Trong tháng 3/2016, không lực Mỹ đã triển khai 3 máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 tới châu Á-Thái Bình Dương để huấn luyện. Nhưng liệu Mỹ có thường trực các oanh tạc cơ tàng hình tại khu vực?
Trong trường hợp các máy bay B-2, vấn đề hậu cần không gặp khó khăn gì với việc đóng trú thường trực căn cứ ở nước ngoài với chỉ 20 chiếc B-2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hy vọng sẽ mua từ 80 đến 100 máy bay ném bom tầm xa B-21 của hãng Northrop Grumman (LRS-B) vào những năm 2020. Trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, Mỹ có thể sẽ đóng trú một số các máy bay loại này tại châu Á-Thái Bình Dương.
Theo tạp chí National Interest, trong khi các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam có thể dễ bị tổn thương trước đòn tấn công tên lửa của Trung Quốc, nếu như Mỹ đặt các máy bay ném bom tối tấn B-21 tại Hawaii, Alaska và Úc, sẽ giảm bớt khoảng cách tác chiến cho các máy bay này. Việc này sẽ giúp tăng tần suất xuất kích, trong khi lại giảm được nhu cầu về các máy bay tiếp dầu nếu như xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực. Nó cũng tăng hiệu quả răn đe của B-21.
Triển khai các máy bay ném bom mới B-21 tại Alaska hay Hawaii sẽ không có vấn đề gì với Mỹ, vì đó là lãnh thổ Mỹ. Cả hai căn cứ Hickam ở Hawaii và Elmendorf tại Alaska đã đón các chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor và có các cơ sở để phục vụ các máy bay tàng hình. Không lực Mỹ cũng hy vọng sẽ tiếp nhận các chiến đấu cơ F-35 tại căn cứ Eielson ở Alaska, nơi cũng có cơ sở phục vụ máy bay tàng hình. Tuy nhiên, việc bổ sung loại máy bay ném bom tàng hình cỡ lớn hơn đòi hỏi không lực Mỹ sẽ phải mở rộng các căn cứ nói trên để tiếp nhận các máy bay B-21.
Triển khai các máy bay ném bom B-21 tối tân cùng với các chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cho phép Mỹ tạo lập đội hình tàng hình để tác chiến và huấn luyện cùng nhau thường xuyên. Việc này sẽ giúp tăng cường cho phi công làm quen với từng chiến thuật cũng như hiệp đồng tác chiến với nhau. Có nghĩa đội ngũ phi công này sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Đóng trú máy bay tại Úc là việc khó khăn hơn kể từ khi Canberra có thể chưa hẳn đã muốn tiếp nhận một phi đoàn B-21 vì Úc là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu Úc đồng ý cho triển khai các máy bay ném bom tàng hình, việc này sẽ mở ra khả năng phối hợp huấn luyện với các lực lượng Úc và những đồng minh trong khu vực. Úc là một một không gian rộng lớn cho công tác huấn luyện và nước này có kế hoạch mua các chiến đấu cơ F-35.
Lâu nay, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng mạnh lên và hung hăng hơn, các chiến đấu cơ chiến thuật bán kính tác chiến tầm ngắn đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ngày càng dễ bị tổn thương trước đòn tấn công có trù tính. Thậm chí Guam cũng có thể không còn an toàn. Tuy nhiên, Úc, Alaska và Hawaii lại không dễ bị tấn công và tương đối an toàn hơn trước một cuộc tấn công của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến.
Do đó, Lầu Năm Góc nên nghiên cứu triển khai B-21 tại các căn cứ Hickam, Elmendorf và Eielson khi loại máy bay ném bom mới đi vào tác chiến, National Interest đề xuất.