Dùng phương pháp bắn hàng loạt "salvo":

Mỹ thử nghiệm thành công GMD đánh chặn tên lửa đạn đạo

VietTimes -- Ngày 25.03.2019, Tribune dẫn thông cáo báo chí từ Căn cứ không quân Vandenberg tại Lompoc, California cho biết, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), trong khuôn khổ chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia, lần đầu tiên phóng thử nghiệm thành công 2 tên lửa đánh chặn một đầu đạn ICBM mục tiêu.
Lực lượng phòng thủ tên lửa Mỹ đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo trong thử nghiệm. Ảnh: TheTribune.
Lực lượng phòng thủ tên lửa Mỹ đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo trong thử nghiệm. Ảnh: TheTribune.

Cuộc thử nghiệm nhằm mục đích thục luyện năng lực của quân đội Mỹ, phản ứng đánh trả kẻ thù trong tình huống tên lửa đạn đạo được phóng từ các quốc gia thù địch khác như Triều Tiên hoặc Iran.

Các quan chức Lực lượng phòng thủ tên lửa cho biết, hai tên lửa đánh chặn thuộc GMD [Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất] phóng vào khoảng 10:30 A.M, đã đánh trúng mục tiêu đầu đạn ICBM theo kế hoạch. Ngay sau khi tên lửa được phóng, có thể nhìn thấy hai đốm lửa sáng rực và vệt khói kéo dài trên bầu trời khu vực.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một tên lửa liên lục địa được phóng đi từ thao trường thử nghiệm Reagan trên Đảo san hô Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall, cách địa điểm đánh chặn tên lửa khoảng 6.437km, mang theo đầu đạn mục tiêu giả để phục vụ cho tên lửa đánh chặn phóng từ căn cứ không quân Vandenberg. Thông cáo báo chí cho biết, mục tiêu giả bị đánh chặn thành công.

Trung tướng Samuel A. Greaves, tư lệnh MDA thuộc Lực lượng không quân Mỹ phát biểu trong bản tin ngày 25.03.2019 cho biết: Đây là phiên bản tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI salvo) dành cho tổ hợp các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo ICBM. Cuộc thử nghiệm thành công là một dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Hệ thống hoạt động chính xác như yêu cầu thiết kế. Kết quả cuộc thử nghiệm này cung cấp một minh chứng quan trọng về kết quả thực tiễn đưa học thuyết salvo (bắn loạt) vào áp dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trong giai đoạn hành trình phóng từ mặt đất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ đất nước, thử nghiệm này khẳng định rằng, GMD có sức mạnh răn đe đáng tin cậy, có khả năng chống lại những mối đe dọa thực tế trên thế giới, tướng Greaves nhấn mạnh.

Cuộc thử nghiệm diễn ra là một bất ngờ lớn đối với dân cư trong khu vực duyên hải miền Trung nước Mỹ, do hầu hết các thử nghiệm phóng tên lửa từ căn cứ Không quân địa phương đều được lên kế hoạch và công bố trước nhiều tháng.

Ngày 24.03.2019, trang Bloomberg đăng 1 bài viết cho biết, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch ngày 25.03.2019 phóng hai tên lửa đánh chặn lắp đầu đạn của Raytheon Co., nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của quân đội trước tên lửa đạn đạo, được phóng từ các quốc gia thù định.

Cristina Chaplain, giám đốc hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ trụ thuộc Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg cho rằng, đây có thể là một thử nghiệm khó khăn nhất trong lịch sử gần 30 năm của chương trình phòng thủ tên lửa Mỹ.

Theo ông, mặc dù hệ thống phòng thủ tên lửa được đưa vào sẵn sàng chiến đấu nhiều thập kỷ, nhưng đây là lần đầu tiên hệ thống thử nghiệm đòn đánh chặn bằng chiến thuật salvo, sử dụng nhiều tên lửa đánh chặn phóng vào một mục tiêu ICBM. 

Khái niệm salvo được hiểu là tăng cường khả năng đánh trúng tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong thực tế chiến đấu có thể chứa các mồi bẫy và các biện pháp nhiễu điện từ gây khó khăn cho lực lượng phòng thủ tên lửa tìm và đánh trúng mục tiêu.

Laura Grego, một nhà khoa học cao cấp tại Liên minh Các nhà khoa học quan tâm xã hội (UCS), cho biết, tuyên bố của Greaves về việc đánh chặn thành công không có nghĩa là hệ thống phòng thủ tên lửa sẵn sàng bảo vệ Mỹ trong chiến tranh. Bà nhấn mạnh rằng, thử nghiệm được thực hiện dưới cấp độ bảo mật bất thường.

Bà Laura nhận xét: “Thành công tốt hơn thất bại, nhưng vì bí mật nên không thể biết được, kết quả đạt cao đến mức nào. Thử nghiệm trên thực tế diễn ra như thế nào? Lầu Năm Góc đã đi một chặng đường rất dài để thể hiện, hệ thống hoạt động ra sao trong tình huống thực tế”.

Lầu Năm Góc hiện đang đầu tư thêm hàng tỷ USD để phát triển kho vũ khí đánh chặn tên lửa, chủ yếu được triển khai tại Fort Greely thuộc bang Alaska. Trong yêu cầu ngân sách quốc phòng năm 2020 đệ trình Quốc hội đầu tháng 03.2019, Lầu Năm Góc yêu cầu 9,4 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong đó có hệ thống được triển khai tại Alaska.

Kể từ khi được đưa vào thử nghiệm hệ thống GMD đã thành công 5 lần trong tổng số 11 vụ thử.

Lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ phóng đạn đánh chặn mục tiêu ICBM ở California. Video: The Tribune.
Toàn cảnh phóng thử nghiệm tên lửa và kết quả đánh chặn. Video: Lầu Năm Góc và MDA.