Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason (Mỹ) đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện ông Trump đắc cử, cũng như một số hệ quả đối với nước Mỹ và thế giới. Trong lĩnh vực đối ngoại, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đến khả năng đường lối của Mỹ sẽ "diều hâu và cứng rắn hơn", trong lúc thách thức đặt ra là cần phải trấn an các đồng minh ở cả châu Âu lẫn châu Á.
Theo giáo sư, thắng lợi của ông Trump là thắng thế của chính sách bảo hộ kinh tế, chống di dân, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, và giới tính trong một thế giới toàn cầu hóa và đa diện.
Người dân Mỹ đã thể hiện bất mãn của họ qua cuộc bỏ phiếu để thay đổi chính sách công theo ý của họ. Dân bất mãn vì hiện tượng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế làm họ mất việc làm, địa vị xã hội đi xuống, chi phí bảo hiểm y tế tăng, sự áp đặt của chính trị, chia rẽ và bất lực của giới lãnh đạo, thất vọng vì 8 năm cầm quyền của một vị tổng thống da màu.
Đảng Cộng hòa hiện đã nắm được cả nhánh hành pháp lẫn lập pháp trong tay. Giờ đây phe Cộng hòa không thể làm việc chỉ để phá đám và chọc gậy bánh xe (ông Obama) nữa. Họ phải chứng tỏ mình làm được việc, và chịu trách nhiệm trước người dân và sẽ bị nhân dân trừng phạt nếu thất bại.
Chính quyền của ông Trump sẽ phải đối phó với những vấn đề hết sức khó khăn để thực hiện lời hứa tranh cử của Trump: xây bức tường ngăn di dân giữa Mỹ và Mexico và buộc Mexico trả tiền; giải quyết và trục xuất 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ; cải tổ bảo hiểm y tế, lập chương trình mới thay thế cho Obamacare; đánh bại IS, trừng phạt Iran, giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Libya và Syria, chế tài kinh tế đối với Trung Quốc, đàm phán lại hiệp ước NAFTA và TPP, trấn an các đồng minh ở châu Âu và châu Á…
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi khả năng chuyên môn và một thái độ cẩn trọng, trong khi đó tổng thống mới đắc cử rất ít hiểu biết về chính trị quốc tế, và các cố vấn hiện có của ông Trump không sẵn sàng.
Về chính sách đối nội thì vì khả năng bổ nhiệm một số thẩm phán Tòa án tối cao có khuynh hướng bảo thủ của tân tổng thống, nước Mỹ sẽ đi vào một khuynh hướng chính trị bảo thủ trong nhiều năm tới.
Về đối ngoại, vì chưa biết các cố vấn của ông Trump sẽ là ai cho nên khó đoán được chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng căn cứ vào tuyên bố của ông Trump và một số tướng lĩnh ủng hộ ông, người ta có thể đoán rằng chính sách đối ngoại mới có tính cách “diều hâu” và cứng rắn hơn.
Chính sách ấy có thể làm hài lòng những người chỉ trích thái độ “nhu nhược” của chính quyền Obama, nhưng cũng có thể đưa Mỹ vào những cuộc chiến tốn phí và không lối thoát.
Về khía cạnh tích cực, ông Trump có thể xúc tiến một chính sách hòa dịu hơn với Nga để yên vấn đề ở Trung Âu và Trung Đông, để dồn toàn lực đối phó với Trung Quốc ở châu Á.
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thách thức lớn của ông Trump là làm sao hàn gắn và trấn an được các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ. Nước Mỹ không có đủ khả năng trí lực, tài lực, và nhân lực để hành động một mình như ông Trump tưởng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, điều làm người ta lo ngại là sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp. Bên cạnh đó là tính nóng nảy và độc tôn của ông Trump khó mà thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị, và đòi hỏi sự tự chế.
Điều hy vọng là với tính quyết liệt và sự khôn ngoan của một thương gia, ông Trump có thể có những quyết định thực tiễn và thực hiện được một số thương lượng có lợi cho nước Mỹ.