Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 8/4 có bài bình luận về vụ 2 tàu chiến Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay quân sự Shayrat, tỉnh Homs, miền trung Syria.
Theo đó, việc Mỹ bất ngờ triển khai hành động quân sự đối với Syria sẽ làm cho vấn đề Syria trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Syria, nhưng hiện tạm thời sẽ còn chưa thể khẳng định điều này sẽ dẫn tới leo thang quy mô lớn xung đột.
Những toan tính của Mỹ
Về nguyên nhân triển khai hành động quân sự đối với Syria, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều lời giải thích.
Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố cho biết, quân chính phủ Syria trước đó phát động một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học từ sân bay quân sự Shayrat, quân đội Mỹ tiến hành tấn công đối với sân bay này là để ngăn chặn chính phủ Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.
Tối ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cho biết lệnh tấn công quân sự là do bản thân ông đưa ra. Ông cho hay, việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học là sự thực "không thể chối cãi". Mỹ tiến hành tấn công quân sự đối với Syria là để ngăn chặn lan tràn vũ khí hóa học, "phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết chủ nghĩa khủng bố lan tràn trên chiến trường Syria, các thế lực vô cùng phức tạp, một khi vũ khí hóa học rơi vào tay các phần tử phi pháp, được dùng để tiến hành tấn công đối với lãnh thổ Mỹ thì sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công dân Mỹ.
Sự kiện vũ khí hóa học mà chính phủ Mỹ nói đến xảy ra ở tỉnh Idlib, Syria vào ngày 4/4. Các nước phương Tây như Mỹ và phe đối lập Syria lên án không quân Syria đã tiến hành tấn công bằng vũ khí hóa học, nhưng chính phủ Syria và Nga phủ nhận cáo buộc này, cho biết quân chính phủ Syria bắn trúng kho vũ khí chứa vũ khí hóa học của tổ chức cực đoan, dẫn tới rò rỉ chất độc hóa học.
Tiểu ban điều tra sự thật vấn đề vũ khí hóa học Syria của Liên hợp quốc đã tuyên bố bắt đầu thu thập thông tin để xác định có xảy ra vụ tấn công vũ khí hóa học hay không. Vì vậy bản chất của vụ việc hiện vẫn chưa được kết luận.
Dư luận Mỹ cho rằng mức độ nhanh chóng đưa ra quyết định tấn công Syria của ông Donald Trump đã vượt dự tính của rất nhiều nhà quan sát. Hành động này có thể có hai mục đích: Một là để đạt được hiệu quả đánh thắng một cách bất ngờ về mặt quân sự. Hai là để xây dựng hình tượng Tổng thống quyết đoán về chính trị của ông Donald Trump, tạo sự khác biệt rõ rệt với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người được cho là "do dự" trong vấn đề Syria.
Ngoài ra, tranh giành quyền chủ đạo trong vấn đề Syria với Nga cũng được cho là một mục đích của Mỹ khi tiến hành tấn công Syria. Từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria tháng 9/2015, đã giúp đỡ chính phủ Syria chuyển từ thế bất lợi sang chiếm ưu thế trên chiến trường, đồng thời tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa các bên, làm cho Mỹ - nước ủng hộ phe đối lập - ngày càng mất đi quyền chủ đạo trong tiến trình chính trị của Syria.
Hành động quân sự lần này của Mỹ không chỉ có thể tấn công quân chính phủ Syria, mà còn có thể khẳng định vị thế của Mỹ ở Syria không thể coi thường.
Cách đây không lâu, quan chức Mỹ cho biết công tác ưu tiên giải quyết vấn đề Syria của chính quyền Donald Trump hoàn toàn không phải là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Điều này đã thay đổi lập trường kiên trì lật đổ chính quyền Bashar al-Assad của chính quyền Barack Obama trước đó, được cho là một sự chuyển biến quan trọng của Mỹ trong vấn đề Syria.
Nhưng, hành động hạ lệnh tấn công Syria lần này của ông Donald Trump cho thấy ông đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với chính quyền Bashar al-Assad.
Mức độ ảnh hưởng
Chuyên gia cho rằng do tình hình Syria hiện nay rất phức tạp, liên quan đến nhiều phương diện, vì vậy Mỹ tấn công Syria lần này có thể gây nhiều ảnh hưởng.
Trước hết cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) sẽ bị ảnh hưởng. Trong thời gian gần đây, hành động tấn công IS của các bên đạt được tiến triển quan trọng. Quân chính phủ Syria hiện đang tấn công IS ở khu vực phía đông tỉnh Homs, trong khi đó sân bay quân sự Shayrat cung cấp hỗ trợ quan trọng cho hoạt động này.
Sân bay quân sự Shayrat, Syria bị Mỹ tấn công chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hành động tấn công IS của quân chính phủ Syria.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng Syria sẽ trở nên phức tạp hơn. Lực lượng vũ trang chống chính phủ ở Syria bị quân chính phủ áp chế trên chiến trường, có thể sẽ phát động phản công, dẫn đến leo thang xung đột. Trong khi đó, điều này sẽ làm cho tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Syria khó khăn hơn.
Thứ ba, quan hệ Nga - Mỹ sẽ tiếp tục bị tác động. Ngày 7/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang Nga Victor Ozerov đã cáo buộc Mỹ tiến hành tấn công Syria là hành vi "xâm lược".
Ông Victor Ozerov còn cho hay Nga có thể tạm dừng thỏa thuận đạt được với Mỹ về việc quân đội hai nước tiến hành hoạt động phối hợp ở Syria.
Trên thực tế, Moscow khẳng định sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không cho Syria. Đồng thời, Nga đã ngừng một đường dây nóng được thiết lập với Mỹ nhằm tránh xảy ra va chạm giữa không quân Mỹ và Nga tại Syria.
Phương hướng
Mặc dù lần này Mỹ bất ngờ tiến hành tấn công quân sự đối với Syria đã vượt dự tính của rất nhiều chuyên gia, nhưng có phân tích cho rằng điều này hoàn toàn không có nghĩa là trong thời gian tới Mỹ sẽ triển khai hành động quân sự có quy mô lớn hơn đối với Syria.
Nhìn vào kinh nghiệm can thiệp quân sự nước khác của Mỹ trước đây, trực tiếp điều quân đến Syria rất có thể làm cho Mỹ rơi vào vũng lầy và khó thoát ra được.
Trong khi đó, ngay cả đối với cuộc tấn công quân sự lần này, theo tiết lộ của quan chức quân đội Mỹ, hành động quân sự do ông Donald Trump đưa ra cũng chỉ là một phương án tương đối bảo thủ trong các phương án quân sự đối với Syria do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đề xuất.
Ngoài ra, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy để giảm tối đa rủi ro của hành động tấn công đối với Nga, quân đội Mỹ đã thông báo trước cho Nga.
Mặc dù ông Victor Ozerov đã phủ nhận quan điểm này, nhưng Mỹ nhấn mạnh điểm này và cho biết Mỹ thực ra hoàn toàn không muốn làm căng với Nga, đã để lại "đường lui" nhất định.
Đối với Nga, có phân tích cho rằng, mặc dù hiện nay Nga thể hiện một số thái độ cứng rắn, nhưng khả năng Nga triển khai hành động quyết liệt làm leo thang tình hình là không lớn.
Nhà nghiên cứu Trữ Ân cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cần biết rõ, ông Donald Trump hạ lệnh tấn công quân chính phủ Syria chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu chính trị trong nước của Mỹ, vì vậy phản ứng của Nga sẽ tương đối kiềm chế.
Nhìn vào chính phủ Syria, mặc dù đài truyền hình quốc gia Syria chỉ trích hành động quân sự của Mỹ là một hành động "xâm lược", nhưng sau sự việc, chính phủ Syria không tiếp tục tỏ thái độ. Trước đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Moallem đã cho biết Syria ủng hộ cộng đồng quốc tế triển khai điều tra đối với vụ sử dụng vũ khí hóa học.
Có phân tích cho rằng chính quyền Syria giữ thái độ "nhẹ nhàng" đối với hành động tấn công của Mỹ nhằm tránh làm leo thang mâu thuẫn với Mỹ. Tích cực phối hợp điều tra quốc tế liên quan đến vụ sử dụng vũ khí hóa học không tạo thêm bất cứ cớ nào để Mỹ triển khai hành động tiếp theo, sẽ có lợi hơn cho phía Syria.