Mỹ tạm dừng viện trợ, Ukraine tính “đường vòng” mua vũ khí Mỹ qua châu Âu

Trước việc chính quyền Trump tạm dừng viện trợ quân sự, Ukraine đề xuất cho phép châu Âu sử dụng ngân sách quốc phòng mua vũ khí Mỹ để chuyển giao cho Kiev. Kế hoạch này phản ánh tình thế khó khăn và toan tính mới của Tổng thống Zelensky.
Như một phần của động thái mới, một số chính phủ châu Âu đang xem xét kế hoạch mua vũ khí do Mỹ sản xuất từ ​​ngân sách quốc phòng của họ để chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: Getty.

Ukraine đang thất bại trong nỗ lực thuyết phục Mỹ gửi thêm vũ khí. Vì vậy, Kiev dự định thử một chiến lược mới: Đề nghị Washington cho phép các nước châu Âu mua vũ khí Mỹ để chuyển giao lại cho Ukraine, theo tiết lộ từ sáu nguồn tin am hiểu về yêu cầu này.

Cách tiếp cận mới lạ này được đưa ra cùng thời điểm chính quyền Trump ra quyết định tạm dừng một số gói viện trợ quân sự đã được phê duyệt cho Kiev, bao gồm các tên lửa đánh chặn Patriot và đạn pháo nổ mạnh. Động thái này, lần đầu tiên được truyền thông phương Tây đưa tin hôm 30/6, đã khiến các quan chức cấp cao Ukraine hoàn toàn bất ngờ. Đồng thời, nó diễn ra trong bối cảnh châu Âu cam kết gia tăng chi tiêu quốc phòng và đang tìm kiếm các phương án sáng tạo để thực hiện điều đó.

Theo kế hoạch mới, một số chính phủ châu Âu đang xem xét việc sử dụng ngân sách quốc phòng của mình để mua vũ khí do Mỹ sản xuất và chuyển cho Ukraine. Số tiền chi tiêu này sẽ được tính vào chỉ tiêu ngân sách quốc phòng của NATO, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cam kết chắc chắn nào được đưa ra. Những thương vụ chuyển giao như vậy bắt buộc phải có sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ. Chi tiết của quá trình này đang được các bên liên quan thảo luận. Một nguồn tin tham gia vào các cuộc thảo luận, giống như các nguồn khác, được giấu tên vì đây là các thông tin chưa từng được công bố.

Trong bối cảnh không có thêm viện trợ từ Mỹ, và Nga đang triển khai chiến dịch quân sự mùa Hè tại thành phố Sumy ở đông bắc Ukraine – nơi Moscow đã chiếm giữ các mỏ khoáng sản quan trọng, Tổng thống Volodymyr Zelensky buộc phải thay đổi cách tiếp cận trong việc tìm kiếm vũ khí mới.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", một quan chức Ukraine chia sẻ.

Một trở ngại tiềm tàng là các hạn chế mà Mỹ thường áp dụng với đồng minh khi sử dụng vũ khí Mỹ. Trong thời kỳ chính quyền Biden, các tên lửa Storm Shadow của Anh từng bị trì hoãn chuyển giao cho Ukraine vì chứa các bộ phận do Mỹ sản xuất. Theo vị quan chức Ukraine nói trên, phần lớn nội dung đàm phán sắp tới sẽ xoay quanh việc xin cấp phép liên quan đến các bộ phận đó.

Vũ khí Mỹ nổi tiếng với thời gian sản xuất và bàn giao rất chậm. Tuy nhiên, khi xét tới những thiết bị cao cấp như hệ thống phòng không, vũ khí Mỹ vẫn được coi là loại tốt nhất trên thị trường và đã chứng minh hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Vào năm 2022, Mỹ đã tài trợ mua 18 hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine, nhưng đến nay các hệ thống do Lockheed Martin sản xuất này vẫn chưa được bàn giao.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ có chấp thuận yêu cầu mới này hay không.

Chính quyền Trump có vẻ đang cởi mở hơn với ý tưởng cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Kiev sau khi Tổng thống Zelensky gặp ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hà Lan tuần trước. Một người tham dự buổi gặp cho biết cuộc trao đổi "rất tích cực", và ông Trump tỏ ra "cảm thông" và "thấu hiểu".

Một người khác cũng được thông báo về cuộc gặp nhận định đây là một cuộc trao đổi "hiệu quả" và "rất, rất tốt đẹp".

Ông Zelensky đã cập nhật cho ông Trump về tình hình chiến sự, đồng thời trình bày về những hình thức hỗ trợ mà Ukraine cần từ phía Mỹ trong tương lai.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ Roger Wicker, cho biết ông nghe rằng Tổng thống Zelensky đã điều chỉnh yêu cầu viện trợ – chuyển từ viện trợ tài chính sang đề nghị cho phép mua vũ khí.

“Tôi được biết rằng yêu cầu của Tổng thống Zelensky hiện nay ít thiên về viện trợ tài chính từ Mỹ, mà thiên về việc sử dụng tiền của châu Âu để mua súng và đạn từ chúng ta”, ông nói.

Văn phòng Tổng thống Ukraine chưa phản hồi các câu hỏi liên quan đến kế hoạch mới nổi này hoặc nội dung trao đổi trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty.

Ông Trump, người gần đây tỏ ra thất vọng vì Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối đàm phán chấm dứt chiến tranh, đã rời cuộc gặp với tâm lý "đồng cảm hơn" với Ukraine, và không loại trừ khả năng sẽ cung cấp thêm hệ thống Patriot.

“Họ thực sự muốn có các loại tên lửa đánh chặn, như họ gọi thế, và chúng tôi sẽ xem xét xem liệu có thể cung cấp thêm một số không”, ông Trump nói trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị NATO. “Những thứ này rất khó để có được”.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực từ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Zelensky, vẫn chưa có bất kỳ động thái thực tế nào nhằm tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine. Vấn đề chuyển giao vũ khí trở nên cấp bách hơn trong tuần này, sau khi Lầu Năm Góc công bố quyết định ngừng vận chuyển một số lô đạn dược. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng kho dự trữ vũ khí đang cạn kiệt và đã yêu cầu tạm dừng một phần viện trợ.

Trong khi đó, nỗ lực thông qua gói tài trợ mới cho Ukraine vẫn đang đình trệ tại Quốc hội. Gói viện trợ gần nhất được phê duyệt cách đây hơn một năm, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, cùng hàng tỷ USD viện trợ cho Israel và các đối tác ở Thái Bình Dương.

Tính đến tuần này, số viện trợ còn lại vẫn đang được chuyển đến Ukraine thông qua Ba Lan, và dự kiến đủ dùng trong vài tháng tới – tùy thuộc vào quy mô của từng đợt hỗ trợ, theo một quan chức chính quyền. Các gói viện trợ này chủ yếu gồm đạn pháo, vũ khí cá nhân và tên lửa phòng không, nhưng việc Lầu Năm Góc bất ngờ hủy bỏ một số chuyến hàng đã gây ra nhiều hoài nghi.

Chính quyền Trump chưa đưa ra yêu cầu viện trợ bổ sung nào, trong khi các lãnh đạo Cộng hòa tại Quốc hội đã phát đi tín hiệu cho thấy viện trợ Ukraine không còn là ưu tiên, bất chấp một số lời kêu gọi lưỡng đảng thúc giục tăng cường hỗ trợ. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã kêu gọi tăng viện trợ an ninh cho Ukraine, đi kèm với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow.

Về phía các đồng minh, Anh, Canada và các nước châu Âu đã tăng viện trợ cho Ukraine lên gần 23,5 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2025, và dự kiến sẽ bổ sung thêm 40,6 tỷ USD cho phần còn lại của năm, theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte phát biểu tuần trước.

Tuy nhiên, các nước châu Âu có khả năng hạn chế trong việc cung cấp các loại vũ khí thiết yếu, đặc biệt là hệ thống phòng không, khi mà Nga vừa mới phóng 477 máy bay không người lái và 60 tên lửa vào không phận Ukraine trong hôm Chủ nhật tuần trước.

“Xét đến việc một số loại vũ khí thiết yếu đối với chúng tôi hiện chỉ được sản xuất bởi Mỹ – không ai khác trong thế giới dân chủ làm ra – chúng tôi, cùng các đối tác châu Âu, sẵn sàng mua chúng”, một quan chức Ukraine thứ hai cho biết.