|
Mỹ đang tích cực củng cố liên minh, bày binh bố trận đề phòng Trung Quốc |
Tờ Đa chiều vừa đăng bài phân tích với nhan đề “Mỹ - Nhật – Hàn Tam Quốc diễn nghĩa, vì sao Bắc Kinh độc mã đơn thương”, phân tích cục diện địa chính trị khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới có thể sẽ có nhiều thay đổi lớn sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về “phụ nữ mua vui” sau nhiều thập kỷ tranh cãi. Mỹ được coi là nhân tố thúc đẩy thỏa thuận này. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đang củng cố lại liên minh quyền lực ở Đông Bắc Á để chống lại Trung Quốc.
Truyện Tam quốc khai đoan viết rằng: “Phù thiên hạ đại thế, phân cửu tất hợp, hợp cửu tất phân”. (Thế lớn thiên hạ, chia lâu rồi lại hợp, hợp lâu lại rồi chia). Kịch bản này đã nhiều lần diễn ra ở khu vực Đông Á, mới đây nhất xảy ra với hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc: Ngày 28-12, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về việc giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức gửi lời xin lỗi tới toàn thể những người phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép làm “phụ nữ mua vui”; Nhật Bản thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề này; Hai nước cũng sẽ thành lập một quỹ để hỗ trợ các nạn nhân và Nhật Bản có trách nhiệm đóng góp khoảng 1 tỷ yên ( khoảng 8,7 triệu USD) cho quỹ này.
Trước thỏa thuận mà hai nước Nhật Bản – Hàn Quốc đã đạt được, các nước đều đánh giá cao: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “nhiệt liệt hoạt nghênh”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ; Người phát ngôn của chính phủ Đức nói, Nhật Bản và Hàn Quốc gạt bỏ được mối hiềm khích cũ, không những an ủi được tâm hồn người bị hại, mà còn mở ra con đường hợp tác tốt hơn cho hai nước.
Các nước lớn ở châu Âu như Anh, Italy... cũng gửi lời chúc mừng. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu thông cáo nói rằng, hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận trong vấn đề “phụ nữ mua vui” gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, hy vọng hai nước sẽ cải thiện quan hệ ngoại giao một cách toàn diện sau sự kiện này.
Vì vấn đề “phụ nữ mua vui” mà mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản căng thẳng đã lâu. Tháng 12-2011, các tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc đã dựng tượng đồng phụ nữ mua vui trước cổng đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul; Đầu năm 2015, Hàn Quốc từng tuyên bố sẽ cùng Trung Quốc gửi hồ sơ đăng ký lên UNESCO, đưa các tài liệu về “phụ nữ mua vui” vào hạng mục di sản “Ký ức thế giới” của tổ chức này.
Lần này, Hàn Quốc “bỏ rơi” Trung Quốc, bất ngờ ký kết thỏa thuận với Nhật Bản, bên cạnh việc nhiệt tình chúc mừng, dư luận quốc tế cũng phổ biến cho rằng, điều này có “mối liên hệ mật thiết” với nước thứ ba là Mỹ, đồng thời phân tích nội tình của vở “Tam quốc diễn nghĩa” này: Mỹ mong muốn hai nước đồng minh hòa thuận trở lại, củng cố vị thế chiến lược tại châu Á; Nhật Bản một mặt chịu sức ép từ phía Mỹ, mặt khác cũng xem xét đến chiến lược cùng Hàn Quốc “xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh”; Hàn Quốc thì muốn “tìm sự cân bằng” giữa các nước lớn.
Và tất cả các vấn đề giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có liên quan đến một “vai diễn vắng mặt”: Trung Quốc.
Mỹ: Ngăn chặn Trung Quốc
Trong lúc ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức hội đàm về vấn đề “phụ nữ mua vui” tại thủ đô Seoul thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắn tin trước: “Nếu hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết được thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ mua vui, chính phủ Mỹ sẽ rất ủng hộ”. Thông thường, sau khi sự việc kết thúc, chính phủ Mỹ mới phát biểu bình luận. Nhưng lần này, dường như phía Mỹ rất nôn nóng.
Mỹ nôn nóng là có lý do. Trước khi tổng thống Park Geun-hye và thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, mối quan hệ hai nước Nhật Hàn đã khá căng thẳng. Những phát ngôn khuynh hướng mĩ hóa lịch sử xâm lược của thủ tướng Shinzo Abe sau khi nắm quyền càng khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Báo chí Hàn Quốc cho rằng, mối quan hệ Nhật – Hàn tốt hay xấu “có vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc”, “Washington rất lo ngại về vấn đề này”.
Do đó khi hiệp định vừa được ký kết, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lập tức phát biểu thông cáo: “Chúng tôi hoan nghênh vì các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã có đủ dũng khí và trí tuệ đạt được thỏa thuận này, chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiệt liệt”. Báo chí Mỹ đã miêu tả trạng thái này như sau: “Hiệp định được ký kết khiến các nhà ngoại giao Mỹ như trút được gánh nặng”.
Trước sự kiện lịch sử này, thông qua weibo chính thức, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc bình luận, sở dĩ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết được triệt để vấn đề liên quan đến “phụ nữ mua vui” chỉ “trong một đêm” là do “Mỹ đứng sau lưng ra sức thao túng” và mục đích Mỹ thúc đẩy hòa giải chỉ có một: Ngăn chặn Trung Quốc.
Nhiều hãng truyền thông quốc tế cũng có chung phán đoán. Trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, biển Hoa Đông và biển Đông đang trở thành mặt trận tuyến đầu để Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc tranh giành quyền và lợi ích trên biển. “Mỹ luôn mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc để nhanh chóng xây dựng cơ chế hợp tác đảm bảo an ninh ba nước Mỹ - Nhật – Hàn, ngăn chặn chiến lược phát triển trên biển của Trung Quốc, ngăn chặn sự phát triển về thế lực của Trung Quốc tại châu Á”.
Đặc biệt có hãng truyền thông phương Tây chỉ ra rằng, mấy năm vừa qua, Hàn Quốc tiếp cận quá gần với Trung Quốc , thậm chí có “xu thế ngả vào lòng Trung Quốc”. Rõ ràng là Nhà Trắng không muốn để tổng thống Park Geun-hye “trở thành cô dâu của Trung Quốc”, do đó, “kéo Hàn Quốc trở lại phe Mỹ - Nhật” là một vấn đề then chốt trong chiến lược ngoại giao Đông Á của Mỹ. Và “hòa giải được mối quan hệ Nhật – Hàn, là một bước hết sức quan trọng để kéo Hàn Quốc ra khỏi lòng Trung Quốc”.
Dĩ nhiên cũng có âm thanh phản đối quan điểm này, cho rằng không thể vì Hàn Quốc – Nhật Bản ký kết được thỏa thuận, Trung Quốc – Nhật Bản không ký kết được thỏa thuận mà quy kết rằng do “Mỹ đóng vai trò chủ đạo”. Điều này cần tách ra thành hai vấn đề để phân tích: Trung Quốc và Nhật Bản không ký kết được thỏa thuận chắc chắn không phải là do “Mỹ gây cản trở” như một số nhà phân tích đã chỉ ra, nhưng việc hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc bất ngờ nồng ấm trở lại, lẽ nào không có sự pha tạp của nhân tố Mỹ?
Quan điểm của một trung tâm nghiên cứu chiến lược của Mỹ đã tiết lộ thiên cơ: “Lần thỏa hiệp này đã xóa bỏ những rào cản giữa Hàn Quốc và Nhật, tạo cơ hội hợp tác cho hai nước đồng minh của Mỹ và Mỹ là bên được lợi nhiều nhất”.
Nhật Bản: Cô lập Trung Quốc
Sau khi ngoại trưởng hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết thành công hiệp định về “phụ nữ mua vui” tại thủ đô Seoul, ngày 28/12, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi điện cho tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và nói: “Cứ nghĩ đến nỗi đau khổ khó có thể dùng ngòi bút và ngôn ngữ biểu đạt của các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục trong Chiến tranh thế giới thứ hai là tôi cảm thấy vô cùng đau đớn”.
Từ nhiều năm nay, thái độ và cách làm của Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ mua vui” khiến Hàn Quốc không hài lòng. Trước đó, Tokyo luôn cho rằng, vấn đề bồi thường về mặt pháp luật đã được thực hiện theo hiệp định ký kết từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Quỹ phụ nữ mua vui được thành lập thông qua hình thức quyên góp trong dân gian và sự hỗ trợ của chính phủ đã thể hiện thành ý lớn nhất. Tuy nhiên điều này bị coi là chính phủ Nhật Bản né tránh sự bồi thường trên góc độ quốc gia, “chỉ bỏ ra chút tiền đối phó cho qua chuyện”, vấp phải sự phản đối của các nước châu Á và các đoàn thể phi chính phủ hỗ trợ các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hàn Quốc là nước có phản ứng gay gắt nhất trước cách làm của Nhật Bản. Cục diện “không tin tưởng dẫn đến sự nghi ngờ mới” đã khiến quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Từ thập kỷ 1990, những tranh cãi về vấn đề phụ nữ mua vui xung quanh vấn đề “xin lỗi và bồi thường” đã kéo dài hơn 20 năm chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, hiện tại vấn đề đã được giải quyết triệt để.
Có nhà quan sát chỉ ra rằng, “sở dĩ Nhật Bản nhượng bộ trước Hàn Quốc, ngoài nguyên nhân “Mỹ gây sức ép” nói trên, Nhật Bản cũng có sự tính toán riêng. Và điều mà họ nghĩ chính là Trung Quốc. Các hãng truyền thông lớn ở Nhật đều đã nói, “trong thời điểm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ hai nước Nhật Bản - Hàn Quốc, hai nước chung tay xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh là việc cần ưu tiên hàng đầu”. Có hãng truyền thông phương Tây phân tích, “hệ thống đảm bảo an ninh” này chính là nhằm vào Trung Quốc. “Và những tranh cãi về vấn đề phụ nữ mua vui luôn là rào cản gây trở ngại cho sự hợp tác giữa hai nước, điều này buộc thủ tướng Shinzo Abe phải thay đổi quan điểm ban đầu”.
Trong bản tin của đài truyền hình NHK, những biểu hiện của thủ tướng Shinzo Abe dường như cũng khiến dư luận thấy sự “miễn cưỡng” của ông: Sau khi nhận được hội báo “hai nước Nhật Hàn đã đi đến được thống nhất chung trong vấn đề phụ nữ mua vui vốn gây nhiều tranh cãi nhất” của ngoại trưởng Fumio Kishida, ông Shinzo Abe không hề tỏ ra vui mừng, mà yêu cầu các quan chức trong chính phủ tiếp tục bám sát sự kiện, kịp thời nắm bắt các thông tin có liên quan”.
Một số nhà phân tích tinh rằng, quyết định của ông Shinzo Abe không phải là “tự đáy lòng”, mà xuất phát từ “cục diện ngoại giao của Đông Bắc Á”: Nếu hai nước Nhật – Hàn “giải quyết” được vấn đề phụ nữ mua vui, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không dễ “bắt tay nhau cùng đối phó với Nhật” trong các vấn đề lịch sử, có thể Nhật Bản sẽ có nhiều dư địa để “dồn ép” Trung Quốc hơn.
Về vấn đề này, ngày 29/12, tờ Thời báo hoàn cầu đăng tải xã luận nói rằng, Nhật Bản thuyết phục được Hàn Quốc, ký kết được thỏa thuận về phụ nữ mua vui, tuy nhiên điều này không thể gia tăng thẻ bài cho Tokyo trong quá trình đấu tranh với Trung Quốc, nếu chính phủ Nhật Bản không thay đổi thái độ về các vấn đề lịch sử thì không thể lọt qua cửa ải Bắc Kinh.
Hàn Quốc: Kéo giãn khoảng cách với Trung Quốc
Sau khi ký kết được hiệp định, báo chí Hàn Quốc đã thể hiện nhiều tình cảm khác nhau. Mặc dù các tờ báo lớn của xứ sở Kim chi đều khẳng định khi lần đầu tiên thủ tướng Shinzo Abe chính thức lên tiếng xin lỗi về vấn đề lịch sử này, nhưng họ vẫn tỏ thái độ nghi ngờ khi không có quy định rõ ràng về những phán quyết trước pháp luật.
Và khi các tờ báo phỏng vấn những người phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục vẫn đang còn sống, thì nhiều người vẫn không chấp nhận hiệp định này. Họ yêu cầu rằng, nếu thủ tướng Shinzo Abe không đích thân xin lỗi người bị hại và đồng ý bồi thường thì họ sẽ không an lòng. Tổ chức ân xá quốc tế vốn luôn ủng hộ các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục khởi kiện trước pháp luật cũng phát biểu thông cáo nhấn mạnh, hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc “là vụ giao dịch chính trị trắng trợn”.
Kể cả là giao dịch thì thực chất là Hàn Quốc cũng không được lợi gì. Có tờ báo Hồng Kông nhắc nhở rằng, so với phương án dưới thời thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama năm 1995, “quỹ bồi thường” của thủ tướng Shinzo Abe chỉ thêm mấy chữ “được chính phủ Nhật Bản ủng hộ”, khiến quỹ này “mang một chút màu sắc của chính phủ”, mặc dù có một số nhượng bộ, nhưng “nhượng bộ không nhiều”. Điều quan trọng hơn là, “Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý sẽ không tiếp tục chỉ trích nhau trên các diễn đàn quốc tế về vấn đề phụ nữ mua vui nữa”.
Không chỉ Nhật Bản được lợi khi mối quan hệ Nhật – Hàn nồng ấm trở lại, có bình luận chỉ ra rằng: “Những mối lo ngại về mối quan hệ kinh tế thúc đẩy hai nước Nhật – Hàn ký kết được thỏa thuận này”. Từ năm 2012 đến năm 2014, mậu dịch song phương giữa hai nước giảm 17%, số khách du lịch Nhật Bản sang Hàn Quốc giảm 35%. Đặc biệt là “Hàn Quốc đang xem xét xin gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP vào năm 2016, hy vọng dựa vào điều này có thể cải thiện tình hình kinh tế trong nước mấy năm gần đây”, và “cải thiện quan hệ với Nhật Bản, giành được sự ủng hộ của Tokyo, đối với việc gia nhập TPP của Hàn Quốc là điều hết sức quan trọng”.
Đa số các nhà quan sát cho rằng, kinh tế là chất xúc tác lớn nhất, nguyên nhân khiến Hàn Quốc chấp nhận “bề ngoài được lợi, bên trong chịu thiệt” vẫn là Trung Quốc. Dư luận Hàn Quốc cho rằng: “Ít nhất xuất phát từ vấn đề an ninh, Hàn Quốc cần giữ sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu không sẽ bất lợi cho việc răn đe mối đe dọa bất ổn là Triều Tiên và đảm bảo cho lợi ích an ninh lâu dài của Hàn Quốc”. Từ góc độ này, “Hàn Quốc có thể sẽ tìm thấy một số không gian, linh hoạt hơn trong việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản”.
Một giáo sư đại học Mỹ gốc Hàn Quốc nhận định cực đoan hơn rằng: “Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, ngoài việc gia nhập phe Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ chống lại Trung Quốc, Hàn Quốc không còn sự lựa chọn nào khác”. “Mặc dù đây không phải là sự lựa chọn tốt nhất của Hàn Quốc, nhưng cũng có thể coi là một quyết định có lợi lâu dài. Mối quan hệ đồng minh giao dịch đơn độc với Trung Quốc chỉ khiến Hàn Quốc cô lập hơn mà thôi, kết quả chỉ có thể là mở ra cho Trung Quốc con được nắm quyền chủ đạo trong khu vực”.
Và có không ít người Hàn Quốc có quan điểm này. Có bình luận phân tích rằng, hai năm trở lại đây, mối quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản có bước phát triển lớn, tuy nhiên không làm dao động nền móng của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật – Hàn. Mặc dù quan hệ hai nước Nhật – Hàn có phần đóng băng vì các vấn đề lịch sử, tranh chấp biển đảo, nhưng trên võ đài ngoại giao, “không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”.
Có hãng truyền thông quốc tế bày tỏ sự lo ngại cho Trung Quốc: “Sự thỏa hiệp trong vấn đề phụ nữ mua vui sẽ khiến mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc có bước phát triển lớn, thậm chí khiến “đồng minh đảm bảo an ninh Đông Bắc Á” của Mỹ - Nhật – Hàn đơm hoa kết trái. Tương lai, trong các vấn đề hợp tác lịch sử, có thể Hàn Quốc sẽ áp dụng chiến lược ngoại giao giữ đều khoảng cách với Trung Quốc và Nhật Bản, điều này sẽ khiến Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn”.
Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng, “rất có thể ý nghĩa chiến lược của hiệp định giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị phóng đại”, thực lực của Hàn Quốc trong vòng tròn Mỹ - Nhật – Hàn vốn yếu nhất, vì thế “các bên đều muốn không mất lòng nhau”, hiện tại là thời điểm Hàn Quốc triển khai ngoại giao Đông Bắc Á “thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất”. Đã từ lâu, Hàn Quốc luôn mong muốn được đứng giữa Trung - Mỹ và Trung - Nhật, “Mỹ chấp nhận điều này, Trung Quốc cũng thấu hiểu”. Hiệp định về phụ nữ mua vui giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là chuyện đại sự của hai nước, “nhưng sự ảnh hưởng đối với cục diện Đông Bắc Á lại nhỏ hơn nhiều”.
Điều này cũng có lý, vì dù sao trong mối quan hệ quốc tế, thực lực mới là nhân tố quyết định ảnh hưởng tới cục diện.
Trung Quốc sốc
Sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết được hiệp định về vấn đề phụ nữ mua vui, có hãng truyền thông Nhật Bản tiết lộ, Hàn Quốc cam kết sẽ dừng gửi hồ sơ đăng ký lên UNESCO, đưa các tài liệu về “phụ nữ mua vui” vào hạng mục di sản “Ký ức thế giới”. Ngày 29/12, người phát ngôn Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) đã phủ nhận điều này. Kể cả như vậy, hiệp định này vẫn khiến Bắc Kinh cảm thấy “sốc”.
Dư luận quốc tế muốn xem Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào, tuy nhiên kết quả chỉ là thái độ “hết sức thận trọng”. Ngày 28/12, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chà đạp lên phụ nữ mua vui là tội ác phi nhân đạo nghiêm trọng mà phát xít Nhật đã gây ra cho nhân dân các nước bị hại ở châu Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc nhất quán chủ trương, Nhật Bản cần có cái nhìn trực diện và phản tỉnh về lịch sử xâm lược giải quyết thỏa đáng các vấn đề có liên quan bằng thái độ có trách nhiệm. Trong buổi họp báo ngày 29/12, người phát ngôn Lục Khảng lại “nhấn mạnh một lần nữa” những điều tương tự.
Đối với những lời phát ngôn “không có lập trường” này, cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra bất mãn nhất: “Nhật Bản đã công khai xin lỗi Hàn Quốc vấn đề phụ nữ mua vui, vậy chính phủ Trung Quốc đang làm gì?” “Trung Quốc chỉ biết nói tôi đang khiển trách!” Trên các trang mạng xã hội, âm thanh lớn nhất là “Nhật Bản cũng cần xin lỗi các phụ nữ Trung Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục”.
Giáo sư trường Đại học sư phạm Thượng Hải, chuyên gia vấn đề phụ nữ mua vui Tô Trí Lương đồng tình với quan điểm này: “Hàn Quốc và Nhật Bản đã thỏa thuận thành công vấn đề phụ nữ mua vui, có thể điều này sẽ trở thành ví dụ minh hoạ cho Trung Quốc và các nước xung quanh giải quyết các vấn đề lịch sử, chính phủ Trung Quốc cần xem xét phương án giải quyết vấn đề này “theo kiểu Hàn Quốc”, nhanh chóng hiệp thương với Nhật Bản”.
Một điều lạ là, mặc dù đa số người dân Trung Quốc chỉ trích chính phủ, nhưng lại rất nhiều người không đồng tình với “phương án hiệp thương” mà giáo sư Tô Trí Lương đưa ra: Một cuộc điều tra “Nếu Nhật Bản áp dụng phương án giải quyết vấn đề phụ nữ mua vui như đã ký kết với Hàn Quốc cho Trung Quốc thì bạn có chấp nhận không”, kết quả cho thấy, hơn 50% số người được hỏi lựa chọn “không chấp nhận”.
Tuy nhiên vấn đề thực tế là, kể cả muốn hiệp thương, e rằng Trung Quốc cũng không có nhiều “thẻ bài”. Có hãng truyền thông quốc tế chỉ ra rằng: “Ngay từ năm 1972, trong Tuyên bố chung Trung Quốc – Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố từ bỏ yêu cầu bồi thường cấp quốc gia”, do đó, việc yêu cầu Nhật Bản thành lập quỹ như đã làm với Hàn Quốc là không có nhiều hy vọng, nhiều năm qua, việc Trung Quốc chỉ yêu cầu Nhật Bản bồi thường với tư cách chi chính phủ đã chứng minh cho điều này. Xin lỗi lại càng là vấn đề khó khăn hơn – “lời xin lỗi” mà Hàn Quốc lấy được phải dựa trên cuộc đàm phán về bồi thường, huống chi “ý nghĩa của lời xin lỗi đứng trên góc độ đạo đức nằm ở việc đối phương chủ động chứ không phải Trung Quốc đòi hỏi, nếu không sẽ không có ý nghĩa”.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc “không có lập trường”. Cho dù thế nào thì vấn đề phụ nữ an vui được giải quyết có thể là dấu mốc đánh dấu cục diện Đông Bắc Á xoay chuyển theo chiều hướng mới. Mỹ - Nhật – Hàn Tam Quốc diễn nghĩa, dồn Bắc Kinh vào thế cô lập.
Huy Long