Mỹ “la làng” sợ máy bay, tên lửa Nga ra đòn ở Syria

Một số quan chức, chuyên gia Mỹ quả quyết Nga triển khai các máy bay chiến đấu “khủng” Su-30SM, cũng như hệ thống tên lửa phòng không, radar tối tân tới Trung Đông không phải để đánh IS mà là đang đe dọa chính lực lượng Mỹ.
Mỹ lo ngại khi tiêm kích khủng Su-30SM xuất hiện tại Syria
Mỹ lo ngại khi tiêm kích khủng Su-30SM xuất hiện tại Syria

Mỹ không khỏi choáng vì Nga ra tay quá thần tốc, gần như ngay sau khi quốc hội Nga bật đèn xanh, tổng thống Putin đã hạ lệnh cho chiến đấu cơ không kích vào các mục tiêu được Nga xem là IS. Trước khi dội bom, một tướng Nga đã tới Baghdad cảnh báo quân đội Mỹ cho máy bay chiến đấu tránh xa các khu vực trên.

Động thái trên bị phương Tây xem là khởi động một giai đoạn mới nguy hiểm trong sự can thiệp mang tính quốc tế vào cuộc nội chiến Syria. Nga không chỉ “ra lệnh” cho các lực lượng Mỹ tránh sang một bên mà hiện còn khai hỏa để hỗ trợ cho yêu cầu của mình.

Khoảng 35 chiến đấu cơ Nga (sẽ được tăng cường thêm 50 chiếc nữa theo thông báo mới của bộ quốc phòng Nga) đã được triển khai tới Syria, toàn loại máy bay được thiết kế chuyên biệt để chiến đấu với các đối thủ như Mỹ chứ không phải IS, một chuyên gia Mỹ nhận định trên Daily Beast.

Kể từ ngày 21/9, 28 chiến đấu cơ của Nga, bao gồm 4 máy bay tiêm kích Su-30SM và một loạt các máy bay cường kích như Su-24, Su-24 đã có mặt tại căn cứ Latakia ở phía tây Syria. Không lâu sau, 6 máy bay cường kích tối tân nhất Su-34 và ít nhất một máy bay trinh sát Il-20 cũng đã tới. Yểm trợ cho lực lượng này là khoảng 500 binh sĩ, xe bọc thép và các hệ thống tên lửa SA-15 và SA-22.

Nga đồng loạt triển khai các máy bay cường kích Su-24, Su-25 và Su-34 tham gian chiến dịch không kích tại Syria
Nga đồng loạt triển khai các máy bay cường kích Su-24, Su-25 và Su-34 tham gia chiến dịch không kích tại Syria

Mỹ và các đồng minh hoàn toàn bất ngờ, thậm chí choáng váng trước động thái của Nga. Giới chức và chuyên gia Mỹ đau đầu phán đoán tại sao Moscow lại điều các loại vũ khí này tới đây, cũng như kế hoạch cuối cùng của Nga tại Syria là gì. Bởi lẽ nhiều loại vũ khí chắc chắn không phải dùng để đánh IS, chúng được thiết kế để chống những kẻ địch mạnh hơn nhiều như Mỹ.

Các hệ thống tên lửa đối không tối tân rõ ràng để tiêu diệt máy bay của kẻ thù, nhưng quân nổi dậy Syria và IS lại không hề có máy bay. Còn tiêm kích đa nhiệm Su-30SM thích hợp nhất để chống lại các lực lượng quân đội công nghệ cao khác.

Daily Beast cật vấn, vậy thì ai trong khu vực sở hữu lực lượng công nghệ cao đó? Chỉ có Mỹ và Israel. Tuy nhiên quan hệ Nga và Israel gần đây khá nồng ấm nên dĩ nhiên đối tượng tác chiến của các máy bay chiến đấu và tên lửa Nga chỉ có thể là các máy bay Mỹ và đồng minh đang tham gia chiến dịch không kích chống IS.

Lý do Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria là giúp tổng thống Bashar al-Assad bảo vệ chế độ và đánh bại IS. Ông Putin nói trên truyền hình Mỹ rằng có hơn 2.000 chiến binh thánh chiến đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Thay vì đợi chúng quay về tấn công nước Nga, Moscow nên giúp ông Assad tiêu diệt chúng ngay tại Syria.

Chuyên gia Mỹ quả quyết các loại máy bay cường kích ném bom Su-24, Su-25, Su-34 có khả năng tương đương với các chiến đấu cơ A-10 và F-15E của Mỹ. Nhưng vấn đề là các tiêm kích Su-30SM là máy bay không chiến thuộc loại tốt nhất thế giới, hoàn toàn vô dụng khi đánh nhau với IS.

Máy bay ném bom tối tân Su-34 của Nga tại căn cứ Latakia, Syria
Máy bay ném bom tối tân Su-34 của Nga tại căn cứ Latakia, Syria

Bên cạnh Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng sở hữu các chiến đấu cơ Su-30 đáng sợ. Trong hàng loạt các cuộc diễn tập không quân gần đây, máy bay Su-30 Ấn Độ đều giành chiến thắng trước các chiến đấu cơ của Mỹ và Anh trong các cuộc không chiến giả định. Rõ ràng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác có thể triển khai Su-30 để đối phó với các kẻ thù sở hữu các chiến đấu cơ công nghệ cao.

Tuy nhiên, điều đó không thể giải thích vì sao Nga lại điều Su-30 tới Syria. “Tôi không hề thấy IS xuất kích bất cứ máy bay nào đòi hỏi khả năng không chiến tối tân như vậy”, tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, chỉ huy lực lượng NATO phát biểu tại Washington hôm 28/9. Tướng Breedlove cho rằng Nga không cần phải triển khai các tên lửa đối không SA-15 và SA-22 tại Syria nếu như nhiệm vụ chỉ để giúp ông Assad đánh bại IS. “Tôi cũng không thấy IS có bất cứ loại máy bay nào đòi hỏi phải có tên lửa SA-15 hay SA-22”, ông nói.

Breedlove nghi ngờ Nga đang cố gắng thiết lập một khu vực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) tại phía tây Syria. Nga gần đây cũng đã lập các khu vực A2/AD tại vùng Baltics và bán đảo Crimea. “Chúng tôi lo ngại rằng một khu A2/AD khác đang được tạo ra tại phía đông Địa Trung Hải”, tướng Breedlove nhận định.

Các khu vực này sẽ trao cho Nga lối vào đặc biệt với các khu vực chiến lược, ông Breedlove phân tích. Trong trường hợp tây Syria, một khu vực chống tiếp cận sẽ giúp Moscow đảm bảo điều động lực lượng vào phía đông Địa Trung Hải, nơi NATO đã thống trị kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Nga tiếp cận Địa Trung Hải qua ngả Syria đòi hỏi chế độ của ông Assad phải đứng vững. Theo đó, các mục tiêu chiến lược của Nga ăn khớp với mục tiêu của chính quyền Syria. Do vậy, các chiến đấu cơ Nga đã ồ ạt đổ tới Syria để tiêu diệt các nhóm phiến quân và IS. Song riêng tiêm kích “khủng” Su-30SM rõ ràng nhằm canh chừng và răn đe một đối thủ rất khác biệt.

Trong một thập kỷ rưỡi chiến đấu tại Afghanistan và Iraq, quân đội nhiều nước cũng triển khai máy bay tiêm kích để phòng ngừa. Mỹ đã điều một tốp tiêm kích tàng hình F-22 tối tân yểm trợ chiến dịch không kích IS của liên quân. Các máy bay F-22 “chim ăn thịt” được trang bị hệ thống cảm biến có thể chỉ thị mục tiêu cho các máy bay khác và đồng thời bảo vệ các máy bay nọ trước tên lửa và chiến đấu cơ Syria. Hiện Syria không ngăn cản chiến dịch không kích, nhưng F-22 vẫn tiếp tục bay.

Một sĩ quan tình báo không quân Mỹ cho biết, Nga có thể sử dụng chiến dịch quân sự tại Syria như một cơ hội nhằm thu thập thông tin tình báo về các lực lượng Mỹ và thu thập kinh nghiệm tác chiến mới nhất. Nga có thể thu được các thông tin hữu ích về loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-22 của Mỹ. “Đó có thể là cách để họ “xác định” độ bộc lộ tín hiệu và phát hiện F-22 trên hệ thống radar trong môi trường chiến đấu thực”, ông nói.

Một trong những kịch bản tồi tệ nhất khiến Mỹ lo sợ là các nhóm “nổi dậy ôn hòa” được CIA huấn luyện và cung cấp vũ khí để chống IS và quân đội Mỹ sẽ bắt buộc phải bảo vệ các nhóm này. Nếu như các nhóm quân trên tấn công chính quyền Syria và máy bay Nga ném bom họ, liệu các tiêm kích F-22 có tấn công người Nga và sau đó buộc chiến đấu cơ Su-30SM phải xung trận can thiệp?

Không khó khăn gì để thấy việc Nga ủng hộ ông Assas có thể xung đột với sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các nhóm nổi dậy Syria và nỗ lực của Moscow nhằm thiết lập một không phận riêng tại Syria có thể kéo các máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ vào các cuộc không chiến.

Dù thế nào chăng nữa, tên lửa và các chiến đấu cơ Nga cũng đã đặt ra mối đe dọa đối với Mỹ tại Syria.

Theo QPAN