Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh “Blackbeard” GL cho các hệ thống pháo phản lực HIMARS và MLRS

Lục quân Mỹ đang đầu tư phát triển loại tên lửa siêu thanh chiến thuật tầm trung mới mang tên “Blackbeard” GL, tích hợp cho các hệ thống pháo phản lực HIMARS và MLRS nhằm hiện đại hóa hỏa lực tầm xa với chi phí thấp, hiệu quả sát thương cao.
Bệ phóng tự hành mới mang tên CAML và tên lửa “Blackbeard” GL. Ảnh: QQnews.

Tên lửa “Blackbeard” GL – Vũ khí siêu thanh giá rẻ

Tên lửa “Blackbeard” GL (Ground-Launched, phóng từ mặt đất) do công ty khởi nghiệp Castelion phát triển. Công ty này được thành lập năm 2022 tại Silicon Valley bởi nhóm cựu kỹ sư SpaceX, với mục tiêu phát triển vũ khí tên lửa đơn giản, hiệu quả cao và có chi phí thấp hơn so với các hệ thống truyền thống.

“Blackbeard” được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách hàng trăm kilômét, với tốc độ có thể vượt Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Tuy chưa công bố chính thức thông số kỹ thuật, nhưng Castelion tuyên bố nó đạt đến 80% hiệu suất của tên lửa tấn công chính xác tầm xa thế hệ mới (PrSM), trong khi chi phí rẻ hơn nhiều.

Dự án tên lửa “Blackbeard” bắt đầu từ cuối năm 2023, sau khi Lục quân Mỹ ký hợp đồng trị giá 1,187 tỷ USD với Castelion để phát triển dòng tên lửa này trong năm tài khóa 2024.

Đạn tên lửa đất đối đất siêu thanh “Blackbeard” GL của Castelion. Ảnh: Topwar.

Theo Castelion, công ty này cũng đã giành được hợp đồng từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) vào tháng 5/2023 nhằm "trình diễn phát triển các phương pháp mới để chế tạo vũ khí tấn công chi phí thấp". Tháng 8/2023, họ đã tiến hành thử nghiệm tĩnh động cơ tên lửa nhiên liệu rắn đường kính 12 inch (305 mm) do chính họ thiết kế, sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn hỗn hợp mới.

Động cơ của “Blackbeard” GL là loại nhiên liệu rắn do Castelion tự thiết kế. Từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, họ đã thực hiện 5 lần thử nghiệm động cơ, nhiều khả năng chính là động cơ dùng cho “Blackbeard” GL. Mặc dù kết quả chi tiết chưa được công bố, Castelion đánh giá các thử nghiệm là “thành công”, thu được “dữ liệu cần thiết”.

Đầu năm 2025, công ty huy động thêm 100 triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân và tuyên bố đang phát triển thế hệ tên lửa tiếp theo. Ngoài Lục quân, Castelion cũng đã ký hợp đồng với Không quân và Hải quân Mỹ.

Phiên bản “Blackbeard” ban đầu là một loại tên lửa không đối đất, sau đó được điều chỉnh để trở thành phiên bản phóng từ mặt đất. Thiết kế dựa trên mô hình tên lửa một tầng, thân dài, sử dụng đuôi lái, với hình dáng giống một số tên lửa phòng không tiêu chuẩn.

Nguyên mẫu đạn tên lửa “Blackbeard” GL. Ảnh: Topwar.

Ống phóng mới và khả năng tích hợp với các hệ thống phóng hiện có

“Blackbeard” GL sẽ được triển khai trong các ống phóng đóng kín AUR+C (All-Up Round + Container) do Castelion phát triển. Các ống phóng này có thể tích hợp trên bệ phóng M142 HIMARS hiện tại, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống mới.

Trong năm tài khóa 2026, Lục quân Mỹ đề xuất thêm 25 triệu USD để thử nghiệm việc tích hợp ống phóng AUR+C vào hệ thống HIMARS. Các cuộc thử nghiệm chính thức với HIMARS dự kiến sẽ bắt đầu trong năm 2026. Nếu đúng theo kế hoạch, phiên bản sản xuất hàng loạt của tên lửa “Blackbeard” GL sẽ ra mắt vào năm 2028.

Castelion cũng trình làng một thiết kế bệ phóng tự hành mới mang tên CAML – có thể là hệ thống kế nhiệm HIMARS. Xe phóng CAML không người lái, đặt trên khung gầm xe tải Oshkosh 10×10, mang theo 4 ống phóng AUR+C. Tuy nhiên, đây chưa phải là thiết kế cuối cùng được chốt.

Phóng thử nghiệm tên lửa “Blackbeard” GL từ hệ thống GMLRS. Ảnh: Topwar.

Vị trí và vai trò trên chiến trường

Tên lửa “Blackbeard” GL được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống giữa các loại đạn hiện có của HIMARS/MLRS. Hiện tại, hệ thống pháo phản lực M270 MLRS và M142 HIMARS sử dụng ba loại đạn: GMLRS, tầm bắn khoảng 90 km; ATACMS, đạn chiến thuật, tầm bắn tối đa 300 km; PrSM Increment 1: mới được biên chế, tầm bắn tới 500 km, dùng container tiêu chuẩn chứa 2 quả tên lửa. Các biến thể tương lai của PrSM (Increment 2, 3, 4) dự kiến đạt tới 1.000 km, có thể mang đầu dò radar chống hạm hoặc dùng động cơ ramjet siêu vượt âm.

Trong khi đó, “Blackbeard” sẽ có tầm bắn trung bình vài trăm km, tốc độ vượt Mach 5, nhưng chi phí thấp và triển khai dễ dàng. Mỗi bệ phóng có thể mang 2–3 quả tên lửa, tương đương cơ số đạn GMLRS hiện tại. Tên lửa “Blackbeard” GL sẽ có một vị trí trung gian – nhanh hơn ATACMS, rẻ hơn PrSM, và dễ triển khai trên diện rộng. Nó có thể thay thế ATACMS và bổ sung hỏa lực ở khoảng cách trung bình.

Phóng tên lửa “Blackbeard” GL từ hệ thống phóng tự hành mới mang tên CAML.
Ảnh: QQnews.

Tiến độ và triển vọng

Theo kế hoạch hiện tại, giai đoạn 2023–2024: Phát triển nguyên mẫu, phóng thử đầu tiên; 2025: Mở rộng đầu tư, thử nghiệm thêm các phiên bản; 2026: Tích hợp với HIMARS, thử nghiệm AUR+C; 2027–2028: Bắt đầu sản xuất hàng loạt nếu đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, tiến độ trên có thể thay đổi do độ phức tạp kỹ thuật và các yếu tố tài chính. Hiện dự án vẫn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm toàn diện, và việc biên chế chính thức sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá trong những năm tới.

Dự án tên lửa “Blackbeard” GL là một phần quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa hỏa lực mặt đất của quân đội Mỹ. Với đặc điểm nổi bật là hiệu suất cao, chi phí thấp, khả năng tích hợp linh hoạt, hệ thống này hứa hẹn sẽ bổ sung hiệu quả cho các tên lửa hiện có như ATACMS hay PrSM.

Hệ thống PrSM Increment 1 phóng thử nghiệm. Ảnh: Topwar.

Dù vẫn còn nhiều thách thức về kỹ thuật và ngân sách, nếu thành công, “Blackbeard” GL có thể tạo ra bước đột phá trong chiến lược triển khai tên lửa chiến thuật – vừa đủ sức răn đe, vừa tiết kiệm chi phí – đặc biệt trong bối cảnh xung đột hiện đại ngày càng đòi hỏi các giải pháp hiệu quả và linh hoạt.