tuyệt vời và là cột mốc quan trọng cho phép tên lửa SM-3 Block IIA tiếp tục bay", Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa đạn đạo, trung tướng Sam Greaves tuyên bố "Tôi xin chúc mừng toàn đội, bao gồm cả các thủy thủ, đối tác trong ngành và các đơn vị đồng minh giúp đạt được thành tựu này. "

"Vụ đánh chặn chính xác của tên lửa SM-3 Block IIA là một thành công mà nước Mỹ chia sẻ với Cơ quan phòng thủ tên lửa và Nhật Bản, những đối tác phát triển tên lửa đang hợp tác cùng chúng tôi", Taylor Lawrence, chủ tịch Hệ thống tên lửa Raytheon, phát biểu. “Cùng hợp tác, chúng ta xây dựng những giải pháp tiên tiến nhất cho sứ mệnh phòng thủ tên lửa đạn đạo.”

Các thử nghiệm với tên lửa đánh chặn liên doanh SM-3 mới không gặp nhiều may mắn. Cuộc thử nghiệm tên lửa SM-3 đầu tiên tháng 02.2017 thành công, thử nghiệm thứ hai tháng 06.2017 bị hủy hoàn toàn sau khi một lính thủy vô tình kích hoạt tính năng tự hủy của tên lửa, khi cho rằng mục tiêu là một phương tiện bay thân thiện. Thử nghiệm thứ ba, được tiến hành tháng 01.2018, kết thúc thất bại, gây tổn thất cho người nộp thuế 130 triệu USD.

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo tháng 3, tướng Greaves nhấn mạnh rằng, ngay cả trong một thử nghiệm đánh chặn thất bại, cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) có được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ mỗi lần thử nghiệm. Ông cho biết: "Nếu Bắc Triều Tiên học được nhiều như tôi học hỏi từ những thất bại này, tất cả chúng ta đều thực sự lo lắng."

Một vấn đề quan trọng mà MDA đã đánh giá, thúc đẩy chương trình liên doanh Mỹ, Nhật tiếp tục phát triển là: “Dựa trên những kết quả quan sát và đánh giá cơ sở dữ liệu thu được ban đầu, thử nghiệm đạt được những mục tiêu đặt ra. Những nhân viên của chương trình tiếp tục đánh giá hiệu năng hệ thống.” Điều đó có thể hiểu rằng, liên doanh Mỹ - Nhật trong việc hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn SM-3 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xây dựng dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Thử nghiệm tên lửa tiêu chuẩn SM-3 của liên doanh Nhật Mỹ. Video: tài khoản  defenseupdate.